Vị sư cô và những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cửa chùa

15/01/2021 - 06:20

PNO - Nếu không có sư cô Thích nữ Liễu Ngọc cưu mang thì sư cô Ngọc Ngân và Ngọc Vy cũng không biết số phận mình bây giờ ra sao. Tình cảm giữa họ không chỉ là sư đồ mà còn trên cả tình mẫu tử.

Nếu không có sư cô Thích nữ Liễu Ngọc cưu mang thì sư cô Ngọc Ngân và Ngọc Vy cũng không biết số phận mình bây giờ ra sao. Tình cảm giữa họ không chỉ là sư đồ mà còn trên cả tình mẫu tử.

Sư cô Thích nữ Liễu Ngọc hiện đang là Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Q.4, TP.HCM, Phó thư ký phân ban Ni giới TP.HCM, Phó ban quản trị chùa Phật Bửu (P.8, Q.4), Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN P.8, Q.4. Bà là tấm gương sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó với công tác Hội Phụ nữ từ năm 1996 và rất tích cực tham gia các hoạt động do Hội phát động.

Khi được hỏi về cơ duyên với Ngọc Ngân và Ngọc Vy, sư cô Thích nữ Liễu Ngọc đỏ hoe đôi mắt, nhưng không giấu nổi nụ cười viên mãn. Trong khoảnh khắc ấy, có thể cảm nhận được bà với một hành trình đầy gian khó chất chứa bao cung bậc cảm xúc thiêng liêng. Giọng nói như nghẹn lại, sư cô Thích nữ Liễu Ngọc vẫy tay gọi hai sư cô trẻ tuổi đang đứng gần đó là Ngọc Ngân và Ngọc Vy. Nếu không có sư cô Liễu Ngọc cưu mang thì sư cô Ngọc Ngân và Ngọc Vy cũng không biết số phận mình bây giờ ra sao. Tình cảm giữa họ không chỉ là sư đồ mà còn trên cả tình mẫu tử.

Sư cô Thích nữ Liễu Ngọc (giữa) và sư cô Ngọc Ngân (phải), Ngọc Vy (trái)
Sư cô Thích nữ Liễu Ngọc (giữa) và sư cô Ngọc Ngân (phải), Ngọc Vy (trái)

Về cơ duyên của sư cô Liễu Ngọc với sư cô Ngọc Ngân: khi ấy chùa Phật Bửu đang dưới sự quản lý của sư trụ trì đời thứ hai và sư cô Thích nữ Liễu Ngọc được sư trụ trì tín nhiệm giao quán xuyến công việc của chùa. Vào một ngày của năm 1998, phật tử phát hiện có đứa trẻ được bọc trong chiếc khăn đặt trước cổng chùa, kế bên chậu kiểng. Phật tử bế đứa bé vào chùa và báo cho các sư cô. Được sự đồng ý của sư trụ trì, sư cô Liễu Ngọc đã nhận chăm sóc bé gái này. Nhìn đứa bé hai,  ba ngày tuổi còn đỏ hỏn, sư cô thực sự lo lắng vì không biết phải chăm sóc làm sao. Nhưng bà không chần chừ trước nhiệm vụ được giao phó. 

Thế là từ đó sư cô Liễu Ngọc bắt đầu một chặng đường gian nan với việc chăm sóc, ẵm bồng, đút ăn, dỗ ngủ. Có những đêm, trẻ ốm, sư cô phải ôm đứa bé trên tay dỗ dành rồi ngồi tựa lưng vào tường ngủ lúc nào không biết. Nuôi một đứa trẻ đối với người bình thường đã khó, với một sư cô còn khó hơn bội phần. Nửa đêm trẻ nóng sốt, phải ẵm đi bệnh viện, sư cô Liễu Ngọc đều đã trải qua. Khi Ngọc Ngân được chín tháng tuổi, biết làm trò, chập chững tập đi, chịu chơi với các sư cô khác thì sư cô Liễu Ngọc mới bớt vất vả. 

Sự trưởng thành của sư cô Ngọc Ngân qua thời gian đều có bóng dáng của sư cô Liễu Ngọc. Khi Ngọc Ngân tới tuổi đi mẫu giáo, một gia đình phật tử ở Q.1, TP.HCM đã đón về nuôi. Thế nhưng tới lúc Ngọc Ngân chuẩn bị vào lớp Một thì gia đình phật tử đi nước ngoài định cư nên em lại trở về chùa trong vòng tay của sư cô Liễu Ngọc. Sư cô đã tự mình đi làm thủ tục để Ngọc Ngân được đến trường. Năm 2016 sư cô Ngọc Ngân học hết bậc THPT và thi đỗ đại học nhưng cô lựa chọn con đường tu học. Hiện tại sư cô đã học xong sơ cấp Phật học, đang theo học bậc trung cấp và có ý định sẽ tiếp tục học lên tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Sư cô Ngọc Ngân như cánh tay phải của sư cô Thích nữ Liễu Ngọc, quán xuyến tất cả công việc của nhà chùa. 

Sư cô Thích nữ Liễu Ngọc tích cực hưởng ứng hoạt động của Hội LHPN P.8, Q.4 trong Đêm hội trăng rằm, chăm lo tết Trung thu cho trẻ em
Sư cô Thích nữ Liễu Ngọc tích cực hưởng ứng hoạt động của Hội LHPN P.8, Q.4 trong Đêm hội trăng rằm, chăm lo tết Trung thu cho trẻ em

Cánh tay trái của sư cô Thích nữ Liễu Ngọc là sư cô Ngọc Vy. Ngọc Vy quê ở tỉnh Trà Vinh, cha mẹ ly hôn, không có người bảo bọc và được sư cô Liễu Ngọc nhận nuôi khi bà nội có nguyện vọng gửi gắm cháu gái mình vào nơi cửa phật. Sư cô Ngọc Vy học giỏi suốt 12 năm phổ thông và cũng tự nguyện quay về 
học đạo.

Tính đến nay, sư cô Thích nữ Liễu Ngọc đã nuôi dưỡng cả thảy sáu đứa trẻ mồ côi, trong đó có cả bé trai. Một bé trai được cô nhận nuôi khi mới hai tháng tuổi, sau này lớn lên đã lựa chọn hoàn tục, sống cuộc đời bình thường. Mặc dù cậu bé đã hoàn tục nhưng sư cô Liễu Ngọc luôn dõi theo và giúp đỡ đến khi tròn 18 tuổi.

Sư cô Thích Nữ Liễu Ngọc đã dang tay cưu mang, nuôi dạy những đứa trẻ bị bỏ rơi, bơ vơ, bất hạnh để các bé có một mái ấm, được đi học và trở thành người có ích. Việc làm của bà đã góp phần không nhỏ cho mục tiêu bảo vệ trẻ em. 

Thanh Huyền
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI