Vì sao xe chở quá tải hoành hành ở TP.HCM?

08/10/2019 - 11:07

PNO - Các trục đường có xe quá tải đi qua trở thành những nỗi ám ảnh chết chóc đối với người dân. Cơ quan chức năng đã tổ chức rất nhiều chuyên đề xử lý nhưng vì sao xe quá tải vẫn hoành hành?

Lời người trong cuộc

Chúng tôi gặp lại tài xế P.B.T. - 38 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh - sau hơn hai tháng anh bỏ nghề lái xe ra kinh doanh quán cơm. Anh T. cho biết, trong đợt tổng kiểm tra hồi tháng 7/2019, anh bị xử phạt vì lỗi chở hàng quá tải.

“Bị phạt thì chủ doanh nghiệp đóng tiền phạt nhưng mình bị giữ giấy phép lái xe. Chán quá, tôi bỏ việc luôn. Với lại, tôi thấy lo khi ôm chiếc xe tải trọng 2-3 tấn mà toàn phải chở trên 4 tấn” - tài xế T. nói.

Anh T. tiết lộ, với cánh tài xế chạy xe hàng, việc chở quá tải “thường như cơm bữa” vì đó cũng là yêu cầu của chủ doanh nghiệp thuê lái xe. Nhiều doanh nghiệp lớn còn thuê cả “chim mồi” canh chừng cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh tra giao thông để xe vượt chốt.

Ngoài ra, tài xế luôn tìm đường tránh các chốt kiểm tra cố định, trạm cân, hoặc canh giờ cho xe qua để không bị xử phạt. Chính vì có chủ doanh nghiệp đóng tiền khi xe vượt tải trọng nên các tài xế như anh T. vẫn vô tư lái xe chở vượt tải trọng.

Nhiều người dân sống ven Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh cho biết, họ luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi thấy xe chở thép quá tải lưu thông trên đường. Tại TP.HCM, đã có rất nhiều vụ xe chở thép quá khổ, quá tải làm rơi thép xuống đường.

Cách đây mấy tháng, một xe đầu kéo chở nhiều cuộn thép lưu thông trên Quốc lộ 1 từ tỉnh Long An về TP.HCM, do chở quá tải trọng cho phép nên khi lên dốc cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh), một cuộn thép trên xe đã rơi xuống đường. Rất may, cuộn thép lăn vào làn đường ô tô nên không gây thương vong về người, chỉ làm hư hỏng một ô tô chạy phía sau.

Vi sao xe cho qua tai hoanh hanh o TP.HCM?
Xe chở quá tải thường có “chim mồi” canh chừng cảnh sát giao thông

Trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ Đội CSGT ở cửa ngõ phía tây TP.HCM cho biết, cứ mỗi đợt lực lượng chức năng ra quân rầm rộ, tình trạng xe quá tải có phần lắng xuống nhưng sau đó lại rộ lên. 

Theo quy định hiện hành, lỗi vi phạm “chở quá tải” có mức phạt từ 800.000 - 12 triệu đồng (tùy mức tải trọng vượt so với mức cho phép); ngoài ra, không chỉ tài xế mà chủ xe cũng bị xử phạt khi xe chở quá tải. 

“Rõ ràng, mức phạt đối với hành vi chở quá tải là rất cao nhưng vẫn có nhiều lái xe, doanh nghiệp cố tình vi phạm. Có nhiều doanh nghiệp không hẳn vì lợi nhuận mà vì họ thiếu phương tiện nên cố tình “đôn” tải lên để một chuyến xe chở bằng hai chuyến” - một cán bộ CSGT nhận định.

9 tháng, phạt hàng chục tỷ đồng 

Ông Trần Quốc Khánh - Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, lực lượng thanh tra giao thông đã phát hiện và xử lý 7.914 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa với tổng số tiền xử phạt hơn 37 tỷ đồng. Chỉ riêng lỗi vi phạm chở hàng quá tải, thanh tra giao thông đã xử phạt 1.650 vụ với số tiền hơn 25 tỷ đồng. 

Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, từ ngày 16/11/2018 đến 15/5/2019, đơn vị đã xử lý 639 trường hợp ô tô chở quá tải. 

Xử phạt rất nhiều, nhưng lực lượng chức năng cũng than khó xử lý xe quá tải. Tại một số địa bàn, xuất hiện các đối tượng “cảnh giới” dẫn đường cho tài xế lách khỏi tầm mắt lực lượng chức năng.

Khi CSGT ra quân, đóng chốt trên đường để xử lý, cánh tài xế bắt đầu nghĩ ra đủ “chiêu” vượt qua hàng rào kiểm soát. Trong một lần trao đổi với chúng tôi về tình trạng xe quá tải, thượng tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng PC08 Công an TP.HCM - cho biết, để đối phó với các đối tượng “cảnh giới”, CSGT phải thường xuyên di chuyển địa điểm tuần tra cũng như địa điểm tập kết, đảm bảo tính bất ngờ; ra quân đồng loạt trên nhiều địa điểm, tuyến đường. 

Qua báo chí, thượng tá Phong kêu gọi người dân ghi hình, chụp ảnh xe vi phạm gửi về cho CSGT để tra cứu, xử phạt. 

Đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, trong công tác xử lý xe quá tải, nhiều tài xế thường tìm cách đối phó lực lượng chức năng như chậm xuất trình giấy tờ, trì hoãn việc kiểm tra tải trọng, thậm chí đóng cửa xe, bỏ đi nhiều giờ. Có trường hợp, lực lượng chức năng phải mất hơn 4 giờ thuyết phục và nhờ CSGT đến hỗ trợ, tài xế mới chịu ký vào biên bản vi phạm.

Về giải pháp ngăn chặn xe quá tải ở TP.HCM, một cán bộ thanh tra giao thông cho biết, việc xác định, kiểm soát tải trọng xe hầu hết nhờ vào các trạm cân. Trước đây, ở TP.HCM có tới ba lực lượng xử lý tải trọng ở các trạm cân là: CSGT, thanh tra giao thông và thanh niên xung phong. 

Tuy nhiên, cách đây hai năm, CSGT và thanh niên xung phong không tham gia nữa, dẫn đến thanh tra giao thông bị động về lực lượng. 

Vị này kiến nghị, cần xem xét lại phương án duy trì ba lực lượng ở trạm cân như trước để việc kiểm soát tải trọng đạt hiệu quả. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI