Vì sao vùng đất thánh Jerusalem nghìn năm chứng kiến xung đột?

08/12/2017 - 06:34

PNO - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một động thái gặp phải sự phản đối không chỉ ở thế giới Ả Rập mà còn ở LHQ, EU và các đồng minh hàng đầu của Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, hầu như toàn bộ cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ, đã từ chối việc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel một khi thỏa thuận hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine chưa đạt được. Bởi vì cả hai bên đều tuyên bố thành phố Jerusalem là thủ đô của mình.

Jerusalem vốn là một điểm nóng tranh chấp về biên giới quốc gia, về khả năng thỏa thuận hòa bình và yêu sách chủ quyền đất đai.

Tuy nhiên, đối thoại về Jerusalem chắc chắn không tránh khỏi một cuộc đối thoại về tín ngưỡng, đặc biệt là về việc kiểm soát một số thánh tích thiêng liêng nhất đối với Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo.

Vi sao vung dat thanh Jerusalem nghin nam chung kien xung dot?
Cổ thành Jerusalem - Ảnh: Oded Balilty/AP

Tại trung tâm Jerusalem, trong một khu vực rộng gấp hai lần Trung tâm mua sắm Mall ở Washington tập trung đến ba thánh tích lớn: Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, thánh địa đứng thứ ba về tính thiêng liêng đối với người Hồi giáo trên thế giới; Bức tường phía Tây (Western Wall), còn gọi là Kotel, một phần của thánh địa thiêng liêng nhất đối với người Do Thái giáo; và Nhà thờ Holy Sepulcher, mà nhiều người Kitô giáo tin là nơi Chúa Jêsus bị đóng đinh, được an táng và phục sinh.

Để hiểu những gì đang xảy ra ở Jerusalem vào lúc này, cần phải hiểu tại sao thành phố các thánh tích tại quan trọng đối với người Hồi giáo, người Do Thái giáo và người Kitô giáo.

Tại sao các thánh tích này lại tập trung vào một nơi?

Jerusalem là trung tâm về mặt địa lý và các sự kiện của Kinh thánh Hebrew, và theo nhiều con đường khác nhau, Kinh thánh Hebrew có ảnh hưởng sâu sắc đến Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

Trong khoảng năm 587 trước Công nguyên và năm 70 sau Công nguyên, người Do Thái xây dựng - và sau đó bị phá hủy - hai đền thờ ở Jerusalem làm trung tâm của cuộc sống tôn giáo và cộng đoàn của họ. Gần 2.000 năm sau, Jerusalem và Đền thờ vẫn là trung tâm của tư tưởng và cầu nguyện của Do Thái giáo truyền thống.

Vi sao vung dat thanh Jerusalem nghin nam chung kien xung dot?
Bức tường phía Tây (Kotel) ở Jerusalem - Ảnh: Reuters

Được coi là nơi thiêng liêng nhất đối với tín ngưỡng Do Thái, bức tường 2000 năm tuổi này được làm bằng đá vôi, chứa những tàn tích cuối cùng của Đền thờ Do Thái Thứ hai

Không thể thăm Jerusalem mà không đến thăm Kotel, nơi được cho là thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng của người Do Thái. Kotel cũng là trung tâm nhộn nhịp nhất của cổ thành Jerusalem.

Đối với Kitô hữu, Jerusalem cũng là nơi Chúa Jesus rao giảng, tử nạn và phục sinh. Nhiều người cũng xem thành phố như là trung tâm lần tái lâm thứ hai của Chúa Jesus. Jerusalem hiện nay là một thánh địa hành hương chính đối với Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới.

Jerusalem không chỉ là một địa điểm có các sự kiện quan trọng trong cuộc đời Chúa Jesus của Kitô giáo, mà còn có các nhân vật quan trọng khác nữa.

Đó cũng là nơi mà theo kinh Koran và các văn bản khác của Hồi giáo, nhà tiên tri Muhammad đã lên thiên đàng. Muhammad được đưa từ Mecca đến Jerusalem, rồi từ Jerusalem đi lên trời, nơi ông đã nói chuyện với các vị tiên tri trước khi trở về trái đất. Hơn 1.300 năm qua đã có các đền thờ Hồi giáo ở Jerusalem.

Vi sao vung dat thanh Jerusalem nghin nam chung kien xung dot?
Hơn 1.300 năm qua đã có các đền thờ Hồi giáo ở Jerusalem.

Ai thực sự kiểm soát các thánh tích chính?

Vấn đề này rất phức tạp. Từ năm 1948, khi Israel trở thành một quốc gia, đến năm 1967, việc kiểm soát Jerusalem bị chia rẽ, với việc Israel kiểm soát Tây Jerusalem và Jordan kiểm soát Đông Jerusalem, bao gồm các thánh tích chính trong cổ thành.

Năm 1967, sau một cuộc chiến tranh với Jordan, Ai Cập, Syria và các quốc gia Ả Rập khác, Israel chiếm nốt nửa phía đông của Jerusalem và sát nhập nó vào Tây Jerusalem, sau khi phá hủy các tòa nhà trước Bức tường phía Tây (Kotel) và tạo ra một quảng trường để đón khách du lịch và những người thờ phụng.

Cộng đồng quốc tế không công nhận thẩm quyền của Israel đối với lãnh thổ này, và phần lớn dân số cổ thành là người Palestine. Toàn bộ cổ thành, bao gồm các thánh tích Hồi giáo, giờ đây nằm trong phạm vi kiểm soát của Israel.

Tuy nhiên, Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, còn gọi là Dome of the Rock, và toàn bộ khu vực người Hồi giáo gọi Haram al-Sharif (Núi Đền) được điều hành bởi Waqf Hồi giáo Jerusalem - một tổ chức Hồi giáo do chính phủ Jordan giám sát, xử lý an ninh và thực hiện quyền lực đối với khu vực.

Các nỗ lực của Israel để thực hiện quyền bổ sung đối với khu vực bị người Hồi giáo xem như là mối đe dọa. Ví dụ, đầu năm nay, khi Israel cài đặt máy dò kim loại ở lối vào Haram al-Sharif, đã nổ ra các cuộc biểu tình đông đảo, và chính phủ Tel Aviv cuối cùng đã phải lùi bước.

Một liên minh phức tạp của các nhóm Kitô giáo thực thi quyền lực đối với Nhà thờ Holy Sepulcher.

Tuyên bố của Tổng thống Trump có thay đổi bất kỳ sự sắp xếp nào không?

Trước mắt là không, vì câu hỏi lớn hơn là ai sẽ kiểm soát Jerusalem trong tương lai và thành phố này sẽ bị phân chia thế nào trong thỏa thuận hòa bình.

Vi sao vung dat thanh Jerusalem nghin nam chung kien xung dot?
Cổ thành Jerusalem - Ảnh: Getty ImagesDescription: Image result for Jerusalem’s Old City

Nhiều người, nhưng không phải tất cả người Do Thái ở Israel bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái mơ đến một ngày xây dựng lại ngôi Đền ở chính nơi Dome of the Rock của người Hồi giáo hiện nay.

Viễn cảnh này khiến người Hồi giáo rất bất bình.

Cũng không phải tất cả các nhà lãnh đạo Kitô giáo đều vui vẻ, và Đức Giáo hoàng Francis đã lên tiếng "quan ngại sâu sắc" về quyết định của Tổng thống Trump.

Việt Hưng (Theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI