Vì sao vua Minh Mạng ban lệnh cấm phụ nữ mặc váy?

18/09/2015 - 07:25

PNO - Thời Hậu Lê từng có lệnh cấm phụ nữ mặc quần thì ngược lại, đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn có lệnh cấm chị em mặc váy.

Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, sông Gianh là giới tuyến chia cắt đất nước làm Đàng Ngoài, Đàng Trong. Đến năm Giáp Tý (1744), chúa Nguyễn Phúc Khoát chủ trương độc lập mới miền Bắc, ông tự xưng vương, lấy Phú Xuân làm đô thành, lại tỏ ý phân biệt với Đàng Ngoài nên cho thay đổi lễ nhạc, thay đổi trang phục…

Về trang phục, ông chú tâm cải cách trang phục của nữ giới, không để phụ nữ mặc váy như miền Bắc mà bắt mặc trang phục mới với quần có đáy (hai ống), áo thì cách tân mô phỏng áo dài của người Chăm và áo xẻ của phụ nữ Thượng Hải (Trung Quốc) để “chế” ra trang phục áo dài (như phụ nữ Việt Nam hiện nay). Chủ trương này không được quần chúng tán thành và họ đã phản đối quyết liệt:

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?

Chính vì vậy, áo dài không được phổ biến rộng, mãi về sau này mới dần dần trở lên quen thuộc hơn, chủ yếu là ở khu vực miền Trung trở vào, còn ở miền Bắc nó vẫn còn khá xa lạ.

Khi lên ngôi, vua Minh Mạng muốn áp đặt trang phục đó lên xã hội miền Bắc. Sách Minh Mạng chính yếu cho biết năm Đinh Hợi (1827) vua đã ra lệnh bắt phụ nữ từ sông Gianh trở ra miền Bắc phải theo trang phục như miền trong, nhưng mệnh lệnh đó không được thi hành nên đến năm Đinh Dậu (1837) vua lại ban dụ rằng:

“Ngày trước, từ Linh Giang [sông Gianh] trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào miền trong, để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay, đã mười năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại, từ tỉnh Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn, quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh, xem khá tề chỉnh. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. Đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ nguyên thói cũ, phải chăng cố ý làm trái mệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ nhân dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội”.

Vi sao vua Minh Mang ban lenh cam phu nu mac vay?

Trang phục phụ nữ miền nam (trái) và miền Bắc (phải)  thời Nguyễn

Tự hào về trang phục truyền thống là chiếc váy, dân gian dấy lên sự phản ứng:

Cái trống mà thủng hai đầu,

Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

“Cái trống mà thủng hai đầu” ở đây chính là cái váy, thế nên khi có lệnh vua ban ra, dân gian than rằng:

Tháng hai có chiếu vua ra,

Mặc quần có đáy người ta kêu trời.

Một bài ca dao khác có nội dung như sau:

Tháng sáu có chiếu vua ra,

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.

Có quần ra đứng bán hàng,

Không quần không đứng đầu làng trông quan.

Vi sao vua Minh Mang ban lenh cam phu nu mac vay?

Hình vẽ một phụ nữ miền Bắc (Tranh minh họa)

Trước đó, vào tháng 9 năm Mậu Tý (1828), phó Tổng trấn Bắc thành là Phan Văn Thúy xin đổi kiểu quần áo Bắc thành, vua Minh Mạng đồng ý, lệnh tiếp tục thực hiện  các lệnh đã ban ra trước đây.

Tình cảnh dân chúng bị ép buộc được sách Quốc sử di biên viết như sau: “Vua dụ rằng: Nhà nước ta bờ cõi thống nhất, phong tục há để khác nhau? Tháng trước, các trấn thần Nghệ An, Thanh Hóa nhiều lần xin đổi quần áo nhân dân bản địa, đã được cho làm theo lời xin. Nay toàn hạt Bắc thành cũng nên kịp thời cải cách, để thống nhất chế độ. Nhưng dời đổi phong tục, việc mới bắt đầu mà dân gian giàu nghèo không đều, những vật liệu may mặc tốt phải xét theo mùa và tháng. Vì thế, khẩn thiết dụ cho các ngươi nên thông sức cho sĩ dân trong hạt, phàm những cách thức quần áo đều nên theo như kiểu Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn định từ cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829) nhất tề thay đổi để tỏ nghĩa tuân theo phép vua.

Ngày tháng 10, cho sao lục chiếu ấy bằng giấy vàng đưa khắp toàn hạt: Không cứ nam, nữ, già, trẻ, kiểu cách quần áo đều phải sửa đổi lại, hạn 3 tháng, người nghèo thì cho 6 tháng. Bấy giờ lại dịch tự tiện đến các chợ, phố, nhà dân, nhiễu sự, hống hách, bậy bạ gây ra mối tệ ở đấy, tiếng oán thán đầy đường, khắp ngõ, nhưng quan lại bưng bít che giấu, vẫn làm biểu tâu là dân tình vui mừng, tạ ơn”.

Mặc dù lệnh cấm của Minh Mạng rất gắt gao, nhưng nó vẫn không thể nào làm phai mờ truyền thống cũ và có thể thấy thực tế đến tận những năm 40 của thế kỷ 20, khi mà triều Nguyễn cáo chung, nhiều nơi ở miền Bắc, nhất là vùng nông thôn, chiếc váy vẫn còn khá phổ biến trong trang phục nữ giới.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI