Vì sao vua Duy Tân lấy vợ nhưng không muốn có con ngay?

31/10/2015 - 08:29

PNO - Cảm nhận nỗi đau xót, tủi nhục của người dân mất nước nên sau khi lập gia đình, vua Duy Tân không có ý định có con ngay.

Muốn lấy vợ muộn mà không được toại nguyện

Duy Tân - vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San,  lên ngôi năm 1909 khi mới 7 tuổi. Tới tuổi trưởng thành, triều đình có ý tìm vợ cho vua nhưng Ngài không đồng ý, sau do thúc ép của mẹ là Hoàng Thái phi Nguyễn Thị Định nên Duy Tân đành phải tuân theo.

Mặc dù một danh sách các thiếu nữ xinh đẹp, nết na được lập ra để dâng lên vua chấm. Tuy nhiên Duy Tân không chọn người nào, vua lấy cớ phải suy nghĩ nên ra Cửa Tùng (Quảng Trị) nghỉ ngơi, khi về sẽ có quyết định. Lúc trở lại Huế, vua vẫn chưa có lựa chọn cuối cùng, Hoàng Thái phi lấy làm lạ gọi đám thị vệ hầu cận đến hỏi chuyện thì được biết mỗi lần ra tắm biển, vua lại đào bới cát. Có kẻ bạo gan hỏi nguyên do, Duy Tân đáp rằng:

- “Ta đang đãi cát tìm vàng đấy!”.

Suy nghĩ về câu nói khó hiểu này, cuối cùng bà hoàng Nguyễn Thị Định đã rõ được ẩn ý trong đó, hiểu là nhà vua muốn nhắc đến Mai Thị Vàng.

Vi sao vua Duy Tan lay vo nhung khong muon co con ngay?
Tranh vẽ vua Duy Tân năm 1916 (Hình minh họa)

Tiểu thư Mai Thị Vàng sinh năm Kỷ Hợi (1899), quê ở thôn Kim Long (xã Hương Long, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), con gái quan Tuần vũ Quảng Trị là Mai Khắc Đôn, một người có tài văn học, nổi tiếng thanh liêm, trong sạch, là thầy dạy Hán văn cho vua. Biết được gia thế của cô gái, bà hoàng cho người nhà đến để coi mặt tiểu thư Mai Thị Vàng và mang ảnh đem về cho bà xem.

Có thuyết nói rằng vua chọn lấy con gái thầy học như một cách để đền ơn nghĩa và dự tính để vài năm sau sẽ thành hôn nhưng mẹ vua không chấp nhận. Cuối cùng ngày 12 tháng Chạp năm Ất Mão (16/01/1916) được chọn làm ngày lễ nạp phi, nhưng sau đó lễ này bị hoãn và tới ngày 26 tháng Chạp (30/01/1916) mới được tổ chức trọng thể ở bộ Lễ. Đám rước dâu gồm toàn phụ nữ, trong đó có 6 bà Thượng thư mặc áo mạng phụ, chít khăn vành, các bà đại thần khác và một số thị nữ cầm phất trần, bạch hạc, thiên tuế ... Cô dâu mặc áo rộng, đội khăn vành, hai món nữ trang này được đem đến khi nạp lễ, đựng trong một cái hộp phủ khăn điều, ngoài các thứ khác như cau lồng, rượu ché ... Tới giờ Ngọ, sau khi lạy bàn thờ tổ tiên và lạy cha mẹ xong, một cây pháo quả được đốt nổ vang, cô dâu được rước lên kiệu ngọc lệ tứ mã tiến vào cung, theo sau là đoàn tùy tùng. Tiếp đến, trong ba ngày đêm liền, tại bộ Lễ có bày cỗ thết quan khách và múa bông, ca hát chúc mừng.

Lễ nạp phi diễn ra tưởng chừng mỹ mãn nhưng có một điều mà người ta cho là điềm xấu, đó là khi đám rước dâu đi ra, cây pháo chỉ nổ có một tiếng rồi tắt hẳn nó báo hiệu cuộc hôn nhân không trọn vẹn sau này.

Sau khi được rước vào hoàng cung, tiểu thư Mai Thị Vàng được phong làm Đệ nhất Giai phi, trở thành người vợ chính thức của Duy Tân.

Không muốn có con ngay vì sợ chịu kiếp nô lệ

Vua Duy Tân yêu thương Mai Thị Vàng, thường được cho bà ngồi ăn chung, đây là điều trái với điển lệ triều Nguyễn. Tuy nhiên về chuyện phòng the, Qúy phi vẫn phải chịu chăn đơn gối chiếc vì vua không hề “ngự” đến. Một lần nhân dịp về thăm nhà, Mai Thị Vàng kể hoàn cảnh của mình cho cha mẹ biết. Hôm sau, trong khi giảng bài cho vua, công Mai Khắc Đôn đã khóc mà hỏi vua rằng:

- “Tiện nữ nhà hạ thần đã may mắn được bệ hạ thương đến, nhưng sao Ngài đã chọn tiện nữ mà không tin dùng?”.

Vua Duy Tân đành trả lời thực:

- “Nước nhà còn nô lệ, lúc này ta thật chẳng muốn sinh con cái ra để bắt chúng chịu cuộc đời nô lệ nhục nhã”.

Ý vua chưa muốn có con ngay, chờ khi vận hội của nước nhà được tươi sáng hơn…Không lâu sau vua tham gia kế hoạch khởi nghĩa chống Pháp nhưng bị bại lộ, Pháp bắt vua đưa đi đày ở đảo Réunion, một thuộc địa Pháp tại Ấn Độ Dương. Đi cùng vua có một số người thân thích, trong đó có bà Mai Thị Vàng nhưng được hai năm vì không hợp thủy thổ, khí hậu nên mọi người bị đau ốm luôn. Cuối cùng Mai Thị Vàng cùng mẹ và em vua trở về nước.

Vi sao vua Duy Tan lay vo nhung khong muon co con ngay?

Bà Mai Thị Vàng khi về già (Hình minh họa)

 Năm 1925, Duy Tân đã gửi thư về cho hội đồng tộc kèm giấy ly hôn đề nghị chứng nhận để bà Mai Thị Vàng được đi lấy chồng khác. Khi đó, bà mới 27 tuổi nhưng cương quyết thủ tiết với chồng, bà thường nói:

Đá dù nát, Vàng chẳng phai,

Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh.

Bà còn thường ngâm:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Bà Mai Thị Vàng sống như vậy cho đến khi qua đời vào năm 1980, thi hài được an táng tại hậu thôn Kim Long.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI