|
Hãy chủ động tầm soát ung thư mỗi năm một lần để phát hiện bệnh sớm |
Theo nghiên cứu của EIU (cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist) công bố vào tháng 6/2020, Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao nhất trong khu vực.
Ung thư luôn là vấn đề nhức nhối mà ngành y cũng như giới khoa học Việt Nam và thế giới vẫn luôn trăn trở tìm lời giải đáp để phòng ngừa, điều trị căn bệnh vốn được coi như án tử này. Để giải đáp các thắc mắc xoay quanh tình hình bệnh ung thư tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, nơi tiếp nhận điều trị bệnh ung thư lớn nhất khu vực phía Nam.
Phóng viên: Theo nghiên cứu của EIU (cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist) công bố vào tháng 6/2020, trong số 10 nước có mức độ phát triển và quy mô dân số khác nhau (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) thì Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất. Bác sĩ đánh giá thế nào về kết quả này?
Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh: Trước tiên, về tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan nghiên cứu quốc tế, ta chỉ ở mức trung bình. So với những nước được cho là phát triển nhất như Phần Lan, Đan Mạch, Pháp, Mỹ… tỷ lệ mắc ung thư của họ khoảng 385/100.000 dân, còn tại Việt Nam là 174/100.000 dân.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của nước ta đúng là cao so với các nước khác bởi 2/3 bệnh nhân ung thư tử vong do phát hiện bệnh trễ. Các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam lại có đặc thù phức tạp như phổi, gan, dạ dày. Cụ thể với ung thư gan khi phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ chữa khỏi (tính theo thời gian sống 5 năm) chỉ khoảng trên 20%.
* Nhiều ý kiến cho rằng chi phí điều trị ung thư quá cao, ngay cả khi bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong các yếu tố khiến người bệnh khó tiếp cận điều trị. Từ đó dẫn tới tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam tăng cao. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?
- Đúng là vẫn còn nhiều bệnh nhân ung thư không có BHYT, dẫn tới phải bỏ dở điều trị vì chi phí rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, đối với một số nhóm bệnh ung thư, dù bệnh nhân có BHYT nhưng giá thuốc dành cho nhóm bệnh này lại quá cao, dù bảo hiểm đã nỗ lực đối với một số loại thuốc cũng chỉ chi trả được cho bệnh nhân 80%, 60% hoặc 45%. Đơn cử một liệu trình điều trị cho bệnh nhân ung thư tốn kém khoảng 50 triệu đồng, có khi lên tới 100 triệu đồng/tháng. Như vậy dù đã được hưởng BHYT, người bệnh vẫn phải tự trả từ 10 triệu - 50 triệu đồng/tháng. Đây là một rào cản khiến nhiều bệnh nhân chưa tiếp cận được với việc điều trị ung thư.
Dù vậy, theo tôi kinh phí không phải là yếu tố then chốt khiến tỷ lệ tử vong do ung thư tại nước ta tăng cao. Tiền bạc thì ở khía cạnh nào đó người ta vẫn còn cố gắng xoay xở được. Điểm then chốt ở đây chính là nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn quá trễ, khi phát hiện ra gần như không còn can thiệp được.
* Trong báo cáo của EIU có chi tiết nhận định rằng chương trình ngăn ngừa ung thư cấp quốc gia của Việt Nam hãy còn non trẻ, bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về điều này? Đối với kiểm soát, phòng ngừa ung thư, chúng ta còn đang hạn chế ở những mặt nào, cần phải hoàn thiện thêm những gì?
- Ý thức tầm soát ung thư của dân ta vẫn chưa cao. Về chuyên môn, tuy chúng ta đã triển khai tầm soát sớm bệnh ung thư nhưng vẫn chưa có độ bao phủ rộng khắp bởi nguồn nhân lực bị hạn chế. Nói riêng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, ba năm nay chúng tôi đã tổ chức tầm soát cho các đơn vị có nhu cầu.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phối hợp với chương trình Ngày mai tươi sáng của Bộ Y tế để tầm soát các loại ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp cho người dân. Dù vậy, tỷ lệ phát hiện sớm của các loại bệnh ung thư này vẫn còn thấp bởi chúng ta mới chỉ triển khai khu trú ở các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội.
Các vùng sâu vùng xa ta vẫn chưa vươn tới hết được. Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hiện đang cố gắng phối hợp với bệnh viện ở tỉnh Ninh Thuận để thực hiện tầm soát ung thư cho người dân địa phương mỗi năm hai lần. Sau khi giúp người dân nơi đó có thói quen tầm soát ung thư định kỳ, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp tại tuyến tỉnh. Nhờ thế, người dân không cần đổ dồn về Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM như hiện nay.
* Bác sĩ nói rằng các bệnh ung thư gan, phổi và dạ dày là ba loại phổ biến nhất tại Việt Nam. Vì sao?
- Trước tiên là ung thư phổi, Việt Nam là nước đứng đầu châu Á về tiêu thụ thuốc lá. Ước tính 1/2 nam giới Việt Nam hút thuốc lá và 1,2% phụ nữ Việt Nam có sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đối tượng chủ động hút thuốc lá, còn những người bị hút thuốc lá thụ động. Khói bụi ô nhiễm từ môi trường cũng là yếu tố góp phần khiến tỷ lệ ung thư phổi tại Việt Nam gia tăng.
Tiếp đến là ung thư gan, nước ta nằm trong khu vực dịch tễ của viêm gan siêu vi C và B. Nếu viêm gan mà còn kết hợp thêm uống rượu bia sẽ dẫn tới xơ gan và hậu quả cuối cùng là ung thư gan. Chúng ta cần biết rằng Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia hàng đầu châu Á. Không chỉ thế, còn do thói quen ăn uống. Thực phẩm để lâu ngày dễ sinh ra nấm mốc có độc tố Aflatoxin. Loại độc tố này gây ra ung thư gan.
Cuối cùng là ung thư dạ dày, một phần là do rượu bia, thuốc lá, nhiễm vi khuẩn HP. Bên cạnh đó còn do thói quen ăn mặn quá nhiều, ít ăn rau xanh và trái cây tươi; hay ăn các thực phẩm hun khói, mắm. Protein trong những loại thực phẩm này sinh ra chất Nitrosamin có nguy cơ gây ung thư.
* Tính riêng tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư tăng lên qua mỗi năm, sự gia tăng đó nói lên điều gì?
- Theo ghi nhận tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân ung thư của năm sau cao hơn năm kế trước đó từ 5 - 10%. Sự gia tăng này chưa hẳn là do ngày càng có nhiều người bị ung thư. Mọi người hãy nhìn nhận dưới góc độ khách quan và tích cực hơn rằng phương tiện chẩn đoán ung thư của chúng ta ngày càng tốt hơn nên phát hiện ra bệnh ung thư nhiều hơn, dẫn tới số lượng ca bệnh tăng lên. Với thâm niên làm công tác quản lý cũng như chuyên môn tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, tôi công nhận rằng sự phát hiện và điều trị bệnh ung thư của chúng ta ngày càng đạt kết quả tốt hơn trước.
Bằng chứng bây giờ tôi gặp lại các bệnh nhân bị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư tuyến giáp đã điều trị lâu năm, thậm chí 20 năm là chuyện bình thường. Đối với ung thư tuyến giáp, tôi nhận thấy 90% bệnh nhân khỏi hoàn toàn (chứ không phải tính theo khái niệm sống 5 năm) nếu họ được phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm. Ung thư vú cũng vậy, ngày nay không những ta có thể chữa khỏi mà còn tạo hình được tuyến vú lại cho bệnh nhân để họ tự tin hơn, có chất lượng sống tốt hơn.
Chốt lại, tôi muốn gửi tới mọi người thông điệp, hãy chủ động tầm soát ung thư mỗi năm một lần để phát hiện bệnh sớm. Nếu bệnh được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao và việc điều trị cũng bớt phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, hãy sống lành mạnh, không thuốc lá, hạn chế rượu bia, đồ ăn mặn, đồ khô. Bên cạnh đó, nên cố gắng bổ sung trái cây và rau xanh vào thực đơn mỗi bữa ăn hằng ngày.
|
Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM |
Thanh Huyền (thực hiện)