Vì sao vẫn phải thi tuyển vào lớp Mười?

31/05/2021 - 06:34

PNO - Trưa 30/5, chỉ cách hai ngày trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười, UBND TP.HCM quyết định tạm hoãn kỳ thi do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn phải duy trì kỳ thi tuyển này?

Cuộc sàng lọc căng thẳng
Trước thông tin hoãn kỳ thi, hầu hết học sinh (HS), giáo viên, phụ huynh đều thở phào nhẹ nhõm. Bởi khi tâm lý bất an thì rất khó để có thể làm bài thi, làm công tác thi ở trạng thái tốt nhất. 

“Hoãn thi là giải pháp hợp lý nhất lúc này”, cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay. Theo cô Đoan Trang, Q.Gò Vấp có quá nhiều HS nằm trong diện phong tỏa, cách ly nên nếu thi thì sợ thiệt thòi cho các em. Tâm lý thí sinh làm bài cũng không tốt. Nếu dời lại ba tuần sẽ an tâm hơn, thời gian này giáo viên tiếp tục ôn tập trực tuyến, củng cố kiến thức cho HS, bù vào thời gian gián đoạn - thay đổi hình thức học trong thời gian qua.

Quyết định hoãn thi được đưa ra sau đề xuất của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 sáng 30/5. Hiện, ngày thi chưa được xác định vì các cơ quan chức năng phải họp bàn phương án. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Sơn, thành phố sẽ phải tổ chức thi, chứ không thể xét tuyển vì rất nhiều HS có nguyện vọng cùng một trường. 

Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười tại TP.HCM năm 2020 - Ảnh: Tam Nguyên
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười tại TP.HCM năm 2020 - Ảnh: Tam Nguyên

Thống kê cho thấy, năm nay, thành phố có hơn 99.000 HS lớp Chín tốt nghiệp THCS. Trừ đi con số khoảng 16.000 HS tốt nghiệp THCS nhưng không đăng ký dự thi vào lớp Mười công lập thì kỳ thi lớp Mười năm nay có hơn 83.000 thí sinh dự thi, trong khi 114 trường THPT công lập chỉ tuyển 67.989 HS. Như vậy, năm nay sẽ có hơn 15.000 HS rớt lớp Mười công lập. Với sự cạnh tranh để chọn - loại cao như thế, theo các nhà chuyên môn, bắt buộc phải thi tuyển.

Theo Sở GD-ĐT, nếu muốn xét tuyển vào lớp Mười công lập thì sở và các trường phải có thời gian chuẩn bị. Thay vào đó, Sở GD-ĐT và các ban ngành của thành phố đã chuẩn bị các biện pháp để đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ trong kỳ thi. 

Có thể thấy, mỗi năm đều có trên dưới 20.000 thí sinh trượt trong cuộc đua tuyển sinh vào lớp Mười công lập (chưa tính số học sinh tốt nghiệp THCS chủ động hướng đi khác). Với HS độ tuổi 15-16, cuộc sàng lọc này quá căng thẳng. Cuộc đua vào lớp Mười công lập tại TP.HCM, đặc biệt là trường tốp đầu và tốp giữa luôn “nóng” bởi HS khá, giỏi chiếm đa số.

Thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), chuyên gia phân tích tuyển sinh lớp Mười, thừa nhận: vào được trường THPT tốt là mong ước của hầu hết phụ huynh và HS, vì thế tính cạnh tranh càng cao. Mỗi năm, việc chọn trường, đăng ký nguyện vọng như một cuộc “ra quân” tổng lực của cả gia đình, thầy cô chủ nhiệm…

Nhiều năm phân tích số liệu, bản thân ông có thể đưa ra cách tính toán, so sánh điểm số với điểm chuẩn để chọn trường nhưng để rút ra nguyên tắc đảm bảo việc đăng ký nguyện vọng, điều chỉnh nguyện vọng chính xác là không thể. Phụ huynh, thí sinh càng không phải là chuyên gia. Sự lựa chọn luôn luôn đi kèm sai số nhất định. Mỗi cuộc đảo chiều của tỷ lệ “chọi”, điểm chuẩn giữa các nhóm trường luôn khiến HS, phụ huynh đau đầu, cân não. Vì vậy, ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng, dư luận và phụ huynh thắc mắc vì sao để vào lớp Mười phải thi tuyển, mà không thực hiện xét tuyển trong khi chúng ta đã hoàn thành phổ cập bậc THPT? 

Xét tuyển lớp Mười có thể giao về các trường

Chị N.T.T.M., phụ huynh ở Q.Gò Vấp đặt câu hỏi vì sao phải thi tuyển trong điều kiện này? Câu hỏi này không phải là chưa từng được đặt ra. 

Quay lại thời điểm năm học 2006-2007, TP.HCM bắt đầu thực hiện tuyển sinh lớp Mười theo hình thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Sau đó, những quận, huyện có đủ trường, lớp đáp ứng chỗ cho HS vào THPT như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn và các quận 2, 9, 6, Thủ Đức, Bình Tân thực hiện phương thức xét tuyển. Những quận còn lại thi tuyển. Đây đều là những quận tập trung nhiều trường nổi tiếng, tính cạnh tranh cao hơn hẳn. Thời điểm đó, nhiều nhà nghiên cứu đã dự báo, rồi cũng sẽ quay trở lại hình thức thi tuyển vì một lý do nghe có vẻ vô lý nhưng lại đúng: không thi chắc chắn chất lượng sẽ giảm.

Sau tám năm triển khai, nhận được những kết quả không khả quan, ngành giáo dục lại quay về cách cũ. Từ năm học 2014-2015, TP.HCM bỏ hình thức xét tuyển vào lớp Mười công lập. Lúc bấy giờ, ban giám hiệu và giáo viên các trường THPT ở khu vực xét tuyển đón nhận thông tin này một cách hồ hởi. Bởi nhiều trường từ chỉ tuyển HS khá giỏi, thành tích luôn nằm ở tốp đầu trở nên trượt dài sau khi xét tuyển. Từ khi xét tuyển, chất lượng đầu vào giảm nên số HS thi lại, lưu ban cứ tăng dần qua các năm. 

Nền giáo dục ở ta còn chú trọng bằng cấp, thi cử. Vì vậy, thi gì thì dạy đó, không thi thì xí xóa cho qua. Xét tuyển là tiến bộ, giảm được áp lực thi cử, mà giáo dục phổ thông càng nên như vậy. Nhưng, phương thức này chỉ phát huy tính ưu việt khi dạy thật - học thật, chất lượng giáo dục được đảm bảo. Nghe như nghịch lý nhưng đó lại là sự thật, người học mất động lực học tập khi thiếu thi cử. 

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM thẳng thắn: không thể “đổ thừa” không thi HS không có động lực học, mà người thầy phải truyền cảm hứng cho học trò. Tại sao TP.HCM đề xuất với Bộ GD-ĐT cho phép được xét công nhận tốt nghiệp nhưng vẫn muốn duy trì kỳ thi vào lớp Mười? Khi đã được công nhận hoàn thành phổ cập thì mặc nhiên người học được đảm bảo có đủ chỗ học trong trường công lập, trừ khi phụ huynh có sự lựa chọn khác. Việc xét tuyển không khó, có thể giao về cho các trường xét theo chỉ tiêu sở giao và giám sát việc tuyển sinh. Công thức xét tuyển: ngoài tính điểm ba môn toán, văn, ngoại ngữ thì có thể lấy điểm trung bình môn năm lớp Chín (hoặc cả bốn năm THCS) để làm căn cứ. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI