Vì sao vải thiều vào châu Âu giá nửa triệu đồng/kg nhưng chưa xuất được nhiều?

20/06/2021 - 16:08

PNO - Giá bán lẻ vải thiều tại Bỉ, Hà Lan, Pháp bình quân 460.000 - 500.000 đồng/kg, tuy nhiên lượng vải nhập vào các nước này mỗi đợt chỉ khoảng 1 tấn.

Tính đến thời điểm này đã có ba lô hàng vải thiều được xuất khẩu sang châu Âu, tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cụ thể, gần 1 tuần sau lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Cộng hoà Séc thì ngày 12/6, 1 tấn vải thiều tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Sau Pháp, lần đầu vải thiều Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch sang Hà Lan với tem truy xuất nguồn gốc, cũng có giá bán hơn 500.000 đồng/kg.

Lô hàng 1 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được phân phối cho các siêu thị Á châu tại Hà Lan, Pháp, Đức. Ngoài kênh siêu thị, các trang web bán hàng online của Hà Lan và Pháp cũng đã nhanh chóng nhận các đơn đặt mua vải thiều Việt Nam. Trước phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Pháp, Hà Lan, dự kiến những lô hàng vải thiều tiếp theo sẽ được doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang Hà Lan và các nước lân cận thuộc EU trong 1 - 2 tuần tới bằng đường hàng không.

Vải thiều Việt Nam được bày bán và giới thiệu ở Hà Lan. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan.
Vải thiều Việt Nam được bày bán ở Hà Lan - Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan

Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều tại Bỉ, số lượng vải nhập còn khá hạn chế, do đang ở giai đoạn thăm dò thị trường. Vải nhập vào dưới dạng hàng mẫu nên các thủ tục về kiểm dịch, hải quan đều được tạo điều kiện dễ dàng hơn. Khi nhập với một số lượng lớn,  các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc... vào các nước châu Âu sẽ chặt chẽ hơn. Tín hiệu đáng mừng là người tiêu dùng châu Âu rất chuộng trái vải tươi, vì hương vị khác hoàn toàn so với sản phẩm vải bóc vỏ, bỏ hạt đóng gói hoặc vải sấy khô.... đã xuất hiện tại thị trường này từ lâu.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đánh giá: “Gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch vào Paris có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, “khai thông đường đi" cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào EU”.

Theo đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan, điểm cộng cho lô hàng vải nhập khẩu từ Việt Nam lần này là có gắn tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phát triển làm tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam. Tuy nhiên, cái khó của DN nhập khẩu là phải tận dụng cơ hội để sớm giới thiệu quả vải tươi của Việt Nam đến người tiêu dùng trước khi vải Trung Quốc chính vụ vẫn xuất sang thị trường này hàng năm.

Đại diện đơn vị này cho biết, việc đưa quả vải thiều Việt Nam sang Hà Lan gặp không ít khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn từ các DN xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Tại Hà Lan, Công ty LTP đã lên kế hoạch từ trước nhưng đến khi thực hiện đơn hàng lại gặp nhiều trở ngại như không có hàng mẫu để chào tới các siêu thị, nhận đơn hàng sớm từ tháng 5 rồi phải hủy vì hàng chưa đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu vào Hà Lan.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, tổng dung lượng thị trường châu Âu đối với trái vải nhập khẩu được ước tính vào khoảng 20.000 – 25.000 tấn/năm. Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ hai sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho châu Âu. Tiềm năng thị trường khá lớn nhưng quá trình phối hợp với các cơ quan, DN của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch COVID-19, khâu kết nối DN vướng một số vấn đề như: Không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu; Khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI