Vì sao vắc-xin AstraZeneca - Oxford được Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu về Việt Nam?

01/02/2021 - 07:00

PNO - Sáng 30/1, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã phê duyệt nhập khẩu “có điều kiện” vắc-xin ngừa COVID-19 do Công ty AstraZeneca - Đại học Oxford hợp tác sản xuất.

 

Người dân châu Âu được tiêm vắc-xin AstraZeneca - Oxford
Người dân châu Âu được tiêm vắc-xin AstraZeneca - Oxford

Hôm 29/1, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chấp thuận sử dụng loại vắc-xin này, theo sau động thái tương tự từ Anh vào tháng trước.

Vắc-xin của AstraZeneca - Oxford (tên đầy đủ ChAdOx1 nCoV-19) sử dụng một phiên bản vô hại, đã làm suy yếu của loại vi-rút thông thường gây cảm lạnh ở loài tinh tinh. Vi-rút này được biến đổi gen nên không thể gây hại cho con người.

Các nhà khoa học chuyển hướng dẫn di truyền “protein gai bám” của SARS-CoV-2 - công cụ để vi-rút xâm nhập tế bào - vào vắc-xin. Khi vắc-xin đi vào bên trong cơ thể, nó sử dụng mã di truyền này để tạo ra protein mô phỏng bề mặt của SARS-CoV-2. Quá trình này kích hoạt phản ứng miễn dịch, tạo cơ hội cho hệ thống miễn dịch nhận diện và tấn công vi-rút thực tế nếu chúng lây nhiễm vào cơ thể.

AstraZeneca - công ty dược phẩm sinh học và dược phẩm đa quốc gia của Anh - Thụy Điển, trụ sở chính tại Cambridge - và Đại học Oxford thông báo rằng vắc-xin có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh cho nhiều người, và đã được chứng minh là có tác dụng ở các nhóm tuổi khác nhau, kể cả người cao tuổi. Họ báo cáo rằng miễn dịch một phần chống lại Sars-Cov-2 xuất hiện khoảng 22 ngày sau khi dùng liều đầu tiên.

Dữ liệu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào đầu tháng 12/2020 cho thấy, vắc-xin của AstraZeneca - Oxford có hiệu quả 62% trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở nhóm 4.440 người được tiêm hai liều vắc-xin tiêu chuẩn, khi so sánh với 4.455 người sử dụng thuốc giả dược. Tuy nhiên, một thử nghiệm khác về vắc-xin cho thấy tỷ lệ hiệu quả đạt đến 90% khi người tham gia được tiêm nửa liều, sau đó là liều thứ hai đầy đủ trong vòng ít nhất một tháng sau đó.

Điều này nghĩa là khi tất cả các kết quả tiêm chủng được tổng hợp, hiệu quả tổng thể của loại vắc-xin này là 70,4%. Giải thích cho lý do vì sao nửa liều lại hiệu quả hơn một liều đầy đủ ở mũi tiêm đầu tiên, các chuyên gia tin rằng phản ứng miễn dịch được kích hoạt quá mạnh nếu tiêm liều đầy đủ, cơ thể không có đủ thời gian để ghi nhớ cách chống lại protein của vi-rút. Nhìn chung, điểm yếu duy nhất của vắc-xin hiện nay là chưa xác định được hiệu quả rõ ràng trong việc chống lại biến thể COVID-19 tìm thấy ở Nam Phi.

Tháng 11/2020, chi nhánh AstraZeneca tại Pháp cho biết họ sẽ chỉ tính phí 3 USD mỗi liều, “để có thể cung cấp loại vắc-xin này cho nhiều người dân nhất, trong điều kiện tiếp cận công bằng nhất”. Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) cũng đã công bố mức giá trần tương tự cho mỗi liều vắc-xin của AstraZeneca và Novavax mà họ đang sản xuất cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình theo một thỏa thuận liên quan đến Quỹ Bill & Melinda Gates và Liên minh vắc-xin Gavi. Như vậy, nếu được nhập khẩu về Việt Nam, mũi tiêm dự kiến có giá dưới 10 USD/2 liều. Đây chính là hy vọng cho nhiều quốc gia nghèo, đang phát triển trên thế giới.
 

 Ngọc Hạ (tổng hợp)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI