Vì sao từ một người bị bắt nạt, tôi lại trở thành kẻ bắt nạt?

02/01/2024 - 13:30

PNO - Tận sâu trong con người cháu ẩn náu một con người hiền lành và lương thiện. Đó là điều chắc chắn.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Ngày còn học cấp 2, do gia cảnh không mấy khá giả, lại không xinh, nên cháu luôn là tâm điểm của những vụ bắt nạt. Những lời nói, miệt thị ngoại hình năm ấy như những nhát dao cứa vào tim cháu.

Và còn gì đau hơn, khi chính thầy cô giáo vì sợ bố mẹ của những bạn ấy, mà im lặng. Không chỉ thế, cháu còn bị tẩy chay khi chia nhóm làm việc. Những tổn thương ấy, cháu sẽ không thể nào quên được!

Thật may mắn cho cháu, khi lên cấp 3, nhà cháu vô tình trở nên giàu có, và bố mẹ quyết định cho cháu học một trường dân lập có tiếng. Những tháng hè đó, cháu cố gắng trở nên xinh xắn, học những kĩ năng nhảy, múa để bù đắp những năm tháng cấp 2.

Sự cố gắng của cháu cũng mang lại quả ngọt: cháu trở thành tâm điểm của trường với nhan sắc và thành tích học tập xuất sắc. Thậm chí, cháu còn được làm phó trưởng ban câu lạc bộ, và ai cũng muốn làm quen.

Cũng tại đây, cháu gặp Châu, một người giống hệt hình ảnh của cháu năm xưa. Khi nhìn Châu, bên trong cháu lại có một điều gì đó luôn thôi thúc, và đây có lẽ là một trong những quyết định sai lầm của bản thân cháu.

Từ một kẻ bị bắt nạt, cháu trở thành một kẻ đi bắt nạt. Đương nhiên, vì cháu nổi tiếng, nên cả lớp đều về phe cháu. Lúc đầu, việc bắt nạt chỉ đơn giản là những lời nói xấu, miệt thị. Sau đó được "nâng cấp" lên hành động tẩy chay, từ lớp đến khối.

Phản ứng của Châu giống hệt cháu ngày xưa: bất lực và không hiểu lý do tại sao. Nhưng càng như thế, cháu càng ghét Châu, vì nó luôn gợi lại quá khứ của cháu, và những lần bắt nạt bạn ấy ngày một nhiều hơn.

Đỉnh điểm là vụ chúng cháu đổ sữa vào suất ăn của bạn. Sự việc đến tai cô giáo. Khác với những gì cháu nghĩ, cô không trách phạt, mà lại bảo sẽ giữ im lặng. Thậm chí cô còn bảo cháu hãy làm nhưng đừng để bị lộ, vì cháu là đại diện của trường và lớp, nếu bị lộ sẽ ảnh hưởng danh tiếng.

Với sự giúp đỡ của giáo viên, bọn cháu càng được đà làm tới. Cho đến một lần, cháu tát Châu, và Châu không chịu được nữa đã lên tiếng: "Rốt cuộc tao đã làm gì để mày hận tao như thế?". Điều này làm cháu mất dần hứng thú với chuyện bắt nạt, bạn bè cháu cũng thấy lạ và liên tục hỏi han.

Bỗng nhiên cháu có suy nghĩ, rốt cuộc cháu làm những điều này là vì điều gì? Vì ảm ánh quá khứ, hay do căm ghét Châu thực sự? Cháu mong cô cho cháu lời khuyên, vì cháu có kể với bố mẹ, nhưng bố mẹ chỉ bảo nếu chuyện bị lộ sẽ lấy tiền ra giải quyết, nên cháu không việc gì phải lo.

Quỳnh Anh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Cháu Quỳnh Anh thân mến,

Khi viết những dòng này cho cô, cô nghĩ cháu đã bắt đầu trưởng thành, chững chạc, biết suy nghĩ sâu xa để lý giải những hành động của mình, và tìm cách thay đổi con người mình tận gốc rễ. Đó là điều rất đáng mừng cháu ạ.

Cháu đã từng bị tổn thương tâm lý nặng nề vì bị bắt nạt thời cấp 2, và giờ đây, vì không tìm ra cách chữa lành những điều đó, cháu lại đẩy những tổn thương ra khỏi người mình theo một cách tiêu cực: đặt nó lên người khác. Cháu nghĩ rằng khi người khác bị tổn thương giống như cháu đã từng, cháu sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, thấy mình mạnh mẽ, tự tin hơn, bản thân cũng thoát ra khỏi cảm xúc tồi tệ cũ. Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm, cháu ạ.

Hành vi bạo lực của cháu lại đang được sự cổ vũ của bạn bè, sự bao che của giáo viên, và sự khỏa lấp của bố mẹ. Những cách cư xử đó đang khiến cháu bị kéo đẩy một cách vô thức, làm cháu càng thêm bối rối.

Thật may là cháu đang muốn dừng lại, cháu nhận ra mình sai, và bắt nạt người khác không giúp cháu thấy vui vẻ, thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Tận sâu trong con người cháu, ẩn náu một con người hiền lành, lương thiện. Nhiều năm qua, nó bị cái ác đè nén, nhưng giờ đây, cặp mắt biết đồng cảm đó đã mở ra để nhìn vào nạn nhân của mình.

Hãy nhắc nhở mình cảm giác đó thường xuyên, cháu nhé. Hãy chủ động dừng những hành động bắt nạt người khác lại, đừng làm theo lời dặn của cô giáo, đừng nghe tiếng cổ vũ của bạn bè, đừng dựa vào sự trấn an sai trái của bố mẹ.

Hãy nhớ câu người ta nói: "Những gì bạn không thích, đừng làm với người khác". Hãy cố gắng nâng cao con người mình, sự tự tin, sức mạnh của mình, trong những điều có ích cho bản thân. Như học hành, đọc sách, chơi thể thao, theo học một bộ môn nghệ thuật nào mà cháu thích: âm nhạc, hội họa, khiêu vũ...

Khi cháu nạp vào người ngày càng nhiều năng lượng tích cực, những suy nghĩ, ám ảnh xấu xa sẽ tự nhiên bị đẩy lùi ra khỏi con người cháu.

Có một điều rất tích cực mà cô mong cháu nghĩ tới: Vì cháu đã đứng ở bên kia thái cực của điều xấu, chắc chắn, khi muốn thay đổi, cháu sẽ nhìn rõ thái cực kia là điều tốt, cháu sẽ trở thành người tốt hơn rất nhiều so với những điều bình thường. Tất cả phụ thuộc vào ý chí, sự sáng suốt và tinh thần mạnh mẽ của cháu!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI