Vì sao trẻ từ 5-11 tuổi nên tiêm vắc xin COVID-19?

11/03/2022 - 10:01

PNO - Hiện tại, trẻ từ 5 - 11 tuổi mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng và lây nhiễm bệnh cho người thân trong gia đình.

 

Trẻ COVID-19 diễn tiến nặng phải thở ECMO
Trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng phải thở ECMO

Theo Sở Y tế TPHCM, sau khi trẻ em trên địa bàn thành phố đi học trở lại, số ca mắc COVID-19 mới đang tăng cao. Trong đó có 90% trẻ dưới 12 tuổi là F0. 

Trước tình huống đó, tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ thuộc nhóm tuổi từ 5-11 tuổi là việc quan trọng để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh cũng như bao phủ miễn dịch cộng đồng. Hiện TPHCM đã có kế hoạch tiêm ngừa và đang rà soát lên danh sách để chuẩn bị tiêm cho trẻ.

Khi cập nhật danh sách cho con em mình, nhiều phụ huynh nửa mừng nửa lo. Người yên tâm vì trẻ có thêm sự bảo vệ khi đi học, cũng có người e ngại vắc xin ngừa COVID-19 gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, đặc biệt khi có thông tin cho rằng trẻ nhỏ dễ bị tác dụng phụ cũng như hội chứng viêm đa cơ quan, tai biến sau khi tiêm.

Về vấn đề này, bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy - Phó khoa Sức khỏe trẻ em, phòng khám chất lượng cao Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, cha mẹ yêu thương, lo lắng cho sức khỏe và sự phát triển của con mình là chính đáng và cần được cảm thông. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ là cần thiết.

Giống như khi Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng bắt đầu tiêm các loại vắc xin như vắc xin ngừa bệnh Sởi - Quai bị - Rubella, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung... ban đầu cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Theo thời gian, các loại vắc xin này đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả bảo vệ rõ rệt, người được tiêm ngừa vẫn phát triển khỏe mạnh, bảo vệ chính mình và cộng đồng. 

Bác sĩ  CK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy - Phó khoa Sức khỏe trẻ em, phòng khám chất lượng cao Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy - Phó khoa Sức khỏe trẻ em, phòng khám chất lượng cao Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM

Quay lại hiện tại, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ ở nhóm từ 12-17 tuổi cũng đang mang lại hiệu quả. Điển hình, tại bệnh viện, tỷ lệ trẻ ở nhóm tuổi này mắc COVID-19 và nhập viện điều trị đã giảm, ngược lại trẻ từ 5-11 tuổi mắc bệnh đang có xu hướng tăng.

Tuy trẻ từ 5-11 tuổi mắc COVID-19 có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi… nhẹ, không đến mức phải nhập viện, nhưng việc phát hiện trẻ là F0 trong quá trình khám sàng lọc tại bệnh viện cũng khiến nhiều người đặt vấn đề liệu trẻ có vô tình trở thành nguồn lây cho bạn bè khi đi học, hoặc người thân trong gia đình?

Qua bệnh sử, các bác sĩ nhi cũng phát hiện cha mẹ, ông bà, anh chị… của trẻ đã từng bị lây nhiễm khi sinh hoạt ăn uống, chăm trẻ bệnh. Như vậy, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ là điều nên làm, vì nó không chỉ bảo vệ trẻ mà còn bảo vệ cả những người xung quanh. Ngoài ra, biến chủng Omicron đang lây nhiễm tốc độ cao, số lượng bệnh ở cả ba bệnh viện nhi của thành phố tăng rất nhiều

“Hiện tại, trẻ nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ và ít nhập viện hơn người lớn nhưng hội chứng viêm đa cơ quan (còn gọi là MIS-C: tình trạng khi nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc hệ tiêu hóa) có thể xảy ra vào tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 sau khi trẻ khỏi bệnh, ở trẻ chưa tiêm ngừa. 

Tuy nhiên, trong đợt dịch mới này, chúng tôi cũng từng tiếp nhận các trẻ nhỏ sốt đến 39 độ hoặc hơn, vẫn có co giật, tổn thương phổi. Còn với trẻ lớn đã tiêm vắc xin thì triệu chứng nhẹ hơn, không sốt quá cao, thường 3 ngày sau trẻ đã khỏe lại. Hiện chưa ghi nhận trẻ đã tiêm vắc xin COVID-19 mắc hội chứng viêm đa cơ quan sau khi khỏi bệnh. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả bảo vệ rõ rệt của vắc xin”, bác sĩ Thùy nói thêm.

Khi đồng thuận cho con tiêm ngừa, phụ huynh cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc theo dõi sức khỏe cho con em mình kể cả trước, trong và sau khi tiêm.

Theo đó, trẻ có bệnh nền mãn tính, bệnh bẩm sinh sẽ được chuyển tiêm tại các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi hoặc ở các bệnh viện chuyên khoa nhi. Những trẻ còn lại sẽ tiêm theo danh sách do địa phương cung cấp trước đó.

Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, những trường hợp thận trọng bác sĩ có thể chỉ định cho theo dõi kéo dài hơn. Bộ Y tế khuyến cáo theo dõi sát sao tình trạng của trẻ ít nhất 3 ngày đầu. 

Theo dõi biến chứng viêm cơ tim trong 7 ngày đầu, với các biểu hiện có thể gặp như khó thở, đau ngực. Các triệu chứng viêm cơ tim này thường thoáng qua và không để lại di chứng. Suốt 30 ngày tiếp theo, người lớn trong gia đình và nhân viên y tế cần phối hợp để đảm bảo sức khỏe của trẻ diễn tiến tốt.

Phạm An
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI