Vì sao trẻ khuyết tật gốc Á bị "vô hình" với hệ thống hỗ trợ của Mỹ?

07/10/2021 - 14:29

PNO - Nghiên cứu cho thấy, phần lớn trẻ khuyết tật gốc Á ở Mỹ vẫn chưa thể tiếp cận được một cách đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cũng như quyền lợi từ chính phủ dành cho mình.

Khi còn là một đứa trẻ, Helen Hoang, tiểu thuyết gia theo trường phái lãng mạn người Mỹ gốc Việt với những tác phẩm văn học được xếp vào hạng “Bán chạy nhất”, đã từng gặp khó khăn về ngôn ngữ dẫn đến những hạn chế trong giao tiếp. Chính vì vậy, cô thường cảm thấy rất cô đơn.

Nữ nhà văn người Mỹ gốc Việt Helen Hoang cùng tác phẩm mới nhất mang tên The Heart Principle kể về một nhân vật chính bị mắc chứng tự kỷ - Berkley/Penguin Random House
Nữ nhà văn người Mỹ gốc Việt Helen Hoang cùng cuốn tiểu thuyết mới nhất mang tên "The Heart Principle" kể về một nhân vật chính bị mắc chứng tự kỷ - Berkley/Penguin Random House

Chỉ đến khi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở tuổi 34 thì những thách thức mà cô phải đối mặt trong cuộc sống mới dần được “giải phóng”.

“Bố mẹ tôi luôn phải bận rộn với công việc kiếm sống khi tôi còn nhỏ, nên tôi được bà nội và những người họ hàng chăm sóc. Chính vì vậy, những dấu hiệu của chứng tự kỷ mà tôi thể hiện ra bên ngoài không hề được ai để ý hay nhận biết cả”, cô Helen Hoang kể.

Chính vì sự thiếu hiểu biết của gia đình về chứng tự kỷ cũng như áp lực phải trở nên bình thường như chúng bạn cùng trang lứa trong trường học khiến cô luôn tìm mọi cách che dấu bản thân và không đi gặp bác sĩ trong một thời gian dài.

Mới đây, cô vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết lãng mạn mới mang tên “Nguyên tắc của Trái tim” (tiếng Anh: The Heart Principle) kể về một nhân vật chính bị mắc chứng tự kỷ cùng các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.

Với hàng triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường thì có 20% trong số đó đang được hưởng các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật của chính phủ Mỹ. Thế nhưng khi phân tích cụ thể thì người ta mới nhận thấy: chỉ có 7% trẻ em gốc châu Á là được hưởng các quyền lợi liên quan, thấp nhất trong các nhóm sắc dân ở Mỹ.

Tỷ lệ trẻ em khuyết tật gốc Á ở Mỹ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của chính phủ là rất thấp - Ảnh: Wavebreakmedia/Shutterstock
Tỷ lệ trẻ em khuyết tật gốc Á ở Mỹ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của chính phủ là rất thấp - Ảnh: Wavebreakmedia/Shutterstock

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có những yếu tố phổ biến như xấu hổ, gặp rào cản về văn hóa ngôn ngữ, nghèo, thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ, yếm thế, và cả sự chần chừ trong việc cho trẻ được khám sàng lọc và chẩn đoán để phát hiện và can thiệp sớm…

Đây chính là những lý do phổ biến khiến trẻ em Mỹ gốc châu Á bị “vô hình” trong cộng đồng trẻ em khuyết tật ở quốc gia này. Theo Cục Thống kê Mỹ thì hiện đang có khoảng 1,4 triệu trẻ em gốc Á là trẻ khuyết tật nhưng chưa được đăng ký lên hệ thống quản lý của chính phủ.

Bà Rooshey Hasnain, một chuyên gia trong lĩnh vực trẻ khuyết tật cho rằng, trẻ em gốc Á ở Mỹ thường bị thiệt thòi nhiều hơn các nhóm sắc dân khác trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ lẫn phục hồi chức năng có chất lượng. Chưa kể chúng còn đối mặt với sự bất bình đẳng không chỉ bởi bên ngoài cộng đồng mà ngay cả từ bên trong do những "lỗ hổng" liên quan đến trình độ học vấn, nền tảng gia đình, văn hóa, tôn giáo, niềm tin và sợi dây tinh thần gắn kết giữa các thành viên với nhau.

Theo anh Tim Jin, một người khuyết tật hoạt động trong lĩnh vực vận động chính sách đối với người khuyết tật, thì không ít người dân gốc Á vẫn còn tin rằng, trẻ khuyết tật chính là “món nợ đời” mà ông trời gán cho các bà mẹ do trước đây họ ăn ở không ra gì hoặc gây ra những lỗi lầm nào đó.

Cô Meena Das, kỹ sư công nghệ của hãng Microsoft còn cho biết, một người bà con của cô tin rằng, chỉ cần tập luyện yoga hàng ngày và ăn chay trường thì sẽ giúp cho đứa con gái bị chậm phát triển trí tuệ của mình có thể bình thường trở lại.

“Tôi tin rằng cộng đồng người châu Á của chúng ta cần thay đổi tư duy và sự hiểu biết của mình về trẻ khuyết tật”, Das nói.

Cần nhiều nỗ lực hơn để trẻ khuyết tật gốc Á có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng các dịch vụ hỗ trợ từ chính phủ - Ảnh: Progressiveae
Cần nhiều nỗ lực hơn để trẻ khuyết tật gốc Á có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng các dịch vụ hỗ trợ từ chính phủ - Ảnh: Progressiveae

Cô Ann Hu có đứa con gái nhỏ mắc chứng khó đọc - một tình trạng khó khăn trong học tập, làm giảm khả năng đọc, viết và đánh vần của trẻ em. Theo quan sát của cô thì các rào cản về hệ thống chính là yếu tố chủ chốt khiến cho khả năng tiếp cận và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công của chính phủ dành cho các gia đình nhập cư có trẻ khuyết tật bị gặp nhiều trở ngại.

“Thông thường thì chúng tôi phải mất gấp đôi, thậm chí gấp ba thời gian so với người dân bản địa để có thể hiểu được cách vận hành của hệ thống hỗ trợ, từ đó mới tìm đến để yêu cầu sự giúp đỡ”, cô Hu nói.

Nguyễn Thuận (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI