Vì sao trẻ em vắng mặt trong ‘danh sách tử thần’ của Covid-19?

13/02/2020 - 12:03

PNO - Cho đến nay, dường như trẻ em thoát khỏi những hậu quả tệ hại nhất của đại dịch coronavirus, trong “danh sách tử thần” hơn 1.300 người chết vì virus vắng mặt trẻ em, các em chỉ bị tác hại tối thiểu của đại dịch.

Trẻ em Hồng Kông đeo khẩu trang chống coronavirus trong ngày Tết Nguyên đán Canh Tý - Ảnh: AFP/Getty Images
Trẻ em Hồng Kông đeo khẩu trang chống coronavirus trong ngày Tết Nguyên đán Canh Tý - Ảnh: AFP/Getty Images
 

Trang mạng worldmeter.info tổng hợp số liệu cập nhật coronavirus của WHO, NHC và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 13/2, số người nhiễm virus Covid-19 trên toàn cầu tăng đột biến lên 60.310 ca, số ca tử vong là 1.368, số bệnh nhân phục hồi sau khi điều trị là 5.963. Riêng tại Trung Quốc, bao gồm cả các lãnh thổ Hồng Kông và Đài Loan, tổng số có 59.854 người nhiễm virus, 1.367 người tử vong và 5.901 người đã phục hồi. Trong danh sách tử vong không có bóng dáng trẻ em.

Trẻ em chắc chắn có thể nhiễm virus. Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết trong số những người nhiễm bệnh có ít nhất hai trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo một bài báo được công bố ngày 5/2 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), rất ít trẻ em trong số những người bị bệnh đủ để được chẩn đoán “nhiễm coronavirus”. Bài báo phân tích dữ liệu dịch bệnh và nhận định, tuổi trung bình của bệnh nhân nằm trong khoảng từ 49 đến 56 tuổi.

Nguyên nhân trẻ em thoát lưỡi hái tử thần chưa được biết rõ, nhưng mô hình này tương tự cho nhiều bệnh truyền nhiễm, từ các bệnh quen thuộc, như thủy đậu và sởi, cho đến các bệnh mới xuất hiện như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Trả lời câu hỏi của trang mạng Live Science, tiến sĩ Andrew Pavia, trưởng khoa Truyền nhiễm Nhi khoa tại Đại học Utah (Mỹ), cho biết: "Chúng ta không hiểu đầy đủ về hiện tượng này, có thể là do sự khác biệt về phản ứng miễn dịch của trẻ em so với người lớn". Ông nói thêm, “một giả thuyết cho rằng phản ứng miễn dịch bẩm sinh, đó là phản ứng sớm nhắm vào các nhóm mầm bệnh và có xu hướng hoạt động mạnh hơn ở trẻ em”.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh, các tế bào trong hệ thống đó phản ứng ngay lập tức với những kẻ xâm nhập từ bên ngoài. Ngược lại, hệ thống miễn dịch thích nghi học cách nhận ra mầm bệnh cụ thể, nhưng mất nhiều thời gian hơn để tham gia phản ứng.

Nếu phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn ở trẻ em tiếp xúc với Covid-19, các em có thể chống lại nhiễm trùng dễ dàng hơn so với người lớn, và chỉ có triệu chứng nhẹ. Krys Johnson, chuyên gia dịch tễ học Trường Y tế Công cộng Đại học Temple (Mỹ), cho biết, các virus khác, như SARS và MERS, cũng cho thấy mô hình này.

Ông Johnson cho biết, người lớn có nguy cơ tử vong vì bệnh thủy đậu cao gấp 25 lần so với trẻ em, và mặc dù cúm nguy hiểm đến tính mạng trẻ sơ sinh, nhưng trẻ lớn hơn thường dễ dàng vượt qua bệnh này so với người lớn, và tỷ lệ tử vong do cúm theo mùa ở người lớn gấp 10 lần tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Tiến sĩ Pavia nói, trẻ em cũng bị phơi nhiễm các bệnh về đường hô hấp tương tự như người lớn, nhưng dường như các em hồi phục nhanh hơn cha mẹ và ông bà. Ngoài lý do về hệ thống miễn dịch, trẻ có đường hô hấp khỏe mạnh hơn vì chưa tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, trẻ em ít bị bệnh mạn tính, những yếu tố gây nguy cơ khi người bệnh nhiễm coronavirus.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI