Vì sao trẻ con học tiếng Anh nhanh tiến bộ hơn người lớn?

18/02/2024 - 07:28

PNO - Bằng kinh nghiệm dạy học của mình, nhiều giáo viên nước ngoài nhấn mạnh việc sử dụng tiếng Anh thường xuyên sẽ giúp người học nhanh chóng ghi nhớ, tạo thành thói quen thay vì học thuộc các công thức, từ vựng đơn lẻ.

Đã có 4 năm dạy tiếng Anh tại Hàn Quốc trước khi sang Việt Nam dạy tiếng Anh tại Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), thầy Matthew (người Mỹ) nhận thấy những khác biệt rất lớn giữa cách người nước ngoài và người bản địa học tiếng Anh.

Hãy bắt chước như một đứa trẻ

Theo thầy Matthew, lợi thế của trẻ em người bản địa khi bắt đầu học tiếng Anh là được nghe tiếng mẹ đẻ từ trong bụng, môi trường xung quanh cũng hoàn toàn sử dụng tiếng Anh nên ngôn ngữ được hình thành theo cách phản xạ tự nhiên, khi bước vào môi trường học chính thức trẻ chỉ cần học viết, hình thành câu… và quá trình này cũng rất nhanh, chỉ mất 1-2 năm hầu hết trẻ đã đọc, viết tốt.

 

Anh1, 2: Cô Jessa trong giờ dạy tiếng Anh cho trẻ. Theo cô, việc người học duy trì thói quen luyện tập hằng ngày sẽ giúp khả năng ngoại ngữ tiến bộ nhanh - Ảnh: Nguyễn Loan
Cô Jessa trong giờ dạy tiếng Anh cho trẻ. Theo cô, việc người học duy trì thói quen luyện tập hằng ngày sẽ giúp khả năng ngoại ngữ tiến bộ nhanh - Ảnh: Nguyễn Loan

Thầy Matthew cho rằng người nước ngoài hoàn toàn có thể áp dụng cách này để học tiếng Anh. Trước hết phải tạo cho bản thân một môi trường có thể nghe, sử dụng tiếng Anh hằng ngày. “Không nhất thiết là có môi trường người bản địa hay có người thực hành hằng ngày, bạn hoàn toàn có thể tạo ra môi trường nghe nói từ việc nghe nhạc, xem phim, sử dụng các ứng dụng, kết bạn, tham gia các câu lạc bộ… việc luyện tập này sẽ giúp người học ghi nhớ, chỉnh sửa phát âm chuẩn và sử dụng thành thói quen”, thầy Matthew nhấn mạnh.

Trong đó, học bằng cách bắt chước được thầy giáo người Mỹ này nhấn mạnh là rất hiệu quả. Thầy chia sẻ: “Tôi dạy hàng trăm người nhưng tôi thấy khả năng học nói ở trẻ con nhanh hơn. Có những em ngày đầu thấy tôi nói gì các em nói theo, dù hoàn toàn không hiểu tôi đang nói gì. Thậm chí, những từ tôi nói tắt theo cách của người bản địa, các em cũng bắt chước được… Sau đó, chúng tôi hiểu nhau thêm qua ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp hằng ngày. Như vậy, người học đã học hoàn toàn bằng cách bắt chước”.

Trong khi đó, lớn lên từ đất nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, cô Jessa Berces (người Philippines) có 2 năm dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Từng dạy ở các trường công lập, trung tâm và dạy theo nhóm tại nhà, Jessa Berces nhận định ngoài lớp học, trẻ cần được luyện tập thêm ở nhà, và lớp học cũng nên giới hạn số lượng học sinh.

Cùng dạy một lớp 40-45 em và nhóm nhỏ 8-10 em, lứa học sinh lớp Một-Hai, Jessa Berces cho biết, sau 3 tháng nhóm nhỏ tiến bộ nhanh chóng. Cô nói trò đã hiểu và có thể phản ứng lại những câu đơn giản. Ví dụ, khi cô hỏi “How many fingers do you have?” (bạn có bao nhiêu ngón tay) các bạn nhanh chóng đáp lại “ten” (10); Have you had diner yet? (con ăn tối chưa) - Yes, I have (rồi ạ)… Các bạn nhỏ cũng bày tỏ được sự yêu thích với các màu sắc, món ăn, chủ đề. Trong khi ở những lớp có số lượng học sinh nhiều, cơ hội các em nói trực tiếp với giáo viên ít và khó tập trung hơn nên sẽ chậm tiến bộ hơn.

Cô Jessa cho rằng để học sinh học tiếng Anh hiệu quả hãy dạy các em tập nghe, tập nói một cách nhẹ nhàng và được lặp đi lặp lại hằng ngày để hình thành bộ nhớ, phản xạ. Học qua việc chơi trò chơi, bài hát, đọc truyện… và không yêu cầu trẻ học thuộc từ mới mà thay vào đó lồng ghép, lặp đi lặp lại các từ mới trong những bài học liên tiếp sau đó. Các em mất 3-4 lần để làm quen, và sau khoảng 10 lần đã có thể nhớ và sử dụng.

Đọc sách, báo, nghe tin tức hằng ngày để tăng vốn từ

Với những lứa học sinh lớn hơn, ở bậc THCS, THPT khi đã có nền kiến thức cơ bản thì các em cần nâng cao vốn từ để vận dụng vào các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Vốn từ rất quan trọng, nên theo thầy Tony Maul (người Mỹ) - giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) việc trau dồi vốn từ cần được chú ý.

Để có vốn từ phong phú, theo thầy Tony Maul, học sinh cần đọc thêm sách tiếng Anh, đặc biệt là sách của những tác giả viết bằng tiếng Anh để nắm được cách dùng từ của người bản địa. Việc nghe tin tức, hình thành thói quen đọc báo mỗi ngày cũng giúp người học có vốn từ phong phú ở nhiều lĩnh vực. 

“Trong tiếng Anh, có những trường hợp, dù dùng một câu nói nhưng nghĩa sẽ hoàn toàn khác nhau nếu đặt ở hoàn cảnh khác nhau, nên ngoài ngôn ngữ, người học cần học hỏi thêm hoàn cảnh dùng từ”, ông khuyến nghị người học.

Ông cũng khuyến khích học sinh có thể chuyển ngôn ngữ trên các ứng dụng của mình thành tiếng Anh. Việc sử dụng các ứng dụng hằng ngày bằng tiếng Anh giúp người học “quen mắt” với các từ, khi vô tình gặp lại sẽ nhớ. Người học nên mạnh dạn nói, vì chỉ khi được sử dụng, kỹ năng ngôn ngữ của bản thân mới được cải thiện.

Theo tiến sĩ Phùng Thùy Linh - chuyên gia Anh ngữ (Bộ Ngoại giao Mỹ), sáng lập viên Eduling International, có nhiều nhân tố quyết định khả năng ngôn ngữ đầu ra của học sinh nhưng thường yếu tố quan trọng là động lực và cơ hội phát triển ngôn ngữ của người học.

“Cơ hội học tập ở đây mang ý nghĩa rộng bao gồm việc giảng dạy trên lớp và cơ hội luyện tập ở ngoài lớp học. Về mặt phát triển ngôn ngữ thì những cơ hội này phải cho phép các em có cơ hội tiếp xúc được ngôn ngữ đầu vào phong phú, thú vị, và trong tầm tiếp thu của các em. Cơ hội sử dụng ngôn ngữ thể hiện qua nói, viết, và hoạt động giao tiếp. Việc thiết kế giảng dạy phải đạt được hai yếu tố quan trọng trên”, bà Phùng Thùy Linh nhấn mạnh.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI