Vì sao TPHCM có nhiều F5 trở thành F0?

09/06/2021 - 09:11

PNO - Tính đến hiện tại TPHCM đã phát hiện 3 trường hợp lây nhiễm vòng 5. 3 trường hợp F5 trở thành F0 đều thuộc chuỗi lây nhiễm điểm truyền giáo Phục hưng

 

3 đối tượng F5 trở thành F0 đều thuộc chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục hưng
3 trường hợp F5 trở thành F0 thuộc chuỗi lây nhiễm điểm truyền giáo Phục hưng

Tính đến sáng 9/6, thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp là F5 mắc COVID-19. Cả 3 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố là chồng và con của bệnh nhân 6.445 (thai phụ mắc COVID-19) ở quận Tân Phú và 1 bệnh nhân liên quan chuỗi lây nhiễm thuộc điểm truyền giáo Phục hưng được công bố sáng ngày 8/6.

Theo đó, bệnh nhân 6.445 là F4 của bệnh nhân 6.770 được Bộ Y tế công bố vào ngày 27/5.

Cụ thể, bệnh nhân 6.770 là F1 của một bệnh nhân trước đó, đồng thời là hội viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Sau đó, bệnh nhân 6.770 lây cho đồng nghiệp (F2) trong tòa nhà ở quận 1. Người đồng nghiệp lây cho em gái (F3). Em gái lây cho đồng nghiệp trong một ngân hàng ở quận 7, tức thai phụ có mã số 6.445 ở quận Tân Phú (F4). Sau khi khoanh vùng cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần với bệnh nhân 6.445, kết quả chồng và con thai phụ (F5) dương tính với SARS-CoV-2.

Ca bệnh F5 được Bộ Y tế công bố sáng 8/6 cũng là đối tượng F5, liên quan đến chuỗi lây điểm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly từ trước.

Sau thông tin 3 trường hợp F5 trở thành F0, nhiều người hoang mang, lo ngại bởi COVID-19 đã lây nhiễm đến vòng 5 thì tốc độ lây lan dịch bệnh quá nhanh. Trước tình huống này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng người dân cần bình tĩnh thực hiện hướng dẫn phòng, chống COVID-19 của Bộ Y tế, không nên suy diễn, sợ hãi đi lại lung tung vì như vậy sẽ làm cho công tác phòng dịch trở nên phức tạp hơn.

Bác sĩ Khanh phân tích: "Khi nói đến đối tượng F5 của COVID-19 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của bệnh nhân COVID-19 và tìm các mối liên hệ, tiếp xúc bằng cách truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Khi F5 dương tính thì F4, F3, F2, F1 đã dương tính do tiếp xúc với một ca mắc COVID-19 (F0) trước đó. Trường hợp COVID-19 lây nhiễm đến vòng 5 là phát hiện ổ dịch muộn, kéo theo sự truy vết xa hơn so với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh. Vì vậy, F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu F5 thành F0 ở trong khu phong tỏa thì không đáng lo. Việc cần làm lúc này là những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế vì có thể sẽ mở rộng lấy thêm mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, những người đã đến khu phong tỏa nên tự đánh giá thời gian mình đến có nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không, vì lây nhiễm đến F5 thì sự hiện diện của virus đã đủ lâu. Để chặn đứng sự lây nhiễm, người dân ở/đến đây nên khai báo y tế trung thực".

Theo bác sĩ Khanh, mỗi người dân nên nhớ và hệ thống lịch sử đi, đến, tiếp xúc của chính mình càng cụ thể càng tốt. Từ đó, sẽ tự nhận thấy thời điểm nào mình đến nơi nguy cơ mà vô tình thực hiện nguyên tắc 5K chưa đúng, chưa đủ. Nếu cần thiết, mỗi người (nhất là người thuộc trong chuỗi cần cách ly) hãy tự cách ly, theo dõi sức khỏe bản thân, báo với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Nếu quá lo lắng về dịch bệnh, hay có ít nhất 2 người ở cùng một nhà mắc bệnh lý về hô hấp, nên đến cơ sở y tế khám bệnh, thực hiện test nhanh COVID-19 khi cần thiết, mỗi người dân phải cảnh giác, nâng cao biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI