Vì sao TPHCM cho phép giáo viên thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý?

24/09/2022 - 13:02

PNO - Thi tuyển lãnh đạo quản lý nhằm khắc phục sức ỳ, thực trạng ỷ lại, bệnh kinh nghiệm ở nhiều trường THPT tại TPHCM, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Năm 2022, lần đầu tiên TPHCM mạnh dạn công khai tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, thí điểm vị trí phó hiệu trưởng với 3 trường là THPT Quang Trung, THPT An Nhơn Tây, THPT An Nghĩa, thay vì bổ nhiệm đơn thuần như trước. Đây được xem là bước đi đột phá của TPHCM về công tác cán bộ, lãnh đạo quản lý ở các trường THPT, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm. 

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM đang triển khai Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Trước mắt sẽ tổ chức thí điểm cho giáo viên thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng ở 3 trường là THPT Quang Trung và THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi); THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ).

Lý giải việc lựa chọn 3 đơn vị trên làm đơn vị thí điểm thực hiện đề án, ông Tống Phước Lộc thông tin, trước hết 3 đơn vị này đều đang khuyết chức danh phó hiệu trưởng. Đồng thời đây đều là những đơn vị nằm ở khu vực vùng ven, ngoại thành, có vị trí rất xa, do đó việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi này sang nơi khác còn gặp nhiều khó khăn, nhiều năm qua gần như không có nguồn. Thực tế, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị đều từ nguồn quy hoạch tại chỗ.

Thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền
Lần đầu tiên Thành phố thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý 

"Cách thức tổ chức thi tuyển sẽ giúp đa dạng hơn nguồn cán bộ quản lý, khắc phục được tình trạng sức ỳ, thực trạng ỷ lại, bệnh kinh nghiệm đã tồn tại nhiều năm qua ở một số đơn vị. Nhất là việc thi tuyển sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, công khai minh bạch trong tuyển chọn, là cơ hội để đội ngũ giáo viên trẻ, giỏi, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện", ông Tống Phước Lộc nhấn mạnh.

Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, ngay sau khi thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở 3 trường THPT ngoại thành, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm. Song song đó, phòng Tổ chức cán bộ sẽ tham mưu để mở rộng đối tượng, tính toán lộ trình nhân rộng đề án trong thời gian tới.

Thông tin thêm về Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, ông cho biết đề án được TPHCM triển khai với 4 nhiệm vụ chính. Trong đó, hướng đến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý tại cơ quan. Bên cạnh đó là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại thành phố, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. 

"Đề án còn nhằm phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực, đáp ứng được vị trí cần bổ nhiệm. Đặc biệt là nâng cao công tác phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ, góp phần ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền...", ông Tống Phước Lộc khẳng định. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI