Sở Y tế TP.HCM nhận định đây là đề xuất rất táo bạo nhưng cần thiết. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM đã trao đổi với bác sĩ Lê Minh Hùng – Phó phòng Quản lý Dịch vụ y tế, Sở Y tế TP.HCM – người trực tiếp đưa ra đề xuất này với Vụ pháp chế, Bộ Y tế.
|
Vết thương để lại trên cơ thể một thanh niên sau khi anh đến điều trị ở phòng khám Trung Quốc |
Bác sĩ Lê Minh Hùng cho biết Sở Y tế TP.HCM đưa ra đề xuất này dựa trên thực tiễn hoạt động của các bác sĩ người nước ngoài, các phòng khám có yếu tố nước ngoài hành nghề trong thời gian qua.
Thông qua hoạt động thanh - kiểm tra, đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa, Sở Y tế nhận thấy các bác sĩ nước ngoài, nhất là bác sĩ Trung Quốc, gần như không nắm vững các quy định pháp luật và quy định chuyên môn của luật pháp Việt Nam khi hành nghề.
Không chỉ bác sĩ Trung Quốc, tại TP.HCM còn có bác sĩ người Hàn Quốc chỉ sử dụng người phiên dịch biết tiếng Anh khi khám chữa bệnh cho người Việt, mà không dùng người biết tiếng Hàn để phiên dịch sang tiếng Việt. Bác sĩ Hàn Quốc lấy lý do vì số lượng người phiên dịch am hiểu tiếng Hàn rất khó kiếm.
|
Hóa đơn hơn 31 triệu đồng của một thanh niên sau khi điều trị bệnh nam khoa ở một phòng khám Trung Quốc. Với tình trạng bệnh của anh này, chi phí điều trị ở một bệnh viện công chỉ khoảng vài triệu đồng. |
Bác sĩ Lê Minh Hùng nhận định: “Ngành y rất phức tạp, chỉ cần sai một ly đã rất nguy hiểm. Bác sĩ người nước ngoài phải nhờ phiên dịch khi khám bệnh đã là rủi ro do không đảm bảo truyền đạt thông tin bệnh tật, đằng này còn không phiên dịch từ tiếng mẹ đẻ của họ sang tiếng Việt thì càng không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Vì thế, để giảm bớt nguy hiểm cho người dân Việt Nam, chúng tôi đề xuất với Bộ Y tế quy định người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải dùng tiếng Việt hoàn hảo, bỏ qua người phiên dịch dù đề nghị này có phần táo bạo.
Người nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam phải xin cấp chứng chỉ hành nghề thông qua hội đồng thi quốc gia. Ngoài thi chuyên môn, kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề nên có thêm phần thi về pháp luật”.
Bác sĩ Lê Minh Hùng còn nhận định: hiện nay chứng chỉ hành nghề được cấp vô thời hạn sẽ khó kiểm soát tình trạng cho thuê chứng chỉ hành nghề, gây khó khăn cho quản lý năng lực hành nghề của bác sĩ.
Thậm chí, không ít bác sĩ định cư ở nước ngoài hoặc quá lớn tuổi không còn đủ minh mẫn nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn có hiệu lực. Bộ có thể giới hạn 5 năm chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, 3 năm với điều dưỡng – kỹ thuật viên. Để gia hạn chứng chỉ hành nghề, cần phải qua bước kiểm tra chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
|
Sở Y tế TP.HCM quyết định phải tập huấn lại cho bác sĩ Trung Quốc về chuyên môn và pháp luật |
Theo PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài do Bộ Y tế cấp nên Sở Y tế các tỉnh chỉ có quyền đề nghị Bộ Y tế chứ không được rút phép. Việc xử lý vi phạm tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài rất khó khăn vì đóng cửa chỗ này thì họ thành lập phòng khám khác.
“Phòng khám Trung Quốc có nhiều phức tạp, sử dụng nhiều chiêu thức đưa người bệnh đến tình huống rất nguy hiểm tính mạng. Đây là hình thức trấn lột người bệnh”, ông Khoa khẳng định. |
Quan điểm của Sở Y tế TP.HCM là Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra đời để áp dụng cho mọi người hành nghề y trên nước Việt Nam. Vì thế, không phải vì hợp tác quốc tế mà bác sĩ người nước ngoài hành nghề không theo luật pháp Việt Nam.
Tại hội nghị tổng kết khám chữa bệnh ngày 29/7, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - thừa nhận: “Phòng khám Trung Quốc có nhiều phức tạp, sử dụng nhiều chiêu thức đưa người bệnh đến tình huống rất nguy hiểm tính mạng. Đây là hình thức trấn lột người bệnh”.
Trong báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhận định việc cấp chứng chỉ hành nghề của Việt Nam hiện nay rất khác so với thế giới: "Việt Nam cấp phép hoàn toàn dựa trên hồ sơ, chưa đảm bảo được tính khách quan và chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực… Không dựa trên việc đánh giá năng lực thông qua kỳ thi quốc gia để cấp phép như nhiều nước đang thực hiện.
Chỉ trừ Trung Quốc, còn hầu hết các nước đã cấp phép thì thường cấp phép có thời hạn… Việc không quy định thời hạn dẫn đến khó giám sát được người hành nghề có đủ điều kiện hành nghề sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề”.
|
Đơn thuốc có đóng dấu tên bác sĩ điều trị là người Trung Quốc |
TP.HCM hiện có 217 phòng khám đa khoa, trong đó có 17 phòng khám đa khoa công lập, 176 phòng khám đa khoa ngoài công lập và 24 phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài.
Trong 24 phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài thì 8 phòng khám đa khoa có người hành nghề mang quốc tịch Trung Quốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Phòng PA 83 (nay là PA 03) Công an thành phố thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất tất cả 28 lượt/8 phòng khám đa khoa có người hành nghề mang quốc tịch Trung Quốc và phát hiện vi phạm 28/28 lượt kiểm tra.
Sở Y tế xử phạt 1.051.400.000 đồng, tạm dừng hoạt động 1 cơ sở do chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định, yêu cầu khắc phục, thẩm định lại.
Các hành vi vi phạm hay gặp ở các phòng khám là không lập hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh theo quy định hoặc có lập nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá niêm yết...
|
Hiếu Nguyễn