Tôi đã từng chịu không ít ấm ức trong cuộc hôn nhân của mình, nhưng mỗi lần gặp chuyện buồn, tôi đều tự nhủ lòng: đó là thử thách mà nếu mình có thể vượt qua, cuộc sống vợ chồng sẽ mãi mãi êm đẹp, con cái sẽ được lớn lên trong gia đình hạnh phúc. Nhưng sau những gì xảy ra trong ngày 30 tết năm nay, tôi đã quyết định sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân này mà không phải viện đến bất kỳ lý do nào để níu kéo nó nữa.
Gia đình tôi ba đời sống ở thủ đô, ông bà nội ngoại sinh bố mẹ tôi ở Hà Nội nên tôi được xem là gái thành phố chính gốc. Mẹ tôi giỏi buôn bán và thu vén nên gia đình có cuộc sống thoải mái và dư dả, nhưng bố mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy con nên cả hai anh em tôi đều không chơi bời, đua đòi mà rất chăm chỉ học hành. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào làm trợ lý ban giám đốc một công ty cổ phần vốn nước ngoài, lương khởi điểm cao gấp đôi bạn bè cùng lứa.
Tôi quen chồng trong một dịp cùng đi hiến máu, anh chủ động làm quen, xin số điện thoại rồi “cưa cẩm” tôi vô cùng kiên trì trong suốt nửa năm. Khi biết gia đình anh sống ở một huyện nghèo thuộc tỉnh giáp miền Trung, bố mẹ tôi khá ngần ngừ. Ông bà không chê chuyện môn đăng hộ đối, không đòi hỏi người yêu tôi phải có nhà có xe hay bất kỳ điều kiện vật chất gì, chỉ lo tôi phải đi làm dâu xa nhà sẽ chịu cô đơn, thiệt thòi. Tuy vậy, bố mẹ hoàn toàn tôn trọng lựa chọn của tôi.
|
Mẹ tôi từng rất lo lắng và khuyên tôi nghĩ kỹ khi lấy chồng quê xa, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai vì tình yêu (ảnh minh họa). |
Tôi quyết định chọn anh dù có nhiều “vệ tinh” là trai thành phố, thứ nhất là bởi sự rung động tự nhiên, thứ hai là bởi tôi thấy anh sống tình cảm, hiền lành. Hồi còn học đại học, anh từng tham gia câu lạc bộ tuyên truyền phòng chống bạo hành gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em do Đoàn trường anh tổ chức, nên tôi nghĩ anh sẽ là một người chồng, người cha tốt. Vậy nhưng sau khi tôi gật đầu đồng ý làm vợ anh, anh đã khiến tôi thất vọng hết lần này đến lần khác bởi sự gia trưởng của mình.
Trước khi cưới, chúng tôi đã trao đổi về việc chọn nơi an cư lạc nghiệp. Anh và tôi đều đang có công việc rất tốt ở Hà Nội, bố mẹ tôi cũng hứa sẽ hỗ trợ hai đứa mua nhà ra riêng nên chúng tôi thống nhất sẽ mua một căn chung cư nhỏ và tiếp tục đi làm ở đây. Ấy vậy nhưng ngay sau khi đám hỏi xong xuôi, anh bảo tôi, bố mẹ anh đã già yếu, anh lại là con trai cả nên sống xa nhà không yên tâm. Anh quyết định chuyển về sống cùng bố mẹ và làm việc ở thành phố giáp huyện nhà (trung tâm thành phố của tỉnh cách nhà anh tầm 30km), công việc đã thu xếp xong xuôi, chỉ làm nốt tháng đó là chuyển.
Con cái lo cho bố mẹ là điều đương nhiên, nhưng dưới anh còn cả em trai và em gái đều đang sống cùng bố mẹ anh nên đó không phải việc cấp bách cần thực hiện gấp, hơn nữa anh không hề bàn bạc gì với tôi mà lại tự mình thay đổi ý định đột ngột khiến tôi rất buồn. Thế nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, anh vẫn là con trưởng, đứng ra phụng dưỡng cha mẹ cũng là điều tất yếu. Cuối cùng, tôi đồng ý theo anh về quê sinh sống, bỏ luôn công việc ở Hà Nội lẫn ước mơ có một tổ ấm nhỏ của riêng mình.
|
Tôi theo anh về quê làm dâu, thậm chí nghỉ làm ở nhà theo ý anh, nhưng cuộc sống ấy khác với những gì tôi nghĩ. Chồng tôi gia trưởng, thường trách vợ vì những điều vô lý (ảnh minh họa). |
Trước khi thu xếp về quê, tôi đã bàn bạc với anh và anh đã đồng ý, rằng tôi sẽ cùng anh đi làm. Thế nhưng, sau khi đám cưới xong xuôi, tôi đã về nhà anh ở hẳn, anh lại tìm mọi cách trì hoãn việc đó. Nay anh bảo đường xá xa xôi (dù anh vẫn chạy đi chạy về tổng cộng 60km một ngày và tôi hoàn toàn có thể đi cùng anh), mai anh lại bảo tôi là dâu trưởng, nên ở nhà cơm nước chăm lo cho bố mẹ. Khi thấy tôi kiên quyết, anh tỏ ra vùng vằng, giận dỗi và không nói chuyện với tôi nhiều ngày, khiến không khí gia đình vô cùng ngột ngạt.
Đã vậy, bố mẹ chồng cũng cùng quan điểm với anh. Ông bà bảo tôi “phụ nữ cốt yếu là lo chăm sóc gia đình, cơm ngon canh ngọt, sinh con đẻ cái, kiếm tiền cho lắm mà làm gì”. Rồi ông bà còn kể ra những cô A, chị B nhà bên, hai mấy tuổi đã một nách hai con, tháo vát đảm đang nên chồng nhàn nhã lắm. Dù vẫn quyết tâm đi làm nhưng khi chưa thu xếp được công việc mới, tôi bất ngờ “vỡ kế hoạch” dù đã có biện pháp ngừa thai. Biết tôi có bầu, chồng càng khăng khăng bắt tôi ở nhà. Trong hoàn cảnh đó, tôi đành thuận ý, tự nhủ khi nào con cứng và gửi nhà trẻ được sẽ đi làm trở lại. Nhưng chuỗi ngày tiếp theo của tôi càng ngột ngạt, khổ tâm gấp bội phần.
|
Tôi đóng góp toàn bộ thu nhập của mình cho cuộc sống ở gia đình chồng, nhưng bố mẹ chồng luôn nói với người ngoài như thể tôi ở nhà ăn bám chồng (ảnh minh họa). |
Tuy không đi làm, tôi vẫn có khoản thu nhập không nhỏ do lúc lấy chồng, bố mẹ ruột đã cho tôi một dãy phòng trọ tám phòng ở ngoại thành Hà Nội, tiền trọ hàng tháng của khách tổng được 12 triệu đều được anh trai tôi thu hộ và chuyển thẳng vào tài khoản của tôi. Số tiền đó, tôi không giữ riêng cho mình mà dùng hết cho cuộc sống ở gia đình chồng. Chúng tôi có một tài khoản tiết kiệm chung có 300 triệu là tiền bố mẹ tôi cho khi cưới. Chồng tôi đi làm hàng tháng thu nhập hơn 10 triệu, tôi nói anh chuyển vào tài khoản đó để vài năm tới xây lại nhà cho kiên cố (nhà bố mẹ chồng tôi đã xuống cấp nhiều, lại không có phòng ốc riêng). Còn mọi chi tiêu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình, tôi sẽ lo. Cả tiền dằn túi của chồng khi đi làm hàng ngày, tôi cũng đưa cho anh.
Sinh hoạt ở quê không đắt đỏ như thành phố, lại sẵn rau cỏ trong vườn nên số tiền của tôi cũng đủ chi tiêu. Bố mẹ chồng tôi biết chuyện này, nhưng mỗi khi có ai đến chơi hỏi chuyện gia đình, ông bà đều chép miệng thở dài và nói đại ý “Số thằng T. nó khổ, vừa phải gánh vác cha mẹ già lại phải nai lưng ra làm lụng lo cho vợ con”. Ai hỏi vì sao tôi không đi làm, ông bà lại thở dài tiếp: “Vừa cưới về đã cấn bầu thì còn làm ăn gì được”. Trời ơi, tôi nghe mà đầu óc lùng bùng.
|
Mỗi lần vợ chồng giận nhau, chồng tôi đều để bố mẹ biết. Khi đó, mẹ anh lại trách cứ tôi "leo lên đầu" chồng (ảnh minh họa). |
Tối đó về hỏi chồng, vì sao ông bà lại nói không đúng sự thật thì anh bảo quê anh là thế, đàn bà con gái dù có làm ra tiền bằng thật cũng phải nói là “chồng nuôi”, ai mà phô trương lương cao hay làm được nhiều tiền sẽ bị coi là khoe mẽ, lấn lướt, coi thường chồng. Khi tôi tỏ ý không đồng tình với lối hành xử đó và cho rằng phụ nữ cần được tôn trọng hơn thì anh lại “chơi chiêu” giận dỗi, cho rằng tôi ỷ mình dân thành phố văn minh, coi thường người quê. Mà chồng tôi cực kỳ thiếu tâm lý, anh không bao giờ nghĩ tới nỗi khó xử của tôi khi đi làm dâu, vợ chồng giận nhau lần nào anh cũng để bố mẹ biết, mỗi lần như thế tôi lại bị mẹ chồng xa gần nặng nhẹ rằng là vợ mà không biết nhún nhường, chỉ thích “leo lên đầu” chồng (còn nữa).
K.T. (Hà Nội)