Vì sao tôi không vỡ mộng?

27/03/2021 - 05:33

PNO - Phụ nữ lạ ở chỗ, dẫu biết mười mươi người ta thương mình nhưng vẫn luôn đặt câu hỏi: “Anh có yêu/thương em không?”. Chồng tôi hay nói, anh thương em thế nào em biết rồi, cần gì phải nói”.

Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp cơ quan hỏi tôi: “Kết hôn xong thấy cuộc sống thế nào?”, “Có sốc hay vỡ mộng về nhau không?”. Mọi người ngạc nhiên khi nghe câu trả lời, rằng tôi chẳng hề vỡ mộng gì cả. 

Suốt những năm quen nhau rồi thương, rồi về chung một nhà, tính tới nay gần 5 năm, chồng tôi vẫn luôn là người đàn ông trách nhiệm, nhường nhịn, chăm lo và thương yêu tôi vô điều kiện. 

Dĩ nhiên, 5 năm, hay 10 năm, 20 năm, chẳng con số nào là bảo chứng cho sự bất biến. Tôi không vỡ mộng cũng nào phải vì chồng không có khiếm khuyết. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân lâu bền là sự tôn trọng nhau. Chúng tôi may mắn vì đã và đang sở hữu điều đó. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Cả chồng và tôi đều hiểu rằng, sẽ chẳng có người chồng/ vợ hoàn hảo, chỉ có tình yêu ta dành cho đối phương hoàn hảo mà thôi. Vì tôn trọng nhau mà ta học cách điều chỉnh, cân bằng mọi thứ, chấp nhận “mài giũa” những góc cạnh xù xì, xấu xí để thương yêu trọn vẹn. 

Chồng tôi là người cầu thị và luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân. Nhưng anh chưa kiểm soát tốt cảm xúc, thường bị “sốc” khi có ai đó nói về những hạn chế, khuyết điểm. Cái cách anh “xụ” mặt ra, sự im lặng nặng nề khiến tôi ngột ngạt.

Tôi hiểu, cảm giác bị “soi” không dễ chịu chút nào, nếu kiểm soát tốt cảm xúc, sẽ thấy việc được người khác góp ý là may mắn. Bởi có thật lòng thương quý, trân trọng anh, người ta mới chia sẻ, chứ ai rảnh mà bận tâm về những thiếu sót của người khác. 

Tôi hay nhắc chồng học cách chủ động tiếp nhận lời khen chê, để không hụt hẫng khi nghe lời khuyên, không “ảo tưởng” khi thấy lời khen. Tiếp nhận một lời góp ý, cần giữ thái độ vui vẻ, có thể thẳng thắn và thoải mái trao đổi để mọi người hiểu mình, và cũng để hiểu vì sao mọi người lại nghĩ về mình như thế. 

Tôi biết anh là người biết sẻ chia, “cho đi” nhiều hơn. Người dám “cho đi” rất tuyệt, nhưng nếu để bản thân thua thiệt quá nhiều thì lại không ổn. Tôi phải nhắc anh rằng mình chu đáo, nhiệt tình trong công việc lẫn đời sống, giúp đỡ người khác nhiều, điều ấy rất quý, nhưng phải lo cho mình tốt trước đã.

Những việc cần đến sức khỏe, hay chuyện tế nhị như tiền bạc, tình cảm, phải kỹ càng cân nhắc. Giúp được đến đâu hợp sức mình thì giúp, chứ không nên sợ mất lòng người khác mà ôm đồm rồi bù đầu mệt mỏi. 

Dù vậy, tôi tôn trọng anh và tôn trọng những mối quan hệ của anh nên nhắc anh nhưng vẫn để anh tự quyết định. Có vợ có chồng là có người để nhân đôi niềm vui, chia đôi nỗi buồn.

Tôi dặn anh nếu mệt mỏi thì cứ thở than, nũng nịu yếu đuối cũng được. Đừng nghĩ khi anh kêu mệt là đem lại năng lượng tiêu cực, khiến tôi mệt lây, bởi như vậy, đến lúc tôi mệt cũng ngại thổ lộ, san sẻ cùng anh và như thế vợ chồng sẽ xa nhau lúc nào không biết.

Vợ chồng tôi khi gặp chuyện bất ý bên ngoài, sẽ hỏi han, nắm chặt tay nhau, ôm nhau một cái, là cảm thấy vơi bớt nỗi niềm. Ai đó từng nói rằng, đừng chỉ trao nhau vòng ôm, nụ hôn và những lời mật ngọt lúc tán tỉnh, là vợ chồng cũng hãy cứ lãng mạn như thế mỗi ngày.

Chúng tôi trao nhau những cái ôm, nụ hôn tạm biệt vào mỗi sáng trước khi rời khỏi nhà, và lặp lại điều đó khi trở về vào cuối chiều. Cái ôm, nụ hôn kèm những lời thì thầm yêu thương khiến ngày mới khởi đầu đầy năng lượng, và khi trở về cảm nhận tổ ấm bình yên. 

Phụ nữ lạ ở chỗ, dẫu biết mười mươi người ta thương mình nhưng vẫn luôn đặt câu hỏi: “Anh có yêu/thương em không?”. Chồng tôi hay nói, anh thương em thế nào em biết rồi, cần gì phải nói”.

Nhưng tôi kiên nhẫn giải thích: “Yêu mà không nói như đói mà không ăn”. Hầu như cặp vợ chồng nào cũng rơi vào tình trạng như thế, cứ nghĩ là vợ chồng rồi thì không cần phải “sến súa” những lời ngọt ngào có cánh nữa. Chẳng phải chỉ phụ nữ yêu bằng tai, đàn ông cũng rất thích nghe những lời mật ngọt. 

Chúng tôi trao nhau những cái ôm, nụ hôn tạm biệt vào mỗi sáng trước khi rời khỏi nhà. Ảnh minh họa
Chúng tôi trao nhau những cái ôm, nụ hôn tạm biệt vào mỗi sáng trước khi rời khỏi nhà. Ảnh minh họa

Thế nên vợ chồng hãy cứ lãng mạn, khoa trương trong việc thể hiện tình cảm với nhau một chút cũng không sao. Ví như trong bữa cơm chiều qua, anh khen món sườn chua ngọt, món canh cua hoa thiên lý ngon xuất sắc, tôi đã hỏi: “Anh có biết vì sao em nấu ngon không?”. Anh trả lời: “Vì em nấu bằng tình yêu dành cho anh!”.

Mẩu đối thoại như thế chúng tôi đã nói với nhau nhiều lần, trong rất nhiều bữa ăn, nhưng mỗi khi nghe tôi đều phấn khích và hạnh phúc. Hay như mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi trao nhau nụ hôn chúc ngủ ngon và tôi khẽ nói: “Em yêu anh”. Dù chồng tôi ngại ngùng, nhưng anh luôn cười sung sướng.

Đấy, bí quyết không vỡ mộng trong hôn nhân của tôi có gì mới đâu, vẫn chỉ là những thứ mà ai cũng biết rồi… 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI