Vì sao tổ chức bảo vệ môi trường không cảnh báo sừng tê giác nhiễm độc?

05/08/2019 - 10:16

PNO - Tổ chức Cứu trợ hoang dã WildAid cho rằng, nếu cảnh báo sừng tê giác nhiễm độc, sẽ dẫn đến phản ứng ngược: sừng tê giác sạch sẽ bị săn lùng với giá tăng cao trong khi hoàn toàn không có giá trị chữa bệnh.

Sau khi báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài đặt vấn đề vì sao sừng tê giác độc nhưng không có cảnh báo, Tổ chức Cứu trợ hoang dã WildAid lý giải: tại Việt Nam, hoạt động của WildAid được hỗ trợ bởi WildAid thế giới và dưới sự quản lý của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE). 

Dưới đây là phản hồi từ ông Nguyễn Trần Tùng - Giám đốc truyền thông của CHANGE/ WildAid Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, biện pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để chống các tay săn bắn trộm được thực hiện ở châu Phi như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Tùng: Biện pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác ở các khu bảo tồn Nam Phi để bảo vệ tê giác là một dự án được Tổ chức Rhino Rescure Project (RRP) bắt đầu thử nghiệm từ năm 2010.

Theo RRP, chất lỏng họ dùng để tiêm vào sừng tê bao gồm thuốc nhuộm màu hồng và ectoparasiticide - một loại thuốc ngăn ngừa ve và côn trùng cho tê giác. Về cơ bản, các chất này vô hại đối với tê giác.

Các chất này không gây nguy hại đến tính mạng con người nhưng sẽ gây ra các tác dụng như chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy, tùy vào liều lượng sử dụng.

Vi sao to chuc bao ve moi truong khong canh bao sung te giac nhiem doc?
Tổ chức RRP tiêm thuốc độc vào sừng tê giác ở châu Phi. Ảnh: RRP

* Quan điểm của các tổ chức bảo vệ môi trường về biện pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác của RRP như thế nào?

- Dự án tiêm thuốc độc vào sừng tê giác này vướng phải rất nhiều tranh cãi về tính "lợi bất cập hại" của nó nếu nhìn ở phương diện nhân đạo và cả ở khía cạnh kỹ thuật cũng như về mặt hiệu quả trong việc bảo vệ tê giác khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tổ chức Save the Rhinos cũng nghi ngờ về tính hiệu quả của phương pháp này, và khuyên các khu bảo tồn nên tìm các phương pháp khác. Lý do là thuốc độc được tiêm vào chỉ đọng ở lỗ khoan trên sừng tê chứ không lan ra cả sừng tê.

Các khu bảo tồn áp dụng phương pháp hiệu quả hơn như: cưa sừng tê hoặc gắn micro chip vào sừng.

* Vì sao ở Việt Nam, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã không tổ chức các chiến dịch truyền thông cảnh báo về tác hại của sừng tê nhiễm độc cho người Việt?

- Chúng tôi không đưa việc sừng tê giác bị tiêm thuốc độc vào truyền thông, một phần sợ tác dụng ngược khi người dân không nắm rõ được thông tin. Người dân có thể nghĩ ngoại trừ những chiếc sừng tê giác nhiễm độc, sừng tê giác “sạch” vẫn có tác dụng cho chữa bệnh.

Hơn nữa, số lượng sừng tê "được" tiêm thuốc là không xác định được. Nếu tuyên truyền không chính xác, có thể gây ra hiệu ứng ngược: đẩy giá sừng tê lên cao hơn do nhu cầu tìm sừng tê “sạch” tăng lên.

Vi sao to chuc bao ve moi truong khong canh bao sung te giac nhiem doc?
Tê giác ở châu Phi bị kẻ trộm cắt lấy sừng

Trong các dự án tuyên truyền, CHANGE/WildAid luôn nhấn mạnh thông điệp: sừng tê giác được cấu tạo từ keratin - chất cấu thành móng tay, lông và tóc của con người. Không có bằng chứng khoa học về tác dụng của sừng tê giác trong điều trị bất kỳ bệnh nào như đồn đại. 

* Tình hình buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam trong thời gian qua như thế nào? Vì sao Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ và trung chuyển lớn nhất các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê...?

- Nhu cầu tiêu thụ đã có giảm. Theo thống kê của WildAid, mức giá vào năm 2014 là 65.000 USD/kg, đến 2017 đã giảm còn 20.000 USD/kg.

Việt Nam cũng đã tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994. Theo quy định của Công ước, các nước thành viên phải có những biện pháp thích hợp để xử lý các hành vi buôn bán hoặc lưu trữ các mẫu vật. Pháp luật đã có tính răn đe hơn, việc bày bán công khai đã giảm đi nhiều.

Tuy nhiên, việc mua bán, vận chuyển lậu vẫn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là vùng biên giới do việc thực thi pháp luật chưa mạnh. Cần phải đẩy mạnh hiệu quả thực thi trong thời gian tới.

Vi sao to chuc bao ve moi truong khong canh bao sung te giac nhiem doc?
Sừng tê giác bị bắt giữ khi vận chuyển vào Việt Nam

* Theo ông, vì sao người Việt Nam vẫn có tâm lý “sùng bái” sừng tê giác?

- Người Việt Nam có thói quen tự kê đơn; chữa bệnh theo mẹo, theo lời đồn thổi, không theo chỉ định của bác sĩ. Với thói quen "có bệnh vái tứ phương", người Việt lựa chọn tin vào những lời khuyên của người quen hơn là từ các bệnh viện và tổ chức y tế uy tín.

Tội phạm buôn lậu lợi dụng điểm này để tung những lời đồn thổi và dắt mũi người tiêu thụ tin vào công dụng của sừng tê. Hơn nữa, có một bộ phận không nhỏ muốn dùng sừng tê để thể hiện đẳng cấp và quyền lực, bất chấp các thông tin vô căn cứ về tác dụng của nó.

* Xin cảm ơn ông!

Không có người mua, không còn kẻ giết

WildAid  là tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chấm dứt việc mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp. Trong khi phần lớn các nhóm bảo tồn động vật hoang dã tập trung vào việc bảo vệ các loài này khỏi nguy cơ săn trộm, WildAid chủ yếu làm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và súp vi cá trên toàn cầu.

Bắt tay với hàng loạt những ngôi sao quốc tế và nhận được sự hỗ trợ của một mạng lưới đối tác truyền thông rộng khắp trên toàn câu, WildAid đã nhận được hơn 230 triệu USD giá trị tài trợ truyền thông hằng năm với một thông điệp đơn giản: "Không có người mua, không còn kẻ giết".

Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), là tổ chức phi chính phủ, bảo trợ chính thức cho hoạt động của phong trào 350.org Việt Nam và các dự án môi trường khác với sứ mệnh xây dựng và huy động các nguồn lực nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực của cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI