Vì sao tiêu thụ ngành sữa và sản phẩm từ sữa chững lại?

13/07/2018 - 18:30

PNO - Sản phẩm chăm sóc cá nhân và thức uống đang dẫn đầu tăng trưởng ở thành thị, các ngành hàng khác ghi nhận tăng trưởng âm. Ngay cả ngành hàng sữa và sản phẩm từ sữa cũng chững lại ở khu vực này.

Công bố mới nhất về xu hướng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, trong khi hai ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân và thức uống đang dẫn đầu tăng trưởng ở thành thị (chủ yếu ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn, thì các ngành hàng khác ghi nhận tăng trưởng âm.

Ngay cả ngành hàng sữa và sản phẩm từ sữa – một ngành hàng tiềm năng ở nông thôn cũng chững lại ở khu vực này.

Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, chung với xu hướng toàn cầu, tăng trưởng FMCG ngày càng khó khăn. Thị trường FMCG đang tăng chậm hơn ở cả thành thị và nông thôn với tỷ lệ tăng trưởng khá khiêm tốn.

Nguyên nhân, do tần suất mua sắm của người tiêu dùng thưa bớt và giỏ hàng ít sản phẩm hơn trước đã dẫn đến khối lượng tiêu thụ tại nhà thấp hơn. Đặc biệt, sự thay đổi liên tục trong nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng FMCG.

Vi sao tieu thu nganh sua va san pham tu sua chung lai?
Người tiêu dùng giảm chi tiêu cho mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến các nhu cầu cơ bản mà còn có những nhu cầu mới nổi lên. Họ có khuynh hướng giảm bớt chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng nhanh, thay vào đó là các mặt hàng không thuộc FMCG. Họ cũng trở nên bận rộn hơn và đi mua sắm các mặt hàng FMCG ít hơn trước, dẫn đến việc các ngành hàng, các sản phẩm ngày càng có ít cơ hội tiếp cận với người mua.

Dù vậy, cơ hội tăng trưởng vẫn còn đó với những sản phẩm cải tiến “thực sự”, tại những khu vực còn nhiều dư địa phát triển như thành thị loại 2 và nông thôn, cơ hội phát triển trong thị trường bán lẻ với những mô hình mới tại Việt Nam. Các ngành hàng nắm bắt được hai xu hướng nổi trội là “đề cao sự tiện lợi và sức khỏe” thì vẫn duy trì tăng trưởng tốt, như: cháo ăn liền, váng sữa, khăn giấy hộp...

Năm 2018 được đánh giá tiếp tục là năm của sự tiện lợi, trải nghiệm và những lựa chọn kinh tế. Bán lẻ hiện đại, quy tụ những yếu tố trên đã đạt tốc độ tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, lại tăng trưởng chậm ở mô hình siêu thị do sự cạnh tranh của đại siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, mua hàng online.

Mua sắm FMCG online, dù còn hạn chế nhưng đang tăng trưởng nhanh chóng đặc biệt ở ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp, liên tục thu hút thêm nhiều người mua mới.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI