Vì sao tiến độ di dời nhà ở trên kênh rạch ở TPHCM mãi ì ạch?

21/11/2021 - 12:30

PNO - Giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu di dời nhà ở trên và ven kênh rạch với khoảng 2.479 căn trong số 20.000 căn nhà cần di dời.

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu sẽ hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà ven, trên kênh rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.

Dự kiến những dự án di dời bằng vốn ngân sách được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 sẽ di dời 3.220 căn với tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng, gồm: dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; dự án cải tạo kênh Hy Vọng và nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh.

Nhóm 2 gồm 14 dự án đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư từ giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỷ đồng, di dời 3.250 căn (8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công, 6 dự án đã phê duyệt dự án bồi thường).

Nhóm 3 gồm 30 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỷ đồng, quy mô 7.282 căn.

Đối với dự án vốn ngoài ngân sách, TPHCM tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 6 dự án với quy mô 6.630 căn, trong đó trọng tâm là dự án bờ nam kênh Đôi (5.055 căn).

Kế hoạch này liệu có thể hoàn thành khi trong thời gian qua công tác di dời nhà ở trên và ven kênh rạch ở TPHCM đang rất ì ạch?

Nhiều căn nhà trên kệnh rạch
Nhiều căn nhà trên kênh rạch đứng trước nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, giai đoạn 2016 - 2020, TP chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu di dời nhà ở trên và ven kênh rạch (2.479 căn trong số 20.000 căn cần di dời). Chương trình trọng điểm gần như giậm chân tại chỗ nhưng tổng kinh phí ngân sách TP dự kiến cho chương trình ở nhiệm kỳ mới này đã đội thêm hơn 6.000 tỷ đồng, từ 22.000 tỷ đồng lên hơn 28.400 tỷ đồng.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, dù Thành phố đã có nhiều văn bản ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện công tác di dời nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần lớn các căn nhà có diện tích rất nhỏ, cơi nới, lấn chiếm mặt nước. Việc di dời bằng vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, đặc biệt là hình thức hợp tác công - tư. Còn hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hiện nay đã tạm dừng, nên việc kêu gọi đầu tư càng khó khăn hơn. 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đây là chương trình có ý nghĩa xã hội rất lớn. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của chương trình “tắc” từ năm 2016 đến nay bởi tư duy, cách làm không còn phù hợp, nhất là quy định về hệ số sử dụng đất, quy mô dân số quá thấp. Hiện nay nguồn vốn eo hẹp, trong khi đó các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà vì số nhà dân phải di dời, giải tỏa nhiều trong khi đa số nhà xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm rất nhiều. Hơn nữa, quỹ đất để khai thác kinh doanh cũng quá thấp cộng với hệ số sử dụng đất, dân số bị khống chế nên không thu được về lợi nhuận, thậm chí nếu không khéo còn bị sa lầy, âm vốn.

“Muốn làm được phải điều chỉnh quy hoạch, cho thêm hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch, thêm dân số, nghĩa là cho xây nhà cao hơn để xây được nhiều căn hộ hơn, vừa dùng để tái định cư vừa để kinh doanh thu hồi vốn. Đồng thời, nên áp dụng hình thức BT. TP cần có chính sách, cơ chế đột phá, cởi mở hơn để thu hút được doanh nghiệp tham gia chương trình di dời nhà ở ven kênh rạch” - ông Châu chia sẻ.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, nhằm tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc kênh rạch để thu hút nhà đầu tư tham gia, Sở Xây dựng TPHCM vừa có kiến nghị UBND TPHCM xem xét điều chỉnh giảm phạm vi hành lang bảo vệ kênh rạch xuống mức tối thiểu (chỉ cần đảm bảo đủ rộng xây dựng kè bờ chống sạt lở, cây xanh, đường dạo, đường xe phòng cháy chữa cháy…), tăng tối đa quỹ đất sau di dời bồi thường. Dành tối thiểu 20% quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch để làm công trình dịch vụ, công viên chuyên đề hoặc cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất thành chức năng thương mại dịch vụ, phục vụ du lịch… tạo nguồn lực để khai thác hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc sông, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI