Vì sao thú rừng quý hiếm thường xuyên “lạc” vào nhà dân ở phố?

04/11/2022 - 06:52

PNO - Gần đây, tại TPHCM, nhiều động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, liên tục “đi lạc” vào nhà dân. Theo nhận định của chuyên gia, sau đại dịch COVID-19, có thể xuất hiện làn sóng thả động vật nuôi nhốt ra ngoài...

Ở phố lại gặp trăn gấm, mèo rừng, tê tê…

Những ngày qua, Trạm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Củ Chi (Chi cục Kiểm lâm TPHCM) liên tục tiếp nhận các cá thể ĐVHD từ người dân. Trong đó có nhiều cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm mà ngay cả trong các cánh rừng nguyên sinh cũng không dễ tìm thấy.

“Không chỉ có kỳ đà vân, mèo rừng, tê tê, chúng tôi còn tiếp nhận cả trăn gấm nặng gần 40kg. Hầu hết các loài động vật này đều từ bên ngoài bò vào nhà dân, được dân trình báo” - một cán bộ Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi thông tin. 

Cán bộ kiểm lâm tiếp nhận cá thể tê tê từ người dân ở Q.12
Cán bộ kiểm lâm tiếp nhận cá thể tê tê từ người dân ở Q.12

Anh Nguyễn Văn Hà - ngụ Q.12, TPHCM - cho biết, hôm 25/10, anh cùng một người bạn chạy bộ trên đường C3 (P.Tân Thới Nhất, Q.12) thì phát hiện một con tê tê bên lề đường. Anh Hà đã trình báo và bàn giao con tê tê cho cơ quan chức năng. “Có lẽ con tê tê này đã được ai đó bỏ bên lề đường, vì khi tôi phát hiện nó vẫn còn nằm trong túi lưới” - anh Hà cho hay. 

Cũng tại Q.12, trước đó ít ngày, một hộ dân ở P.Thới An đã phát hiện một con trăn gấm hàng chục ký đang lởn vởn trong vườn nhà. Theo Chi cục Kiểm lâm TPHCM, con trăn gấm nặng 37kg là ĐVHD thuộc nhóm IIB, còn con tê tê nặng 4kg là ĐVHD quý hiếm thuộc nhóm IB (theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Cả hai cá thể đã được bàn giao cho Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi để chăm sóc. Sau khi chúng khỏe mạnh sẽ làm thủ tục để thả về tự nhiên.

Được biết, trường hợp trăn gấm bò vào nhà dân nói trên không phải là hy hữu, bởi trong tháng Mười vừa qua Chi cục Kiểm lâm TPHCM đã tiếp nhận khá nhiều ĐVHD quý hiếm vào khu dân cư, nhà dân… Đơn cử, vào giữa tháng Mười, ông N.T.T. (P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) phát hiện một con kỳ đà nặng khoảng 1kg bò vào nhà mình.

Sau khi tìm hiểu, ông T. biết đây là con kỳ đà vân quý hiếm, thuộc nhóm IIB nên đã liên hệ, bàn giao cho chi cục kiểm lâm. Tương tự, vào ngày 7/10, gia đình bà M.T.T. (Q.Tân Bình) phát hiện một con vật rất to vào nhà mình. Thấy con vật giống mèo rừng nên gia đình bà T. đã bắt giữ và giao nộp cho cơ quan chức năng. Chi cục kiểm lâm xác định đây là mèo rừng quý hiếm thuộc nhóm IIB.

Động vật quý hiếm ở đâu ra?

Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết, kiểm tra ban đầu cho thấy con trăn gấm nói trên là vật nuôi nhốt lâu năm bị sổng chuồng hoặc được thả, bởi lẽ nó đã mất đi nhiều đặc tính tự nhiên. 

Ông Nguyễn Vũ Khôi - Giám đốc Tổ chức Bảo vệ ĐVHD (WAR) - nhận định, ở trung tâm đô thị như TPHCM thì không thể có ĐVHD như mèo rừng, tê tê, trăn gấm… ngoài tự nhiên. Do đó, có thể nhận định ngay rằng, nguồn gốc của các con vật này là từ nuôi nhốt, vận chuyển trái phép. Ông Khôi phân tích, ngoài khả năng ĐVHD nuôi nhốt trái phép bị sổng chuồng thì có thể người dân đã chủ động thả chúng ra bên ngoài vì đã ngán ngại việc nuôi sau dịch COVID-19. 

“Nếu người nuôi bàn giao cho cơ quan chức năng thì phải lập biên bản, điều tra nguồn gốc… rất phức tạp. Còn nếu mang đi xa để thả thì có thể bị phát hiện lập biên bản xử lý nên người dân chọn cách thả ra gần nhà nên mới có tình trạng ĐVHD “đi lạc” trong thành phố. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở TPHCM, ở nhiều tỉnh, thành lận cận chúng tôi cũng ghi nhận có tình trạng này”, ông Khôi giải thích thêm.

Theo ông Khôi, hiện nay pháp luật đã có quy định rất cụ thể và chặt chẽ về bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Do đó, khi người dân phát hiện ĐVHD vào nhà mình thì không được đánh bắt, giết hại, làm thịt, hay bán cho người khác... mà phải báo cho cơ quan chức năng. Những trường hợp xâm hại ĐVHD quý hiếm đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. 

“Người bình thường sẽ không thể biết con vật đó có thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm hay không. Nếu tự xử lý có thể sẽ dẫn đến rủi ro nếu bị con vật tấn công trở lại và kể cả rủi ro về pháp lý nếu xâm hại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm” - ông Nguyễn Vũ Khôi khuyến cáo thêm. 

Chiếm giữ thú rừng coi chừng phạm pháp

Nếu phát hiện ĐVHD quý hiếm (nhóm IB, IIB) đi lạc vào nhà mình mà có hành vi bắt giữ để nuôi cũng được xem là vi phạm hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo điều 21, Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 12, điều 1, Nghị định 07/2022/NĐ-CP, người nào có hành vi bắt nhốt, nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Còn theo quy định tại điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm b, khoản 57, điều 1, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, người nào có hành vi săn bắt trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì tùy theo từng mức độ sẽ có các mức hình phạt khác nhau. Cụ thể, có thể bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp ĐVHD vào nhà, người dân không may đánh chết, cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xác minh và tùy mức độ sẽ có các mức hình phạt khác nhau. 

Do vậy, khi phát hiện ĐVHD người dân phải thông báo ngay cho cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương chứ không nên tự ý bắt giữ hay tác động mạnh để tránh gặp rắc rối về pháp lý. 

Luật sư Trần Minh Hùng  (Đoàn Luật sư TPHCM)

Tỷ lệ xử lý vi phạm về động vật hoang dã chưa cao  

Theo báo cáo thường niên “Hiệu quả công tác xử lý vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo” vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hành cuối tháng 10/2022, trong năm qua, người dân đã thông báo đến ENV 1.056 vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD. Có 97% số vụ việc được cơ quan chức năng ở các tỉnh/thành phản hồi, xử lý.

Hà Nội và TPHCM tiếp tục là hai địa phương ghi nhận số vụ vi phạm về ĐVHD được người dân thông báo cao nhất cả nước. Mặc dù cơ quan chức năng ở TPHCM đã tích cực phản hồi các vi phạm do người dân thông báo, nhưng tỷ lệ xử lý thành công chỉ đạt 15,9%. 

Sơn Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI