Vì sao thịt heo Việt Nam chật vật tìm đường xuất khẩu?

01/06/2017 - 14:00

PNO - Nhiều thị trường đang muốn nhập khẩu thịt heo, gà… từ Việt Nam. Song, một số doanh nghiệp (DN) trong ngành thịt cho biết, ngoài yêu cầu đạt chuẩn về thú y, kiểm dịch, Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở giết mổ đủ chuẩn xuất khẩu.

Vi sao thit heo Viet Nam chạt vạt tìm duòng xuat khau?
Hạn chế về điều kiện vật chất khiến thịt heo khó có đường xuất khẩu chính ngạch.


Chỉ vì thiếu cái kho lạnh

Mới đây, thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán chính thức với Trung Quốc (TQ) để xuất khẩu heo chính ngạch sang thị trường này đã khiến nhiều hộ chăn nuôi vui mừng.

Song khoảng cách từ thỏa thuận đến hiện thực là một bước đi khó. Lý do là ngoài chuyện yêu cầu TQ xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo đối với Việt Nam (VN) ban hành từ năm 2012, thịt heo xuất khẩu chính ngạch còn phải đáp ứng điều kiện giết mổ, cấp đông.

Trong thực tế, VN gần như chưa có cơ sở giết mổ nào đủ tiêu chuẩn để làm thịt heo 
xuất khẩu.  

Nói về tình trạng tréo ngoe này, đại diện một DN chăn nuôi tại TP.HCM kể ông từng dẫn DN TQ tìm nguồn thịt heo để mua. Lúc đó, thịt heo hơi xuất chuồng tại VN có giá 20.000đ/kg, những nhà nhập khẩu này sẵn sàng trả 30.000đ/kg. Song ông vẫn không tìm đâu ra một cơ sở giết mổ có thể cấp đông thịt ngay sau khi giết mổ để đóng container đưa về TQ. 

Thực tế, VN có những công ty quy mô như Vissan, Sagri chuyên sản xuất kinh doanh thịt gia súc tươi sống, đông lạnh. Thậm chí, năng lực kho lạnh của Vissan lên đến 1.000 tấn.

Đại diện Vissan cho biết, giữa kho lạnh và cấp đông vẫn còn một khoảng cách rất xa. Kho lạnh hầu như chỉ để bảo quản thịt sau khi cấp đông chứ không đủ năng lực cấp đông thịt ngay sau khi giết mổ. Và giá tiền một dây chuyền cấp đông thịt theo tiêu chuẩn của châu Âu lên đến hàng triệu USD. 

Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản nói: “Quy trình giết mổ, cấp đông theo tiêu chuẩn yêu cầu thịt heo sau khi giết mổ sẽ đưa vào cấp đông ở 0-40C trong 8-12 giờ, sau đó sẽ được pha lóc, đóng gói, hút chân không rồi đưa ra thị trường”.

Trong khi đó, hiện tại, những DN giết mổ lớn nhất tại TP.HCM cũng mới chỉ giữ thịt sau khi giết mổ ở nhiệt độ mát (không phải cấp đông). Chưa kể VN có 29.000 cơ sở giết mổ. Hầu hết, những cơ sở giết mổ này là lò mổ tự phát nên các cơ quan quản lý rất khó kiểm soát chất lượng thịt.

Làm thịt cấp đông - miếng bánh khó nhai

Theo các DN, dù quy hoạch giết mổ đã được đề ra bài bản từ chục năm nay nhưng TP.HCM vẫn chưa có một cơ sở giết mổ nào đạt chuẩn. Lý do là vì DN sợ thói quen tiêu dùng thịt nóng (thích mua thịt được bán ngay sau khi giết mổ).

Thêm nữa, các DN muốn đầu tư bài bản lại lo không cạnh tranh được với các lò mổ lậu. Quy hoạch thiếu đồng bộ là một trong những lý do mà các tên tuổi như Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ tiên phong đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại đều phải ở trạng thái phá sản hoặc thu hẹp thị trường. 

DN kinh doanh thịt còn tiết lộ nhiều đơn vị từng được các cơ quan hỗ trợ vốn để thu mua thịt heo cấp đông, bình ổn thị trường. Song người tiêu dùng không thích mua thịt đông lạnh khiến hàng tồn kho nhiều; rồi năng lực cấp đông của DN chưa đạt tiêu chuẩn khiến thịt mau biến chất, dẫn đến thua lỗ.

Trớ trêu hơn, một số DN khi thấy giá heo trong nước tăng cao, họ chọn cách an toàn lợi nhuận là nhập thịt đông lạnh về chế biến. Cho nên khi thịt heo trong nước thừa thì kho lạnh của họ cũng không còn chỗ chứa.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ thủ công, tiêu dùng thịt nóng khiến ngành chăn nuôi trong nước loay hoay với chuyện thừa và thiếu. Những bất ổn này chỉ có thể giải quyết khi ngành này được quy hoạch bài bản. 

Và trong khi chờ ngành chăn nuôi có quy hoạch một cách bài bản, các hộ chăn nuôi cần phải tự cứu lấy mình, không chăn nuôi theo tâm lý đám đông. 

Phú An Sinh từng xây dựng nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Huỳnh Gia Huynh Đệ xây nhà máy chế biến, giết mổ tại Đồng Tháp, Vissan xây một cụm giết mổ gắn với chế biến tại Bến Lức, Long An…

Chủ trương xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến hiện đại có từ 10 năm trước đã đi vào bế tắc, không giúp xuất khẩu thịt động vật “cất cánh” ra nước ngoài.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI