Vì sao thị trường bất động sản vẫn chiếm thế thượng phong trong dịch COVID-19?

01/06/2021 - 15:35

PNO - Dịch COVID-19 đang tiếp tục khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một lượng vốn lớn vẫn đang đổ vào lĩnh vực bất động sản.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) hiện nay ước khoảng 1,85 triệu tỷ đồng; trong quý I/2021 tăng 3% so với quý trước đó, gấp đôi mức tăng trong quý I/2020 và gần bằng mức tăng trong quý I/2019, lúc chưa có dịch. Tính đến hết quý I/2021, tín dụng BĐS chiếm 19,8% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh BĐS ở mức 651.631 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm trước, chiếm 7,04% tổng dư nợ của nền kinh tế. 

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 4/2021, dư nợ BĐS chiếm gần 20,8% trong cơ cấu tín dụng của TP.Hà Nội và chiếm 13,5% trong cơ cấu tín dụng của TP.HCM. 

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút nguồn vốn lớn hiện nay
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút nguồn vốn lớn hiện nay

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, tín dụng đang chảy vào BĐS, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Hoạt động trái phiếu doanh nghiệp rất sôi nổi, nhưng chủ yếu nhằm huy động vốn cho lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS. Một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao so với những năm trước, trong đó mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư cho biết, họ có niềm tin và kinh nghiệm vào thị trường BĐS sau ba đợt dịch COVID-19 bùng phát, nên vẫn quyết định đổ tiền vào kênh đầu tư này. “Nếu có dự án tốt, tôi vẫn xuống tiền đầu tư vì tin rằng dịch sẽ sớm được kiểm soát tốt như những lần trước” - một nhà đầu tư nói. 

Theo các chuyên gia BĐS, sở dĩ có lượng vốn lớn đổ vào lĩnh vực BĐS là do dịch bệnh khiến hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất và chuyển vốn vào BĐS. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh cũng khiến dòng tiền nhàn rỗi được chuyển vào kênh đầu tư này.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, nhà đầu tư Việt Nam luôn coi BĐS là kênh đầu tư lâu dài, khả năng thua lỗ thấp. Thêm nữa, dịch bệnh khiến nhiều công ty, cửa hàng thu hẹp quy mô, nhiều nhà đầu tư rút vốn tạo ra những nguồn tiền nhàn rỗi. Nguồn tiền này thường có xu hướng đổ vào một trong bốn lĩnh vực: ngân hàng, vàng, chứng khoán, BĐS. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không thích đổ tiền vào kênh chứng khoán do rủi ro cao, còn lãi suất tiền gửi ngân hàng lại đang có xu hướng giảm, giá vàng lại lên xuống thất thường, chỉ còn BĐS thể hiện khả năng kiếm lời khá ổn định. Trong nhiều năm qua, BĐS vẫn giữ được giá và tăng trưởng tốt, củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư. 

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định: “Ai cũng thích tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, trong khi nền sản xuất đang gặp khó khăn vì dịch. Chứng khoán và BĐS trở thành điểm tựa của tăng trưởng; trong đó, chứng khoán lại là “đòn bẩy” cho thị trường BĐS. Sự tăng trưởng của lĩnh vực BĐS là tốt nhưng chỉ nên tăng trưởng ở mức độ hợp lý chứ không nên sốt ầm ầm. Điều mà cơ quan quản lý cần quan tâm là xử lý việc thao túng tin tức, bán dự án không đủ các yếu tố pháp lý”.

 Ông Trần Nguyên Đán cũng lưu ý nhà đầu tư: “BĐS vẫn là thị trường có lợi thế so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, nhà đầu tư nên hạn chế tối đa việc vay ngân hàng để mua BĐS”. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI