Xem clip:
|
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lởi đại biểu về tai biến thẩm mỹ |
Sáng nay (8/12), ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp lần thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX đã diễn ra với phần báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020. Tiếp đó, các đại biểu tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về các chủ đề liên quan tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi cho 3 sở có liên quan đến lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ thời gian vừa qua đã xảy ra hàng loạt tai biến nghiêm trọng. Chỉ trong tháng 10/2019 đã có 4 ca tai biến, trong đó có 2 ca tử vong.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Theo bà Trâm, phẫu thuật thẩm mỹ là một nhu cầu lớn và TP.HCM là một mảnh đất màu mỡ cho việc kinh doanh ngành nghề này... Thế nhưng, việc quản lý, đặc biệt là ngăn ngừa các sai phạm bảo đảm an toàn cho người dân, đang đặt ra nhiều dấu hỏi.
Đối với Sở Y tế TP.HCM, bà Trâm yêu cầu cần công khai kết quả kiểm tra, xử lý các phòng khám thẩm mỹ: có bao nhiêu phòng khám vi phạm, xử lý ra sao?
Thậm chí ngay trong lúc Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở, thì ghi nhận của phóng viên các báo đài cho thấy vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở hành nghề, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn đã được cấp phép…
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đồng thời cũng là một nhà báo đã đề nghị Sở Y tế cần trả lời câu hỏi vì sao có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất nhưng số lượng các vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ vẫn xảy ra dồn dập như vậy? Sở có giải pháp gì và các sở liên quan có phối hợp được với nhau để xử lý tình trạng bất ổn trong lĩnh vực làm đẹp của chị em phụ nữ hay không?
Đại biểu Trâm cũng đặt câu hỏi liên quan cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, vì sao nhiều tiệm spa (làm đẹp da) dù không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn thực hiện và thậm chí mở lớp dạy nâng mũi, cắt mí, tiêm filler cho phụ nữ? Lãnh đạo Sở có biết không, có xử lý chưa?
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, bà Trâm cũng đặt câu hỏi tại sao các phòng khám thẩm mỹ không phép, các cơ sở spa không có chức năng vẫn dễ dàng quảng cáo một cách rầm rộ trên mạng internet như vậy? Cách xử lý tình trạng này ra sao, liệu có đủ sức răn đe hay chưa?
Ngoài vấn đề trên, bà Trâm cũng nêu thắc mắc về công tác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục giảm. Trong bối cảnh ngân sách thành phố đang eo hẹp, Sở Giao thông vận tải có giải pháp gì để cải thiện tình hình?
Tương tự, việc quản lý tình trạng bến cóc, xe dù cũng không có gì sáng sủa. Theo bà, thanh tra sở biết rõ "cơ chế hoạt động" của mạng lưới này nhưng đến nay vì sao vẫn chưa có giải pháp đột phá để giải quyết rốt ráo?
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đặt vấn đề ngành dịch vụ đóng góp đến 60,42% GDP của thành phố, đặc biệt lĩnh vực công nghệ, y tế và du lịch. Tuy nhiên, các chính sách đầu tư cho ngành dịch vụ, trong có quỹ đất, đang rất hạn chế.
|
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Kỳ họp đang tiếp tục xem xét, thảo luận, chất vấn các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, thu - chi ngân sách năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020 và các tờ trình của UBND TP.HCM.
Trả lời đại biểu tại hội trường, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, trong 2 ca tử vong trong quá trình phẫu thuật thầm mỹ, hội đồng chuyên môn sở đã kết luận, 1 trường hợp do sốc thuốc mê và trường hợp còn lại do dùng lượng thuốc tê quá liều.
Một trong hai trường hợp còn lại do sốc thuốc kháng sinh ngoài ý muốn và một trường hợp tử vong không trực tiếp liên quan đến hoạt động thẩm mỹ do ngành y tế quản lý. Đó là trường hợp xăm phun trên người lớn tuổi, cộng với bệnh lý nền cao huyết áp. Do thực hiện thủ thuật xăm gây ra đau, dẫn đến cơn bùng phát huyết áp gây tử vong.
Về công tác quản lý, ông Bỉnh cho hay sở đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin triệt để trong phạm vi quản lý. Riêng phẫu thuật thẩm mỹ, ngành y tế thành phố đi đầu cả nước khi đưa ra các tiêu chí đánh giá hàng năm đối với 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ và công khai kết quả để người dân chọn lựa.
“Theo đó, năm vừa qua có 3 bệnh viện đánh giá mức trung bình, 6 bệnh viện trung bình khá và 6 bệnh việc còn lại đạt mức khá, chưa có cơ sở nào tốt cả. Trong 183 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, chúng tôi cũng thực hiện đánh giá hàng năm song song với việc đánh giá các phòng khám đa khoa khác và cũng đưa lên mạng để người dân lựa chọn”, ông Bỉnh nói.
Ngoài xử phạt nghiêm, sở còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các quận huyện chấn chỉnh loại hình spa, phun xăm, thêu… Qua đó, theo ông Bỉnh, vi phạm nặng nề nhất hiện nay là hành vi quảng cáo mang tính lừa gạt người dân. Sở đã phối hợp với Sở Thông truyền thông, Công an thành phố tiến hành gỡ bỏ một số quảng cáo lớn có sai phạm.
Sở Y tế hiện đang phát triển một ứng dụng dành cho thiết bị di động hầu giúp người dân phản ánh các sai phạm của các cơ sở y tế đến phòng chức năng của sở. Nội dung tin báo sẽ được xử lý kịp thời và giúp ngăn ngừa các tai biến. Vấn đề tai biến xảy ở spa, cơ sở xăm phun, thêu da… dù là các thủ thuật có xâm lấn cơ thể qua da, gây chảy máu, xử dụng thuốc tê, kháng sinh nhưng chỉ đăng ký quản lý cấp phép ở quận huyện. Sở đã kiến nghị Bộ Y tế nên có quy định thêm về việc yêu cầu các cơ sở này phải chịu sự quản lý như các cơ sở y tế.
Hiếu Nguyễn - Quốc Ngọc