Có khoảng thời gian hơn mười năm tôi đi làm xa nhà. Vì thế mỗi tuần 2 lần ngồi xe đò đi, về. Lúc đi thì lên xe tại bến. Lúc về, đến giờ tan làm bến xe không còn xe nữa, tôi phải đón xe ngoài. Cứ đứng ven đường vẫy tay là xe nào còn chỗ sẽ ghé đón. Đi xe đò cách này phải dặn lòng 2 chữ “nhẫn” và ”đảm”.
|
Xe Thành Bưởi gây tai nạn |
Nhẫn là vì có khi đón mãi không xe nào còn chỗ trống để rước. Nhẫn là phải cam chịu cảnh chèn nhét ngồi chật chội. Có khi xe chưa đủ khách, tài xế cứ quay xe tới quay xe lui trong nội ô để đón thêm khách hoặc cuối cùng sang khách cho xe khác. Quãng đường 70km, tan làm lúc 17g mà lắm tuần tôi về đến nhà là 22-23g đêm. Nhẫn cũng có khi là chịu đựng những lời nói cộc cằn, cục súc của tài xế và phụ xế. Không nhẫn thì xuống xe. Dù được thối tiền lại cũng bị mất một khúc, mà có đón xe khác thì cũng chẳng khác gì nhau.
Đảm là phải trao tính mạng mình cho người ngồi sau vô lăng mà anh ta khi biết có cảnh sát giao thông thì chạy thật chậm, khi biết không có chốt kiểm tra thì chạy rất nhanh, giành đường, vượt ẩu để tranh rước khách dọc đường. Nhìn thấy xe mình chạy vượt xe trước mặt, khi xe đó chưa sẵn sàng nhường đường hay liều lĩnh lấn đường khi có xe ngược chiều ai mà không thấp thỏm lo âu. Có nhiều cô, dì ngồi trên xe cứ lẩm nhẩm niệm Phật. Mỗi khi xe thắng đột ngột nhiều người trên xe giật mình hốt hoảng la to.
Không ít lần ngồi trên xe tôi nghe tài xế tâm sự để thanh minh chuyện cầm lái của mình. Họ nói cũng vì “chén cơm manh áo”, xe ít khách không đủ sở hụi.
Sau này tôi về làm gần nhà, không còn phải lụy những cuốc xe đò nữa, cũng là lúc những hãng xe ra đời. Hành khách đến bến, xe cứ đến giờ là lên đường, không cần biết đầy khách hay không. Đặc biệt là không rước khách dọc đường, chỉ đỗ ở những trạm dừng chân của hãng. Những tưởng với điều kiện như vậy lái xe không còn phải cố chạy cho nhanh. Nhưng không ít lần ngồi trên những chiếc xe đò có thương hiệu, tôi thấy bác tài vẫn đánh tín hiệu hỏi xe ngược chiều để biết có cảnh sát giao thông hay không. Nếu không có cảnh sát lập chốt thì họ lại tự do chạy quá tốc độ, giành đường, vượt ẩu. Vì sao phải liều lĩnh như vậy? Nếu ai biết đôi chút về lái xe mướn thì cũng biết rằng thu nhập của lái xe phụ thuộc vào số chuyến xe họ đi. Vì thế tranh thủ về đến bến sớm sẽ có cơ hội xuất bến sớm, có thêm thu nhập. Có lúc ngồi trên xe nghe bác tài trả lời điện thoại cho người quản lý xe mình đã chạy đến đâu và dự kiến thời gian đến nơi thì biết lý do họ phải chạy nhanh. Hãng xe tất nhiên cần xe lăn bánh nhiều, để có hiệu suất sử dụng tốt, để sinh lời. Thậm chí chủ hãng còn dám khuyến khích tài xế chạy phạm luật khi tuyên bố đã bao đường, dù chẳng biết có thật hay không. Ngay cả các lái xe chạy dịch vụ cho thuê xe, nhiều lúc về đến hãng đã 7, 8g tối, nghỉ ngơi một chút, 11-12g đêm lại phải cầm vô lăng đưa đoàn khách du lịch đi đến sáng.
Tai nạn xảy ra đâu chỉ do tài xế. Bằng chứng rõ ràng nhất là tài xế gây tai nạn làm 5 người chết, 4 người bị thương ở quốc lộ 20 qua địa phận tỉnh Đồng Nai mới đây. Tài xế đã bị cảnh sát tước bằng lái, nhưng hãng vẫn giao xe.
Cho nên việc Thủ tướng Chính phủ có công điện, yêu cầu kiểm tra toàn diện các nhà xe liên quan đến tai nạn kể trên rất hợp lòng dân. Nhưng còn các hãng xe khác thì sao, có biện pháp nào để giám sát họ, khi hàng ngày cả trăm, thậm chí cả ngàn sinh mạng được giao cho những người làm thuê ngồi sau tay lái. Đảm bảo tài xế lái xe an toàn đúng luật lệ phải chăng là trách nhiệm của những người thuê họ?
Muốn giải quyết dứt điểm cần làm rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề!
Nguyễn Huỳnh Đạt