Vì sao ta cố chấp để trở thành người cũ của nhau?

01/04/2017 - 06:30

PNO - Khi gọi nhau là 'người cũ', nghĩa là đã cách nhau một quãng xa, thuộc về một miền nào đó của ký ức.

Vi sao ta co chap de tro thanh nguoi cu cua nhau?
 

Có “người cũ” thành “người lạ”, dù từng gắn bó với ta một đoạn đời dài, từng gọi nhau là tình nhân, vợ chồng, có với nhau những đứa con. Nhưng khi lìa nhau vì hoảng sợ sự mệt mỏi, ức chế cả hai gây cho nhau, khi được tòa phán quyết trách nhiệm “máu mủ” chung thuộc về riêng ai thì “người đang gắn bó” lập tức biến thành “người cũ”, nỗi sợ hãi kia vẫn còn trấn ngang ngực nên “người cũ” lại xa thêm vạn dặm thành “người lạ” mà ngay khi nhắc đến ta còn phải tránh.

Ta vui vẻ bước trên con đường mới của mình, lỡ một khúc quanh nào gặp, có khựng lại chút nhưng chợt nhớ ra họ đã là “người lạ”. Cảm giác không còn vướng víu gì, chân bước rộng thênh thang. Vài lần, nấc “khựng” kia mòn dần rồi mất hẳn. Nhẹ tênh.

Nhưng có khi “người cũ” chỉ là cách ta gọi. Họ còn sống trong tâm trí ta, ngập tràn trong ký ức, ẩn hiện nơi ta đến, chỗ ta dừng, những thói quen thường nhật, góc nào đó trong ngôi nhà và rõ ràng trên gương mặt con ta. “Nhói” đó là cảm giác liên tục xuất hiện khi ta chạm vào bất cứ nơi đâu gợi lên nỗi nhớ về “người cũ”.

Cố quên, nhưng không thể, cảm giác như bị cầm tù nhưng cố sức vượt ra ngoài để được biết “người cũ” đang sống ra sao, họ đang như thế nào, đang sóng đôi với ai. Ta thương khi áo quần họ nhàu nhĩ, tóc tai xô lệch, người xơ xác. Nhưng tim ta cũng nhói đau khi họ chỉn chu hơn, thành đạt hơn, bởi dường như có ai đó đã chăm sóc họ chu đáo hơn khi ta bên người. 

Ta nhận ra họ chưa bao giờ là “người cũ” cả khi những ký ức yêu thương cứ dội về, khi bất kỳ ai “đến sau” ta cũng ngầm so sánh với “người cũ” để rồi nỗi hối tiếc cứ dày vò và tim ta một lần nữa như tan thành nước mắt khi biết được rằng “người cũ” đã có “người mới” thế vào vị trí ta rồi. 

Vi sao ta co chap de tro thanh nguoi cu cua nhau?
 

Ta bắt đầu truy vấn vì sao ta cố chấp để tan vỡ. Cụm từ “giá như” luôn xuất hiện để kéo ta về nơi ta và “người đang gắn bó” trở thành “người cũ”. Tin nhắn soạn sẵn cho “người cũ” cả trăm lần rồi xóa, rồi không chịu được, lại tự nhắn cho chính mình, rồi không chịu thêm phút giây nào nữa, ta nhắn cho “người cũ”.

Người không hồi đáp, ta bật khóc, niềm tuyệt vọng như chạm đáy đau thương. Người hồi đáp, ta cũng bật khóc rồi giả vờ như nhắn nhầm số. Để rồi cả ngày chẳng thể làm gì, đêm đếm ngàn con cừu cũng không dỗ được giấc ngủ, lại trách mình tại sao không thể nói rõ rằng mình còn nhớ, còn thương. 

Cũng có những “người cũ” không bao giờ thừa nhận họ đã “thật sự cũ” với ta. Ta rời xa người để cứu vớt quãng đời như tù ngục bên người bởi sự dày vò, nghi kỵ, bởi sự phóng túng phản bội triền miên của người. Tình nghĩa bên nhau bao năm không đủ để người gìn giữ những ấm êm hạnh phúc.

Trăm năm mù quáng tin người để rồi một ngày ta nhận ra chính ta chứ không phải ai khác đã chặn hết hy vọng được sống hạnh phúc. Ta quyết xa người. Người giật mình níu lại. Đau đến mấy cũng phải mở một cánh cửa khác để đi. Ta bắt đầu nhặt nhạnh những thứ còn sót lại, cho con, cho mình, nhen đốm lửa nhỏ sưởi ấm trong căn nhà không có đàn ông.

Ta mỉm cười cảm ơn người đã để ta được đi. Người nhếch mép cười phán quyết cả đời ta phải trả giá vì không biết cam phận. Ta ngơ ngác nhìn người rồi ngoảnh mặt nhìn cuộc đời còn lại mấy mươi năm. Ta từ chối hờn ghen, ta vén vun yên bình.

Người sớm có người mới, ta thở phào nhẹ nhõm bởi ít nhất đắm say nồng nàn của người sẽ khiến người không trói buộc ta bằng quyền lực người tưởng vẫn còn áp đặt được với ta. Nhưng không phải, người vẫn hờn ghen, vẫn hằn học, vẫn trói buộc... dù đắm say của người không phải là ta nữa. Nghiệt ngã.

“Người cũ”, nghĩa là đã... cũ, thuộc về ký ức, về một miền nào đó không hiển hiện trong hiện tại... Dù ghét, dù thương “người cũ” vẫn là “người cũ”, nghĩa là đã không thuộc về mình.

Nguyễn Thị Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI