Vì sao sinh viên Việt Nam học càng cao lại càng kém, thất nghiệp nhiều dù khi nhỏ rất giỏi?

20/07/2016 - 14:00

PNO - Việt Nam là một quốc gia thu nhập thấp nhưng lại thường nổi bật với kết quả cao trong thi cử tương đương với các nước phát triển.

Mới đây, các nhà khoa học thế giới đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao Việt Nam  - một quốc gia thu nhập thấp nhưng lại thường nổi bật với kết quả cao trong thi cử tương đương với các nước phát triển?

Với hàng loạt những bài nghiên cứu, chuyên gia nước ngoài đã chỉ ra rằng, Việt Nam là một đất nước có sự đầu tư vào giáo dục khá lớn. Bên cạnh đó, sự "khác biệt văn hóa" cũng là yếu tố giải thích cho việc Việt Nam luôn nhận được giải cao, đáng ngưỡng mộ trong các kỳ thi quốc tế.

Vi sao sinh vien Viet Nam hoc cang cao lai cang kem, that nghiep nhieu du khi nho rat gioi?

Trước sự đánh giá cao của chuyên gia nước ngoài về sự đầu tư và phát triển giáo dục Việt Nam, báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục đầu ngành trong nước về lời nhận định này và thực trạng hệ thống giáo dục của nước ta đang gặp phải dù có những kết quả thi quốc tế thực sự ngưỡng mộ.

Lý giải thành tích

Đánh giá một cách khách quan về bản chất con người Việt Nam, GS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng: "Người Việt từ xưa đến nay vốn thông minh, khéo léo và chăm chỉ.

Đã từ lâu, tại các kỳ thi quốc tế, người Việt thường đạt được những kết quả cao... Trong lịch sử với các cuộc chiến chống các đế quốc hùng mạnh như Pháp, Mỹ với hàng loạt vũ khí hiện đại cũng vậy, Việt Nam dù nhỏ nhưng lại có thể đánh gục họ... bởi Việt Nam vốn thông minh".

Không nói đến vấn đề sinh học, GS. Trần Hồng Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) lý giải việc học sinh Việt luôn đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học thuật... ở góc độ văn hóa:

"Sự học ở Việt Nam được coi như một điều tất yếu cho đời sống của đứa trẻ trở lên. Có những người không có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn thì họ coi đó là một sư đau khổ... Từ những tâm lý xã hội như vậy đã tạo nên cái nền cơ bản trong giáo dục Việt, điều là rất quý.

Thứ 2 là, gia đình nào cho con đi học họ cũng ra sức quan tâm sự học hành của con cái. Đó cũng là một yếu tố tạo ra cho đứa trẻ nhận thức việc học là tất yếu và trách nhiệm của chúng với bố mẹ phải cố gắng chăm chỉ. Với một cái đà học tập như vậy tạo ra hứng thú, ít cảm thấy chán nản với việc học.

Thực tế đã chứng minh, nhiều người nghèo ở các thôn làng cho con đi học, thậm chí bọn trẻ còn leo dây để sang sông đi học...".

Thất nghiệp là tại... thầy

Cả những chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá con người Việt Nam có ý thức học và có sự đầu tư lớn cho giáo dục ngay từ những cấp học nhỏ. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn xảy ra tại Việt Nam là càng học cao thì khả năng của sinh viên Việt so với mặt bằng thế giới càng thấp, thậm chí ra trường thất nghiệp hàng loạt, phải đào tạo lại, điều này có gì mâu thuẫn?

GS Nhĩ cho rằng: "Nguyên nhân của hiện tượng này là do giáo dục của chúng ta dạy quá nặng về lý thuyết cho học sinh mà không kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ví dụ ở các nước khác, người ta dạy kết hợp rất chặt chẽ và rất coi trọng việc này.

Điều này vừa khơi dậy năng lực cho học sinh, hai là kết hợp với xã hội người ta tăng cường tính thực hành cho học sinh. Học sinh ra trường chúng đã có khả năng làm việc được ngay rồi, còn mình ở đây ra trường thì ngồi đó, chúng ta nói rất nhiều về việc thầy nói trò ghi chưa chấm dứt được chuyện đó".

Vi sao sinh vien Viet Nam hoc cang cao lai cang kem, that nghiep nhieu du khi nho rat gioi?

Và, hiện tượng đó xảy ra một phần "do các thầy của mình kém nữa, trong lớp còn không chịu thay đổi phương pháp giảng dạy, cái mà người thầy cần làm tốt là lý giải học sinh đó thực hiện nó như thế nào, liên hệ thực tế ra sao… nếu làm được như thế học sinh ra trường đã có một kỹ năng tốt hơn để xin việc" -  GS. Nhĩ nói.

GS. Trần Hồng Quân cũng chỉ ra rằng, người Việt đã quá coi trọng việc học, tất cả mọi người đều đổ dồn đi học, hơn nữa là lớp học dưới người Việt học rất giỏi nhưng lên cấp trên độ sáng tạo lại bị hạn chế.

"Cái đó là do phương pháp giáo dục. Đứa trẻ thụ động trong việc học, nó học tất cả những gì chọn lọc để kiểm tra, chứ chúng ta chưa tạo điều kiện cho chúng học một cách chủ động như là một sự phát hiện, chứ không phải là sự tiếp thu thì sau này chúng có sức sáng tạo, có thể làm tốt được".

Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục Việt đều cho rằng, hiện tượng nhiều cử nhân đại học, kể cả thạc sĩ ra trường không có việc làm quay trở về đi học là do một phần lớn kế hoạch đào tạo của nước ta giữa "cung và cầu" không chú ý.

Giải quyết thế nào?

Từ "tài nguyên về trí tuệ và đầu tư học tập" đến những hiện trạng hệ thống giáo dục Việt đặt ra, GS Nhĩ đề xuất cần phải hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm: "Ngay từ ở phổ thông, học sinh cần được hướng nghiệp, hết Trung học cơ sở, thậm chí mình có thể phân luồng ra làm sao, khoảng 30-40% theo con đường nghiên cứu học sâu xa hơn, 50-60% học sinh học ứng dụng thực hành, nếu phân hóa được như vậy rồi.

Các trường THPT như hiện nay cũng cần phải sắp xếp lại, trường nào theo hướng nghiên cứu thì mình đầu tư trang thiết bị để cho học sinh tốt hơn theo hướng đó, còn các trường khác học sinh có thể học nghề, kỹ thuật sau đó họ đi theo hướng ứng dụng, thực hành ở cao đẳng đại học, chắc chắn khi mình đào tạo ra sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội, phát huy năng khiếu của mình để phát hiện năng lực" - GS nói.

Theo GS. Quân: "Cái cần thiết là phải bổ sung kỹ năng... Kỹ năng có vai trò 60%  quyết định thành công của một con người khi ra trường. Như vậy là cách đào tạo của chúng ta chưa tốt, nội dung chương trình chưa hợp lý.

Hơn hết, chúng ta cần phải ngồi lại với nhau xem chúng ta kém cái gì, thiếu cái gì để bổ sung. Thực ra bổ sung không mất quá nhiều thời gian đâu, bổ sung đúng thì năng lực làm việc tăng lên ngay",GS. Quân nói.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI