Vì sao sinh viên bất kể ngành nào cũng nên học môn văn?

21/04/2020 - 09:39

PNO - Tham gia lớp học môn văn học Nhật Bản hiện đại tôi mới hiểu vì sao sinh viên của nhiều ngành học đều đăng ký học môn này một cách thích thú.

Lớp học môn văn học Nhật Bản hiện đại học kỳ thu của trường có hơn 40 sinh viên đăng ký. Đủ màu da, chuyên ngành, cả đại học và sau đại học. Đó là một trong những lớp học đông nhất. Không chỉ do người đứng lớp là giáo sư nổi tiếng mà còn do đó là môn quan trọng cho bất kỳ sinh viên chuyên ngành nào.

Tôi nhận thấy, ngoài ngành văn, còn có sinh viên rất nhiều ngành: chính sách công, kinh tế, triết học, Peace Studies, Gender and Sexuality Studies… Trong khi trường theo mô hình giáo dục khai phóng (Liberal Arts), số lượng sinh viên mỗi lớp thường chỉ khoảng 15 đến 20 người.

Khi tham gia học môn văn, sinh viên thường đọc trước tác phẩm, tìm tài liệu để đọc và chuẩn bị bài thuyết trình về một truyện ngắn. Trong buổi học, cả lớp ngồi thành vòng tròn, bàn luận về tất cả vấn đề xoay quanh truyện ngắn và nhà văn đó. Người thuyết trình trình bày xong phần chuẩn bị của mình khoảng 20 phút, cả lớp bắt đầu phản biện, chất vấn hay góp ý. 

Giáo sư cũng ngồi trong vòng tròn và cũng như một người phản biện. Cô lắng nghe các ý kiến, sau cùng cô đưa ra ý kiến của mình nhưng ít khi phê phán ai sai, trừ một số ý kiến quá sai về mặt chứng cứ, số liệu và thực tế. Cô chia sẻ ý kiến với sinh viên, khi thì “ý của bạn hay”, “tôi đồng ý với ý đó” hay “tôi không đồng ý”… và thậm chí là “tôi không biết”.

Đó là điều hoàn toàn bình thường. Tôi thích nhất mỗi khi cô nói “tôi không biết”. Nó chân thành và bình đẳng, thể hiện sự thận trọng của người thầy đối với lượng kiến thức của mình. Vấn đề là tạo ra môi trường tranh luận để tất cả cùng suy nghĩ, chia sẻ quan điểm dựa trên sự đọc, sự hiểu, trực giác và kinh nghiệm của mỗi người. 

Tổng cộng cả học kỳ phải đọc và thuyết trình khoảng hơn 40 truyện ngắn của hơn 40 gương mặt đại diện văn học Nhật hiện đại. Có những truyện đơn thuần chỉ là những lát cắt rất thơ, rất giản dị về tình cảm con người trong cuộc sống. Nhưng cũng có truyện đào sâu về bản chất của các cuộc chiến tranh và chính trị trong lịch sử của Nhật Bản. Cũng có những truyện soi rọi bản chất của thế giới hiện đại… Vì thế, tuy không thuộc chuyên ngành văn nhưng ý kiến của nhiều sinh viên đưa ra từ các góc độ kinh tế, chính trị, lịch sử, triết học… khiến cho buổi thảo luận sôi nổi và thú vị.

Giáo sư cũng chia sẻ rất chân thành: chủ yếu mổ xẻ các khía cạnh mặt trái, mặt tối của văn hóa, chính trị, lịch sử Nhật Bản… những điều chỉ tồn tại ở chiều sâu văn bản hay ngoài văn bản và thường bị che khuất đằng sau những hình ảnh tốt đẹp, câu chuyện đẹp về văn hóa truyền thống Nhật Bản mà nhiều người vẫn biết. 
Từ đó, sinh viên có thể ghép các mảng kiến thức lại với nhau để có cái nhìn tổng thể về lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị, đạo đức, triết học, mỹ học, sân khấu nghệ thuật… của Nhật Bản hiện đại từ thời Minh Trị cho tới đương đại. 

Như vậy, có thể hiểu lý do vì sao nhiều sinh viên đăng ký học môn này, kể cả những chuyên ngành tưởng như không liên quan như kinh tế, chính trị, lịch sử… Ở Việt Nam, để làm được điều này thực sự rất khó. Cũng ít có sinh viên đang theo đuổi các chuyên ngành khác lại đăng ký học văn. Dù hiện tại, đào tạo tín chỉ ở đại học đã và đang cho phép sinh viên có cơ hội làm điều này. 

Nguyễn Bích Nhã Trúc 

Nghiên cứu sinh tại International Christian University, Tokyo, Nhật Bản 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI