Vì sao rau quả Trung Quốc đội lốt hàng trong nước ngay tại chợ đầu mối?

13/10/2022 - 16:25

PNO - Rau củ quả từ Đà Lạt, Lý Sơn... về các chợ đầu mối thiếu bao bì, nhãn mác, từ đó, các sản phẩm nhập khẩu có thể dễ dàng trà trộn.

Nhiều mặt hàng nấm bán tại chợ lẻ dạng hàng xá, không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. (Ảnh: Nguyễn Câm)
Nhiều mặt hàng nấm bán tại chợ lẻ dạng hàng xá, người tiêu dùng khó biết được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của hàng hóa - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Tại tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối - thương mại thực phẩm” do Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch tổ chức ngày 13/10, ông Nguyễn Bình Phương - Phó giám đốc kinh doanh, Công ty CP quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM) - cho biết, tất cả hàng hóa khi nhập chợ thương nhân đều phải đăng ký với ban quản lý (BQL) chợ. Tuy nhiên, đối với hàng Việt Nam thì thương nhân chỉ đăng ký tên hàng, xuất xứ nguồn gốc, xe chở từ đâu về, người cung cấp hàng... Nhưng trên thùng, rổ, bao bì hàng hóa không có tem nhãn, thông tin gì nên khi muốn truy xuất nguồn gốc của lô hàng rất khó.

Với thực tế này, khi khách muốn mua rau củ quả Đà Lạt cũng rất khó xác định có đúng hàng không, hay từ vùng trồng khác. Chỉ những người mua bán lâu năm có kinh nghiệm mới phân biệt được rau của quả từ nguồn nào.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch - từ thực tế chợ đầu mối Thủ Đức cho thấy phần lớn rau củ quả Trung Quốc vào chợ đều có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu. Trên bao bì hàng Trung Quốc có ghi tên nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, số điện thoại. Tuy nhiên, với rau củ quả Việt Nam thì hầu như bao bì không có thông tin nhãn mác, không biết hàng được nhập từ đâu, như vậy rất kiểm soát an toàn chất lượng. Đáng nói, 90% nấm, tỏi tại chợ là hàng Trung Quốc nhưng khi về chợ lẻ, thông tin nhãn mác sản phẩm đã được xóa trước khi bán cho người dùng.

“Nếu đơn vị sản xuất dán tem nhãn, thông tin lên thùng hàng thì rất tốt, cả cơ quan nhà nước và BQL chợ đều dễ quản lý. Để làm được điều này, cơ quan nhà nước phải có quy định cụ thể để thương nhân chấp hành. Việc ghi rõ thông tin lên hàng hóa nên được thực hiện tại vùng trồng chứ không phải hàng đến TPHCM mới dán tem nhãn để nhập chợ. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa để thông tin sản phẩm rõ ràng hơn, dễ cho người sử dụng”, ông Phương kiến nghị.

Ông Nguyễn Bình Phương nhìn nhận, sản lượng rau củ quả về chợ trung bình 1.300 tấn/đêm, do đó quy trình đảm bảo về chất lượng sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc tại vùng trồng là vấn đề rất lớn, không riêng chợ mà các cơ quan ban ngành của TP cũng phải tập trung vào việc này.

Hiện, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đang là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát rau củ quả nhập về các chợ đầu mối. Theo quy trình, chủ hàng khi nhập hàng phải đăng ký với BQL chợ về nguồn hàng, mã hàng, vùng vận chuyển đến, số điện thoại người cung cấp hàng, hàng sẽ được cung cấp vào ô vựa nào, số lượng bao nhiêu, ô vựa nhập hàng phải ghi chép nguồn gốc hàng hóa để làm bằng chứng khi Ban ATTP truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tuy nhiên, theo ông Phương, bất cập hiện nay là hàng nhập chợ chỉ sau 1 - 2 giờ đã tiêu thụ hết, trong khi lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm sau 3 - 5 ngày mới có kết quả. Lúc này, hàng đã đến tay người tiêu dùng và được sử dụng. Vấn đề là phải kiểm soát được an toàn chất lượng rau củ quả ngay tại vùng trồng.

Theo ông Lý Hoàng Hải - Giám đốc Công ty TNHH Eurofins Sắc ký Hải Đăng (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm, phân tích thực phẩm) - kiểm nghiệm mẫu (test) nhanh giúp phát hiện ra những dư lượng ở hàm lượng cao, còn dư lượng ở hàm lượng thấp thì test nhanh không phát hiện ngay lập tức mà phải đưa mẫu vào phòng thí nghiệm mới kiểm soát được.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh kiến nghị cần có quy định rau củ quả phải được đóng gói và trên bao bì ghi rõ ràng thông tin nhà sản xuất, giấy chứng nhận được cấp để BQL chợ đầu mối có thể kiểm soát được hàng hóa nhập chợ. Đồng thời, nên bắt buộc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, không chỉ trong trường hợp có sự cố xảy ra mới truy xuất nguồn gốc theo quy định hiện nay. Đặc biệt, rau củ quả ít nhất phải đạt chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI