Zuha Siddiqui đang thiết kế cho ngôi nhà mới của mình ở Karachi - thành phố đông dân nhất Pakistan. Cha mẹ cô sẽ sống ở tầng trệt “vì họ đã già và không muốn leo cầu thang” - cô nói.
|
Ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến người dân Nam Á trì hoãn sinh con. Trong ảnh: Người dân Bangladesh di chuyển qua vùng nước lũ bằng bè, ngày 26/6/2022 - Nguồn ảnh: Getty Images |
Siddiqui sẽ sống tại một không gian riêng biệt ở tầng trên và trang trí nội thất theo sở thích của cô. Siddiqui cảm thấy điều này quan trọng vì cô vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 và muốn có một nơi của riêng mình.
Siddiqui là một nhà báo tự do chuyên đưa tin về các chủ đề như công nghệ, biến đổi khí hậu và lao động ở Nam Á trong 5 năm qua. Hiện cô làm việc cho các ấn phẩm địa phương và quốc tế.
Bất chấp mọi dự định về một gia đình riêng, Siddiqui là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ trẻ ở Nam Á lựa chọn không sinh con.
Nhiều năm qua, tỉ lệ sinh giảm chủ yếu ở các nước phương Tây và Viễn Đông như Nhật Bản và Hàn Quốc. Và tại các quốc gia Nam Á, nơi tỉ lệ sinh nhìn chung vẫn ở mức cao, cuối cùng cũng đang có dấu hiệu tương tự.
Ayo Wahlberg - giáo sư Khoa Nhân chủng học tại Đại học Copenhagen - cho rằng nhìn chung, để thay thế và duy trì dân số hiện tại, cần có tỉ lệ sinh là 2,1 trẻ em/phụ nữ.
Theo ấn phẩm năm 2024 của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ so sánh tỉ lệ sinh trên thế giới, tại Ấn Độ, tỉ lệ sinh năm 1950 là 6,2 đã giảm mạnh chỉ còn hơn 2; dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,29 vào năm 2050 và chỉ còn 1,04 vào năm 2100. Tỉ lệ sinh ở Nepal hiện là 1,85; ở Bangladesh là 2,07.
Chi phí sinh hoạt tăng
Ở Pakistan, tỉ lệ sinh hiện vẫn cao hơn tỉ lệ sinh thay thế là 3,32 nhưng rõ ràng là những người trẻ ở đất nước này không tránh khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại.
Siddiqui cho biết: “Quyết định không sinh con của tôi hoàn toàn vì lý do tiền bạc”. Cô nói thêm: “Cha mẹ tôi thực sự không lập kế hoạch tài chính cho con cái”. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở một số bạn bè cô - những phụ nữ ở độ tuổi 30 quyết định không sinh con.
Theo phương tiện truyền thông địa phương, tuy lạm phát đã giảm nhưng chi phí sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng ở quốc gia Nam Á này (dù với tốc độ chậm hơn trước). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% vào tháng Tám sau khi tăng 2,1% vào tháng Bảy.
Giống như nhiều người trẻ ở Pakistan, Siddiqui rất lo lắng về tương lai và thường tự hỏi liệu cô có đủ khả năng chi trả cho mức sống khá hay không.
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Hầu hết các quốc gia Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, thiếu việc làm và nợ nước ngoài.
|
Trẻ em ngồi trên vòng xoay ngựa gỗ trong lễ hội Eid-al Fitr, tại Karachi vào ngày 23/4/2023 - Nguồn ảnh: Getty Images |
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đang diễn ra, các cặp đôi thấy rằng họ phải làm việc nhiều giờ hơn trước. Điều đó khiến họ không còn nhiều thời gian cho cuộc sống cá nhân hoặc dành thời gian cho con cái.
Một nghiên cứu về “vô sinh ngoài ý muốn” do nhà xã hội học Sharmila Rudrappa thực hiện (khảo sát những nhân viên công nghệ thông tin tại Hyderabad, Ấn Độ) được công bố vào năm 2022. Nghiên cứu xem xét việc các cá nhân có thể không bị vô sinh nhưng lại đưa ra quyết định dẫn đến vô sinh sau này do hoàn cảnh.
Những người được khảo sát cho biết họ “thiếu thời gian tập thể dục; thiếu thời gian nấu ăn và chủ yếu là thiếu thời gian cho các mối quan hệ. Công việc khiến họ kiệt sức, không có nhiều thời gian cho sự gần gũi về mặt xã hội hoặc tình dục”.
Mehreen - 33 tuổi, ở Karachi - đồng cảm sâu sắc với điều này. Cô sống với chồng, cha mẹ chồng và ông bà đã lớn tuổi.
Vợ chồng Mehreen đều làm việc toàn thời gian và đang phân vân về việc nên có con hay không. Về mặt tình cảm, họ nói rằng muốn có con. Về mặt lý trí, đó lại là câu chuyện khác.
Mehreen - đang làm việc tại một công ty đa quốc gia - chia sẻ: “Tôi cảm thấy thế hệ trước xem chi phí nuôi dạy con cái là khoản đầu tư cho đứa trẻ. Cá nhân tôi không nhìn nhận theo cách đó” và nói thêm rằng nhiều người thuộc thế hệ trước xem việc có con là cách để đảm bảo an ninh tài chính cho bản thân trong tương lai bởi con cái được kỳ vọng sẽ chu cấp cho cha mẹ khi về già. Cô cho rằng điều đó sẽ không hiệu quả với thế hệ của cô, nhất là trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay.
Tăng thêm lý do không sinh con
Trong tập tiểu luận Apocalypse Babies (tạm dịch: Những đứa trẻ ngày tận thế), tác giả và giáo viên người Pakistan Sarah Elahi ghi lại những khó khăn của cha mẹ hiện nay khi trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu.
|
Một phụ nữ đang được chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ hướng dẫn về kỹ thuật cho con bú đúng cách - Nguồn ảnh: UNICEF |
Sarah Elahi viết về việc biến đổi khí hậu là một vấn đề bị che giấu trong suốt thời thơ ấu của cô ở Pakistan. Tuy nhiên, với nhiệt độ toàn cầu tăng cao như hiện nay, cô nhận thấy con cái và học sinh của mình ngày càng phải sống trong “nỗi lo lắng do con người gây ra”.
Các chuyên gia và tổ chức bao gồm Save the Children cho biết, từ sự gia tăng nhiễu loạn của các chuyến bay đến những đợt nắng nóng thiêu đốt và lũ lụt chết người, những tác động tàn phá của môi trường khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn trong những năm tới.
Siddiqui nhận ra rằng việc có con là không khả thi khi cô đang đưa tin về môi trường. Một số nhà văn và nhà nghiên cứu, bao gồm những người có liên hệ với tổ chức nghiên cứu Atlantic Council của Mỹ và University College London (UCL), đều đồng ý rằng Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Theo một đánh giá được nhóm nghiên cứu môi trường tại Đại học Hoàng gia London công bố vào tháng 4/2023, chất lượng không khí kém ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe con người. Đánh giá chỉ ra rằng khi phụ nữ mang thai hít phải không khí ô nhiễm có thể cản trở sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, nó còn liên quan đến tình trạng trẻ nhẹ cân khi sinh, sẩy thai và thai chết lưu. Đối với những phụ nữ trẻ như Siddiqui và Mehreen, tất cả điều này chỉ góp phần tăng thêm lý do để không sinh con.
Nỗi sợ cô đơn
Siddiqui đã xây dựng cho mình một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ gồm những người bạn chia sẻ các giá trị của cô. Đó là một người bạn thân nhất từ lớp Chín, bạn cùng phòng thời đại học và một số người có mối quan hệ thân thiết trong những năm gần đây. Cô nói nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cô sẽ được sống trong một cộng đồng cùng bạn bè.
Tuy nhiên, nỗi sợ cô đơn trong tương lai đôi khi vẫn len lỏi vào tâm trí Siddiqui. Một lần, trong quán cà phê, Siddiqui và 2 người bạn - những phụ nữ ngoài 30 tuổi, cũng không muốn có con - tâm sự về nỗi sợ phải chết trong cô đơn. “Đó là điều khiến tôi khá đau khổ” - Siddiqui nói với bạn bè.
Nhưng bây giờ, Siddiqui đã gạt bỏ suy nghĩ đó và cho rằng đây chỉ là nỗi sợ vô nghĩa. “Tôi không muốn sinh con chỉ để có người chăm sóc khi tôi 95 tuổi. Tôi nghĩ điều đó thật nực cười” - cô bày tỏ.
Hà Thụy