Vì sao phim truyền hình tràn ngập bi kịch, nghịch cảnh?

13/11/2022 - 07:58

PNO - “Đặc sản” phim truyền hình là những tình tiết kịch tính để níu chân khán giả. Có điều, xu hướng đẩy kịch tính hiện nay đều chỉ dựa trên những yếu tố bi kịch, nên khiến người xem thấy mệt mỏi. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Không bi kịch không thành phim Việt

Chỉ mới lên sóng hai tập đầu, bộ phim Mẹ rơm đã gây tranh cãi vì cảnh quay Khoản - anh trai của Loan - suýt cưỡng bức Loan. Với một tác phẩm phát trên sóng quốc gia, hẳn tình tiết này đã được nhà đài kiểm duyệt kỹ và có lý do hợp lý, chưa kể phim còn tận 50 tập nữa (dự kiến), nhưng người xem vẫn thấy sốc.

Phim Hành trình công lý vừa mở màn đã cho nhân vật chính ngập trong những tình huống kịch tính: ngoại tình, ly thân, vỡ nợ
Phim Hành trình công lý vừa mở màn đã cho nhân vật chính ngập trong những tình huống kịch tính: ngoại tình, ly thân, vỡ nợ

Một phim khác cũng chiếu giờ vàng là Hành trình công lý cũng lắm bi kịch, éo le. Mở đầu phim, nam chính đã vướng vào bê bối bị tung clip sex với người tình. Nữ chính ngập trong đau khổ khi chồng ngoại tình, vỡ nợ, con cái bệnh tật. Phim Thông gia ngõ hẹp đang phát làm người xem mệt mỏi với mâu thuẫn kéo dài giữa hai ông thông gia, giữa mẹ chồng - nàng dâu. 

Bạo lực, cưỡng bức, ngoại tình, chửa hoang, vỡ nợ, đánh ghen, xung đột nhà chồng - con dâu… là những tình huống không thể thiếu trong các phim truyền hình hiện nay. Công bằng nhìn nhận, phim truyền hình Việt ngày càng tiến bộ hơn ở việc biết cách cài cắm, phát triển tình tiết sao cho cuốn hút người xem. Tuy nhiên, việc lạm dụng bi kịch, đặt ra hàng loạt nghịch cảnh cho nhân vật nhằm dồn dập tạo cao trào đôi khi gây ra hiệu ứng ngược. Nỗ lực “ghi điểm” thành ra “mất điểm”, vì món ngon ăn nhiều cũng ngán.

Lý giải về việc phim Việt ưa khai thác bi kịch, biên kịch Ngọc Bích (phim Mẹ rơm) cho rằng: “Drama được hiểu là những mâu thuẫn, va chạm giữa những mối quan hệ. Tâm lý khán giả hay tò mò trước những vấn đề tiêu cực, mang màu sắc u tối nên phim không có kịch tính dễ bị chê nhạt. Biên kịch khi xây dựng câu chuyện, đề tài, ai cũng muốn có số phận, có bi kịch, nhưng không phải ai cũng cố tình đẩy đến mức quá liều. Khán giả cảm nhận phim tham drama cũng có thể còn do cách dựng, cách kể của đạo diễn. Những điều tiêu cực tạo nên kịch tính còn những điều tích cực tạo ra cảm xúc. Một bộ phim nên cần cả hai điều đó”.

Biên kịch Ngọc Khanh có góc nhìn khác: “Chi phí sản xuất phim truyền hình thấp, khó đầu tư cho phần nhìn để có yếu tố khác tạo cảm xúc cho người xem, nên chỉ biết tập trung vào phần nội dung. Phải làm sao để có cái cho khán giả coi, muốn vậy phải có chuyện, một phân đoạn cũng phải có chuyện. Drama theo tôi đơn giản chỉ là chuyện”.

Trailer phim Hành trình công lý:

 

 Vấn đề nằm ở tay nghề

Không ai muốn theo dõi một bộ phim nhạt nhẽo, nghèo nàn tình tiết, nhưng cũng không ai hào hứng với một bộ phim tham lam kéo dài tình tiết, dồn ép nhân vật đến bước đường cùng. Việc lạm dụng bi kịch còn dẫn đến hệ quả là phim bị “đầu voi đuôi chuột”, giải quyết tình huống không đến nơi đến chốn. Từ độ dài phổ biến là 30-40 tập, số tập phim truyền hình Việt ngày càng kéo giãn lên 60-70 tập, thậm chí hơn trăm tập, khiến người xem ngán ngẩm. Lượng phim phong phú, nhưng phim nào cũng có chung công thức tạo cao trào bằng chuyện ngoại tình, "tiểu tam", cảnh nóng, cưỡng bức, đánh nhau, xung đột mẹ chồng - nàng dâu, mẹ kế - con riêng.

Chia sẻ về hạn chế của kịch bản phim Việt, đạo diễn Võ Thạch Thảo nói: “Kịch bản Việt bị dàn trải, chưa biết cách phát triển vấn đề, hoặc đi sâu vào hành trình của nhân vật, nhân vật chưa có cá tính rõ nét. Những điều này kịch bản Hàn làm tốt, nên đây cũng là lý do nở rộ phim remake Hàn. Kịch bản Hàn có cấu trúc chắc chắn, hệ thống nhân vật xuất sắc, gần gũi, có sức sống mạnh mẽ”.

Biên kịch Ngọc Khanh đồng tình: “Xây dựng phim theo cấu trúc ba hồi là cái cơ bản để thu hút khán giả. Phim Việt làm được điều đó, nhưng kịch bản thiếu những chi tiết tinh tế”. Hạn chế này theo người trong cuộc là nằm ở tay nghề.

Phim Mẹ rơm
Phim Mẹ rơm gây tranh cãi chỉ sau 2 tập

Biên kịch Ngọc Khanh cho biết: “Phim truyền hình Việt phát triển muộn, hệ thống đào tạo biên kịch chưa tốt, nên các biên kịch phải vừa làm vừa học thêm. Quá trình làm phim remake cũng là một cách học hỏi hữu ích. Xem phim nước ngoài, tôi nhận thấy cách đẩy kịch tính của họ đôi khi đơn giản chỉ nằm ở việc sắp xếp tình huống, câu chuyện chứ không nhất thiết lấy bi kịch để tạo ra. Cách cài đặt, cách xử lý một việc bình thường thành “chuyện” thuộc về kỹ năng, kinh nghiệm”.

Có thể thấy rằng trước sự lạm dụng yếu tố bi trong phim truyền hình, không ít khán giả ao ước phim Việt có những tác phẩm “chữa lành”. Tuy nhiên điều này khá khó. Theo biên kịch Ngọc Bích: “Dòng phim này cũng sẽ có những bi kịch, đổ vỡ, nhưng quan trọng là cách chữa lành thế nào. Muốn làm được vậy, các xung đột phải được biên kịch giải quyết thấu đáo. Điều này đòi hỏi tay nghề, trải nghiệm, bản lĩnh của người viết. Tuy vậy, những phim dạng này nhà sản xuất cũng e dè làm, vì cảm giác phim nhẹ đô quá, khó thu hút người xem”. 

Kịch tính là thứ cần thiết lôi cuốn khán giả đi đến cuối phim. Nhưng việc tạo kịch tính sao cho ấn tượng, không khiến người xem cảm thấy quá lố là bí quyết của người làm phim. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI