Vì sao phim cung đấu không bao giờ giảm nhiệt?

16/09/2018 - 11:40

PNO - Chuyện phi tần tranh sủng chốn hậu cung, dù đã có rất nhiều phim, mỗi lần tác phẩm mới xuất hiện, sự quan tâm của khán giả vẫn không hề giảm nhiệt. Đâu là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn này?

Từ Thâm cung nội chiến, Vạn phụng chi vương, Cung tâm kế, Khuynh thế hoàng phi, Mỵ Nguyệt truyện… đỉnh cao là Chân Hoàn truyện, vẫn tưởng dòng phim cung đấu đã đến giai đoạn bão hòa. Thế nhưng, khi Diên Hi công lược (một bộ phim thần tượng ẩn mác “cung đấu”) gây bão trên mạng xã hội và hiện tại là Như Ý truyện, phim cung đấu vẫn không ngừng thu hút khán giả, không chỉ riêng tại Trung Quốc.

Ngoài tỉ suất người xem không ngừng tăng, đánh giá tích cực của khán giả trên các trang phim thì sức hút mãnh liệt này còn thể hiện qua các trào lưu, sản phẩm ăn theo trên mạng xã hội, từ ảnh chế hài hước, “truy lùng” nhân vật trong phim dùng son hiệu gì, dòng nước hoa tương ứng với tính cách các phi tần… cho đến việc buôn bán các sản phẩm có liên quan đến các nhân vật, đồ vật trong phim.

Các diễn viên trong phim cũng nhanh chóng trở thành sao hạng A, được các đơn vị truyền thông, quảng cáo săn đón. Người chưa nổi tiếng được chú ý, ưu ái. Người đã là sao càng thêm được yêu mến.

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Diên Hi công lược - bộ phim được giới trẻ yêu thích trong thời gian gần đây

Tại Việt Nam, bên cạnh HTV7 mua bản quyền truyền hình của hai bộ phim đình đám gần đây là Diên Hi công lượcNhư Ý truyện thì Kỳ án cung Diên Thọ, một sản phẩm phát hành trên YouTube, được đánh giá là nhanh chóng bắt “trend” Diên Hi cũng chiếm được tình cảm của khán giả khi lọt vào top 42 “trending” của YouTube, sở hữu hơn 1 triệu lượt xem sau ngày đầu ra mắt.

1. Đưa những nhân vật lịch sử trở lại sống động trên màn ảnh

Chuyện phi tần tranh sủng, ngấm ngầm đấu đá, cấu kết chốn hậu cung để giành quyền lực cho bản thân, củng cố vị trí cho con cái và gia tộc là chuyện "xưa như trái đất". Thế nhưng, mỗi bộ phim đều có góc nhìn của riêng biên kịch. Tất cả đều được lý giải, sáng tạo dựa trên góc nhìn này và hết sức thuyết phục, khiến người xem đồng cảm hoặc căm ghét một nhân vật nào đó trong phim.

Với khán giả, phim cung đấu đã làm được một điều mà những bài học lịch sử khô cứng không làm được: đưa những con người đã sống cách đây một hoặc vài thế kỷ trở lại. Họ đi đứng, nói cười, cũng có những nỗi niềm, lo lắng riêng, hỷ nộ ái ố riêng, những toan tính, ích kỷ riêng… Còn gì tuyệt vời bằng việc thỏa mãn trí tò mò khi được chứng kiến những ông hoàng bà chúa đã sống, sinh hoạt, yêu thương và đã chết như thế nào trong những thời đại đã qua?

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Phim cung đấu thỏa mãn sự tò mò của người xem khi tái hiện đời sống ngày xưa của những ông hoàng, bà chúa (Ảnh trong phim Như Ý truyện khi Càn Long mới đăng cơ)

Hơn thế nữa, phim cung đấu còn lý giải những uẩn khúc lịch sử dựa trên thế giới quan của người viết truyện - điều chính sử không ghi chép cụ thể - mà vẫn không làm sai lệch kết quả của lịch sử. Có thể đem so sánh hình ảnh Nhàn Quý phi và Lệnh phi trong Diên Hi công lượcNhư Ý truyện. Chính sử Trung Quốc chỉ chép Nhàn Quý phi khi ấy đã là kế Hoàng hậu vì cắt tóc, một trong những điều tối kỵ dưới triều Thanh nên bị vua Càn Long đày vào lãnh cung, một năm sau thì mất, nhưng không ghi rõ vì sao kế Hậu lại có hành động như trên.

Mỗi bộ phim, mỗi cách nhìn, lý giải khác nhau, nhưng tựu trung đều đáp ứng được trí tò mò của khán giả một cách thuyết phục.

2. Bối cảnh, phục trang được chăm chút kỹ lưỡng

Yếu tố thứ 2 khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình chính là việc nhà làm phim hết sức chú trọng vào phần nhìn - cụ thể ở đây là bối cảnh, phục trang cho phim. Từ quần áo, đầu tóc, trang sức, cách trang điểm, họa tiết, hoa văn trên quần áo cho đến bàn ghế, món ăn, cách bài trí trong cung…

Vua mặc thế nào, Hoàng hậu mặc ra sao, phục sức thế nào, phi tần thì khác gì, cung nữ, thái giám, thị vệ… có gì khác. Rộng hơn nữa là cách hành lễ, quy tắc ứng xử trong cung. Tất cả đều được chú ý đến từng chi tiết nhằm chuyển tải không gian văn hóa của thời đại nhân vật đang sống, cũng như sự giàu có, uy quyền của vương triều mà vẫn thể hiện được tính cách của nhân vật qua các giai đoạn.

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Thuyền rồng dù xuất hiện ít cũng được đoàn phim Như Ý truyện đầu tư công phu, tỉ mỉ, thay vì dùng thuyền có sẵn

Chẳng hạn một chiếc quạt của các phi tần trong Diên Hi công lược được áp dụng kỹ thuât dệt “kesi”, chứa đựng không chỉ tinh hoa của nghề dệt Tô Châu mà còn chứa đựng sự phát triển của nghề làm quạt, từ hình dáng tròn phổ biến, đơn giản ban đầu ở thời nhà Tống dần thành món “phụ kiện” chốn hậu cung với đủ hình dáng: trái xoan, hoa hướng dương, hoa mận… Cán quạt làm bằng ngà, xương động vật, khảm thêm ngọc bích trang trí được khắc tinh xảo.

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Món ăn dù chính...
Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
...hay món tráng miệng cũng đều được chăm chút

Trong khi đó, đoàn phim Như Ý truyện, có nhiều đại cảnh được dàn dựng công phu, gìn giữ văn hóa truyền thống và làm nổi bật không gian kỳ vĩ, quyền lực nhưng lạnh lẽo của Tử Cấm Thành, như khung cảnh tang lễ của vua Ung Chính, lễ đăng cơ của vua Càn Long...

Trang QQ cho hay, mọi đạo cụ trong phim, nhỏ nhất là đồ bảo vệ móng tay của phi tần, lớn hơn có ngai vàng của nhà vua đều được chuẩn bị tỉ mỉ. Trong đó, đắt đỏ nhất là du thuyền của nhà vua, trị giá 2,4 triệu NDT (hơn 8 tỷ đồng).

Cảnh quay Càn Long dùng thuyền đưa dàn phi tần ngao du sơn thủy chỉ chiếm thời lượng ngắn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng thuyền gỗ có sẵn, đoàn làm phim chi số tiền lớn, thuê thợ đóng riêng một chiếc thuyền dài 20m, rộng 5,3m, khoang thuyền được chia làm nhiều khu vực. Vì thuyền rất nặng, tổ thiết kế phải sử dụng cần cẩu để vận chuyển thuyền xuống sông.

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Trang phục không chỉ đẹp mà còn phải đúng và phù hợp với tính cách nhân vật
Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Đại cảnh lập hậu của Như Ý truyện quy tụ dàn diễn viên quần chúng hùng hậu, tạo cảm giác chân thực, cũng như chuyển tải được sự giàu mạnh của triều đại nhà Thanh dưới thời Càn Long

Phần trang phục cũng được đầu tư không kém. Diễn viên Châu Tấn, trong lần đoàn phim ra mắt, cho biết: vì quá yêu thích trang phục của Nhàn Quý phi, cô đã xin đoàn phim giữ lại đến 90% trang phục của nhân vật này khi phim quay xong. Không dừng lại ở đó, 18 chuyên gia ẩm thực cũng đã được huy động để làm những món từ chính truyền thống đến món tráng miệng cho phim và chỉ làm cách lúc quay 15 phút để đảm bảo sự tươi mới, ngon lành khi lên hình.

3. Những màn đấu trí ngầm gay cấn, hấp dẫn

Sự kịch tính của phim cung đấu dĩ nhiên nằm ở phần đấu trí ngầm thông minh và cũng hết sức thâm độc giữa các phi tần. Trong phim cung đấu, bất kể là ai, ở vị trí nào cũng đều có tâm cơ riêng, vì quyền lợi riêng. Tình cảm trở thành thứ hiếm hoi đáng quý, và cũng đôi khi, trở thành điểm yếu khiến nhân vật bị liên lụy.

Vua đa nghi, đề phòng các phi tần, phi tần bằng mặt không bằng lòng, tranh sủng và quyết lòng mưu hại nhau bằng đủ phương nghìn kể, từ trực diện như đốt cung, thả rắn… cho đến đầu độc từ từ qua các loại hương liệu, thuốc uống…

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Màn đấu trí của các phi tần trong cung làm nên sức hút của phim cung đấu

Điều thú vị nằm ở chỗ, những màn đấu trí này khán giả biết, nhưng nhân vật trong cung thì không, tạo nên sự dẫn dắt hết tập này qua tập khác, một khi đã xem thì không dứt ra được, do xuất phát từ tâm lý không biết nhân vật họ yêu thích sẽ thế nào sau màn hãm hại, còn người mưu hại đến khi nào bị phát hiện và phải trả giá.

Sự tài tình của biên kịch nằm ở chỗ khéo giấu những quan hệ phức tạp mà chỉ khi kiên nhẫn xem mới có thể phát hiện. Kịch tính tăng dần, càng xem càng thuyết phục. Người hiền lành, hay bị ức hiếp bao giờ cũng là người tâm cơ nhất phim. Và khi nhân vật này “thức tỉnh”, trở cờ thì khán giả đều cảm thấy hả lòng hả dạ.

Ngay cả cái ác trong phim cũng được đa dạng hóa, kẻ thể hiện ngay ngoài mặt, bị người khác giật dây, kẻ âm thầm đứng trong bóng tối. Có kẻ ác chết trong sự xót xa, thương cảm, nhưng cũng có kẻ ác chết trong sự hả hê của người xem. Hoa phi, Tuệ Quý phi trong Chân Hoàn truyện, Như Ý truyện là trường hợp thứ nhất. An Lăng Dung, A Nhược, Gia Quý phi là trường hợp thứ hai.

4. Quy tụ dàn diễn viên đình đám, diễn xuất thuyết phục

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Tưởng Hân đã khắc họa thành công vai Niên Thế Lan, Hoa phi kiêu kỳ, cay độc nhưng có đôi mắt đượm buồn và dành trọn tình yêu cho vua Ung Chính

Trần Kiến Bân, Thái Thiếu Phấn, Tôn Lệ, Tưởng Hân, Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Đổng Khiết, Trương Quân Ninh… đều là những gương mặt đình đám của làng giải trí Hoa ngữ và ít nhiều để lại dấu ấn trong lòng khán giả nhờ diễn xuất thực lực trong những bộ phim trước đó. Việc những ngôi sao này nhận lời tham gia vào một dự án cung đấu truyền hình dài tập cho thấy sức hút của kịch bản phim, đồng thời tăng thêm giá trị cho bộ phim. Và rõ ràng, họ đã không làm khán giả thất vọng.

Nếu như Trần Kiến Bân trở thành một Ung Chính đa nghi, khó lòng vượt qua cho dàn diễn viên sau này thì Tôn Lệ, Tưởng Hân, Châu Tấn cũng đã khắc họa thành công hình ảnh của những người phụ nữ quyền lực bậc nhất chốn hậu cung. Mỗi người một dấu ấn, khó nhầm lẫn và cũng khó thay thế.

5. Những bài học thực tế từ phim

Vi sao phim cung dau khong bao gio giam nhiet?
Dù là phim hay đời thực thì chân tình là món quà quý giá người ta mãi kiếm tìm

Xem cung đấu, ngẫm chuyện ngày nay là điều không ít khán giả tâm đắc khi áp dụng vào cuộc sống hoặc nơi công sở. Tùy theo tính cách của từng người sẽ rút ra những bài học cho riêng mình. Nói ít làm nhiều thay vì khoa chân múa tay, luôn phát triển tài năng, bỏ ngoài tai những đố kỵ, cách ứng xử với những đồng nghiệp chỉ giỏi tranh công và đùn đẩy công việc, biết nhu biết cương đúng lúc… Những điều này, ngẫm ra chưa bao giờ là cũ.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI