Vì sao phim “Cậu Vàng” bị khán giả tẩy chay?

13/01/2021 - 09:06

PNO - Ngay cả khi bỏ qua những tranh cãi bên lề, bộ phim “Cậu Vàng” vẫn là một tác phẩm điện ảnh thiếu thuyết phục và non kém về nhiều mặt.

Trước làn sóng "tẩy chay" của khán giả, bộ phim Cậu Vàng (đạo diễn Trần Vũ Thủy) đang chật vật để trụ rạp dù mới công chiếu chính thức được 4 ngày. Bên cạnh cuộc khủng hoảng truyền thông không đáng có, phim còn gây tiếc nuối khi chưa khai thác được chiều sâu của một tác phẩm văn chương tầm cỡ.

Cải biên không hợp lý, tuyến nhân vật lộn xộn

Ngay từ ấn tượng đầu tiên, Cậu Vàng đã cho thấy sự lúng túng trong việc tái hiện không khí thời đại. Bối cảnh của phim là một làng quê tươi đẹp, trù phú, với cánh đồng hoa cải vàng rực, con sông uốn lượn và những nếp nhà tươm tất thanh bần - hoàn toàn “lệch tông” với sự nghèo đói, tiêu điều ở vùng nông thôn miền Bắc trước năm 1945. Bởi vậy, những góc máy được chăm chút, sắp đặt kỹ lưỡng của phim không tạo ra ấn tượng thị giác, mà “phủ đầu” người xem bằng cảm giác lạ lẫm, như thể trên màn hình là một vùng đất cổ tích yên bình đến phi thực.

Với bối cảnh đó, rất khó để kể một câu chuyện thuyết phục về bi kịch của người nông dân. Thử hỏi, trong thời kỳ mà con người quằn quại vì cái đói, ai sẽ có điều kiện thưởng thức nghệ thuật - ở đây là múa lân và múa rối nước, như phim mô tả? Tận dụng phim ảnh để quảng bá văn hóa truyền thống là việc làm đáng khích lệ, nhưng ở trường hợp này lại trở nên gượng ép, thiếu chân thực.

Những khung hình tươi sáng của Cậu Vàng gây tranh cãi
Những khung hình tươi sáng của Cậu Vàng gây tranh cãi

Bên cạnh đó, Cậu Vàng cũng không thành công trong việc cải biên nguyên tác của cố nhà văn Nam Cao. Việc thêm thắt nhiều tuyến truyện và nhân vật không đem lại hơi thở mới cho tác phẩm, mà khiến bộ phim trở nên chắp vá, lộn xộn, càng lúc càng xa rời tinh thần nguyên tác.

Với những sáng tác tiêu biểu như Lão Hạc, Chí Phèo, Sống mòn, Đời thừa, Một bữa no…, sự bế tắc tột cùng của người nông dân nghèo và người trí thức trước Cách mạng tháng Tám luôn là dòng chảy chủ đạo trong văn chương Nam Cao. Ở đó, bi kịch lớn nhất không phải nghèo đói, mà là trở nên tha hóa và đánh mất nhân tính, tự tôn trước miếng ăn. Bộ phim của đạo diễn Trần Vũ Thủy gần như chưa nắm bắt được yếu tố này, mà mới chỉ khắc họa sự thiếu thốn, đói khổ của con người trên bề mặt.

Theo nguyên tác Lão Hạc, sức nặng của câu chuyện nằm ở sự dằn vặt lương tâm của ông lão khi phải bán cậu Vàng vì nghèo đói. Thế nhưng trong phim, yếu tố này được triển khai một cách hời hợt, nhường chỗ cho “cuộc chiến” bảo vệ khu vườn trước ý muốn chiếm đoạt của gia đình Bá Kiến. Với mô-típ cũ kỹ về cái thiện chiến thắng cái ác, bộ phim đã giản lược hóa đáng kể sự phức tạp và đặc sắc của văn chương hiện thực Nam Cao - thứ văn chương xoáy sâu vào sự cùng quẫn của con người trong một thời đại tăm tối.

Quan trọng hơn, mạch truyện mới này còn tước đi bi kịch cốt lõi của nhân vật. Tại sao lão Hạc phải rứt ruột bán chó và tự sát vì bế tắc, trong khi ông hoàn toàn có thể nhận số tiền mà Bá Kiến trả cho mảnh đất của mình? Sự bất hợp lý trong suy nghĩ, hành xử của lão Hạc khiến bộ phim kém thuyết phục, bất chấp diễn xuất vững chắc và giàu cảm xúc của nghệ sĩ gạo cội Viết Liên.

Cùng với đó, những xung đột giai cấp mà phim mô tả không đủ dữ dội, thậm chí có phần ngô nghê. Hai kẻ thuộc tầng lớp thống trị ở làng Vũ Đại là Bá Kiến và Lý Cường đều chưa đạt đến sự tàn độc, nham hiểm như trong nguyên tác Chí Phèo, đặc biệt là Bá Kiến. Cách khai thác của phim tạo cảm giác chúng không có quyền lực gì ghê gớm, khi loay hoay mãi mà không chiếm được mảnh vườn của lão Hạc. Trong một số phân đoạn, hai nhân vật này còn có vẻ nhún nhường, yếm thế trước người nông dân nghèo, như cảnh Bá Kiến bị lão Hạc đẩy suýt ngã xuống sông, hay Lý Cường không dám đột nhập vào vườn nhà lão Hạc vì sợ…cậu Vàng.

Bộ phim đem đến cảm giác rời rạc, dàn trải khi khai thác quá nhiều tuyến truyện
Bộ phim đem đến cảm giác rời rạc, dàn trải khi khai thác quá nhiều tuyến truyện

Mặt khác, cách xây dựng nhân vật của Cậu Vàng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu. Phim đắp thêm tính cách cho một số tuyến phụ (như bà Ba, Binh Tư…), nhưng nhân vật đóng vai trò quan trọng là ông giáo lại được khai thác tương đối hời hợt. Trong nguyên tác, câu chuyện được kể dưới góc nhìn của ông giáo, từ đó rút ra những trăn trở, dằn vặt về sự tha hóa, ích kỷ của con người khi “sống mòn” trong đói khổ. Thế nhưng khi lên phim, nhân vật này xuất hiện rất ít và có vai trò mờ nhạt, chỉ nói vài câu triết lý mang màu sắc minh họa.

Những tuyến truyện còn lại trong phim như chuyện gia đình Bá Kiến, cuộc trùng phùng của bà Ba với người yêu cũ, chuyện tình của Cò (con trai lão Hạc) và Cải cũng tạo cảm giác sáo mòn, có phần khiên cưỡng khi đặt trong tổng thể tác phẩm. Với thời lượng chỉ hơn 90 phút, việc “nhồi nhét” tình tiết khiến phim trở nên lan man, dàn trải, thiếu trọng tâm để theo dõi.

Điểm sáng hiếm hoi của Cậu Vàng là dàn diễn viên thực lực, biểu đạt được nhiều sắc thái tâm lý của nhân vật. Không chỉ các nghệ sĩ gạo cội (nghệ sĩ Viết Liên, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Chiều Xuân) hoàn thành tốt vai diễn, mà những gương mặt trẻ như Băng Di, Will, Thanh Bình cũng có lối diễn xuất tự nhiên, tương đối nhập tâm. Tuy nhiên, những hạn chế đáng tiếc về nội dung, logic của bộ phim khiến cho họ khó có cơ hội đem đến những màn trình diễn xuất sắc.

Trailer phim Cậu vàng:

 

 

 

Ở thời điểm hiện tại, rất khó để có cái nhìn lạc quan về tương lai của Cậu Vàng, khi những tranh cãi trên mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thế nhưng, ở một góc độ khác, trường hợp của bộ phim là minh chứng cho thấy khán giả trong nước đã không còn dễ dãi với điện ảnh. Điều này đòi hỏi nhà làm phim phải có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, đồng thời hướng tới công chúng bằng thái độ cầu thị để tránh những lùm xùm không đáng có.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI