Vì sao phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới có thể ghép phổi?

19/05/2020 - 19:21

PNO - Dù phổi của phi công Vietnam Airlines đang có dấu hiệu tiến triển, song nếu thuận lợi, các chuyên gia khẳng định cũng phải đợi ít nhất 1 tháng nữa mới có thể tiến hành ghép phổi.

Hội đồng chuyên môn
Hội chẩn liên viện trực tuyến để đánh giá trình trạng của bệnh nhân 91, chiều 19/5

Chiều 19/5, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc hội chẩn liên viện đối với bệnh nhân thứ 91 (43 tuổi, phi công của Vietnam Airlines) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thông tin: nếu vào ngày 13/5, kết quả chụp CT phổi cho thấy toàn bộ 2 lá phổi của bệnh nhân đã xơ hóa đông đặc, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động thì lần này tiến triển hơn. Kết quả chụp CT mới đây ghi nhận phổi của phi công người Anh đã cải thiện được 20% - 30%. 

Cụ thể, phổi phải xẹp thùy giữa dưới, còn ít dịch vùng nách, không tràn khí; còn phổi bên trái nở nhiều, hết xẹp. 

Hiện nam bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi có cải thiện nhưng vẫn đông đặc, xơ hóa, tiên lượng còn nặng. 

Các chuyên gia đều khẳng định, phương pháp tối ưu hiện nay để cứu sống bệnh nhân này là ghép phổi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là thể trạng của bệnh nhân vẫn yếu và nhiễm trùng đa tạng... Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thần kinh, giảm dần thuốc kháng sinh, cải thiện tình trạng hôn mê cho bệnh nhân.

Bên cạnh sức khỏe của bệnh nhân 91, việc ghép phổi còn liên quan đến các điều kiện về pháp lý, nguồn hiến tạng, tài chính.

Phân tích về khả năng ghép tạng cho bệnh nhân 91, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 - cho biết, Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống ghép tạng trên cả nước để tìm kiếm phổi phù hợp cho bệnh nhân. Nguồn phổi hiến phải lấy từ người cho chết não.

Mặt khác, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chưa liên lạc được với người thân của bệnh nhân 91 nên về thủ tục để tiến hành ca ghép tạng (nếu cần) vẫn chưa có hướng giải quyết.

Về mặt tài chính, chi phí cho một ca ghép phổi ở Việt Nam vào khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng. Sau khi bệnh nhân được ghép xong, các điều kiện về chăm sóc, điều trị, hồi sức... đều phải đảm bảo và phải có người bảo hộ, giám hộ. Các chi phí sẽ tiếp tục phát sinh tùy vào sức khỏe bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. 

Liên quan đến kinh phí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện một số nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị và ghép phổi cho bệnh nhân này.

Trong trường hợp sức khỏe bệnh nhân thứ 91 diễn biến thuận lợi, cũng cần ít nhất 1 tháng nữa để chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết cho việc ghép phổi.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI