Vì sao ông Lê Thanh Thản chỉ bị truy tố tội "lừa dối" chứ không phải "lừa đảo" khách hàng?

24/04/2023 - 10:50

PNO - Với việc bị truy tố về tội lừa dối khách hàng, ông Lê Thanh Thản có thể phải đối diện với khung hình phạt từ 1-5 năm tù.

VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng vụ án lừa dối khách hàng liên quan tới dự án CT6 Kiến Hưng (địa chỉ tại quận Hà Đông, Hà Nội).

Bị can Lê Thanh Thản (sinh năm 1950, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) bị truy tố về tội lừa đối khách hàng, theo điểm d khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.

Truy tố các bị can: Đỗ Văn Hưng (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng (cùng là cựu Phó chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Nguyễn Văn Năm (cựu Chánh thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu Phó Chánh thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cựu cán bộ thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, ông Lê Thanh Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 481 tỉ đồng.

Xoay quanh câu chuyện trên, rất nhiều bạn đọc băn khoăn, đặt câu hỏi: Tại sao ông Lê Thanh Thản không bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Ông Lê Thanh Thản bị truy tố tội lừa dối khách hàng. Ảnh: NĐT
Ông Lê Thanh Thản bị truy tố tội lừa dối khách hàng - Ảnh: NĐT

Trao đổi với PV về vấn đề này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Lừa dối” và “lừa đảo” là hai khái niệm khác nhau. Trong đó khái niệm "lừa dối" khác về tính chất và ít nguy hiểm hơn khái niệm "lừa đảo", hậu quả pháp lý của hai hành vi này cũng khác nhau.

Theo mô tả trong Bộ luật dân sự và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi lừa dối khách hàng diễn ra trong quá trình cung ứng dịch vụ, mua bán hàng hóa và có thể khách hàng không biết mình bị lừa dối, họ vẫn nhận được quyền lợi nhưng thấp hơn giá trị đáng ra được hưởng từ giao dịch. Hành vi lừa dối khách hàng gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng nên đây là một trong những yếu tố làm cho hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đó vô hiệu. Khi bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù (mức cao nhất là 500 triệu đồng, 5 năm tù).

Còn “lừa đảo” là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể xảy ra trong quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Các giao dịch phát sinh yếu tố lừa đảo thường là các giao dịch mà bên mua không nhận được tài sản, không được đảm bảo một chút quyền lợi nào và mục đích chiếm đoạt tài sản có trước thời điểm nhận tài sản. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên chỉ cần chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.

Trong vụ việc xảy ra khi mua bán căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, khách hàng nộp tiền cho chủ đầu tư và vẫn nhận được nhà, được sử dụng để ở, chỉ là không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do ngôi nhà được xây dựng sai giấy phép, không đúng với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì vậy đây cơ quan tố tụng đang xác định đây là hành vi lừa dối khách hàng chứ không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa dối khách hàng diễn ra khá nhiều trong đời sống xã hội. Đây là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật. Trên thực tế có rất nhiều khách hàng bị lừa dối mà không biết hoặc có biết cũng không nắm được thủ tục quy trình để bảo vệ quyền lợi của mình. Chính vì vậy những vụ án hình sự về tội lừa dối khách hàng ít xảy ra. Thông thường thì chỉ những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khách hàng mất tiền nhưng không nhận được hàng hóa thì họ mới tố cáo, mới yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xử lý. Còn đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì nhiều người chỉ nghĩ rằng đây là quan hệ dân sự và quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ bằng nhiều biện pháp, cách thức, trong đó có các giải pháp phòng ngừa và các chế tài để xử lý vi phạm.

Vì nhiều lý do khác nhau mà những người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng ít bị xử lý, thường chỉ bị xử lý hành chính hoặc phải bồi thường thiệt hại khi có tranh chấp dân sự xảy ra. Có lẽ tội lừa dối khách hàng trong lĩnh vực bất động sản lần đầu tiên được áp dụng trong vụ án này.

Đại Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI