Vì sao nhìn qua Google Maps, rừng Việt Nam "mỏng" hơn Lào, Campuchia?

06/11/2020 - 12:08

PNO - Bộ trưởng Bộ NN-PTN Nguyễn Xuân Cường trả lời: "Do tỷ lệ che phủ rừng của Lào và Campuchia... cao hơn Việt Nam"

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chất lượng rừng của Việt Nam còn "non" do có tính lịch sử

Sáng 6/11, tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: "Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định đã làm tốt công tác bảo vệ rừng với độ che phủ lên tới 42% nhưng qua hình ảnh từ Google Maps, chất lượng rừng Việt Nam thấp hơn của Lào và Campuchia. Phải chăng năng lực bảo vệ rừng của Việt Nam kém hơn các quốc gia này hay vì lý do nào khác?"

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thon (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: "Hình ảnh phản ánh trên Google Maps hoàn toàn chính xác, do tỷ lệ che phủ rừng của Lào và Campuchia... cao hơn Việt Nam. 2 nước này có tài nguyên đất, tính bình quân đầu người rộng hơn Việt Nam. Trong đó, con số che phủ rừng của Lào là 58%. Còn rừng tự nhiên của Việt Nam là 10,3 triệu ha, phục hồi từ năm 1990 đến giờ mới đạt 9 triệu ha. Chất lượng rừng non, chưa đảm bảo. Đương nhiên cũng có trách nhiệm của công tác quản lý Nhà nước".

Hình ảnh rừng Việt Nam, Lào, Cappuchia nhìn qua g
Hình ảnh rừng Việt Nam, Lào, Campuchia nhìn qua Google Maps

Chưa hết, cơ cấu cây trồng rừng của Việt Nam chủ yếu là keo. Loại cây này phát triển nhanh song độ che phủ và bền vững trước thiên tai thấp. Do đó, phải thay thế dần bằng các cây bản địa có chất lượng tốt hơn.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển tiếp tục truy: "Theo báo cáo của Chính phủ, đã phát hiện hơn 25.000 vi phạm pháp luật về môi trường với 3.093 tổ chức vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhưng vì sao chưa truy cứu trách nhiệm hình sự với bất kỳ pháp nhân nào?"

Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời: "Câu hỏi của ĐB Hiển làm cho cơ quan làm luật, những người làm luật và đơn vị thực thi pháp luật phải suy nghĩ. Theo quy định, không phải hành vi nào vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng xử lý hình sự. Vấn đề này tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Có những hành vi đã quy định xử lý hành chính rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì mới xử lý hình sự".

Bên cạnh đó, có những sai phạm do cá nhân núp bóng công ty pháp nhân, việc xử lý đang là vấn đề. Ví dụ, 1 công ty xả thải gây ô nhiễm, nếu chúng ta khởi tố, xử lý giám đốc thì công ty này có xử lý tiếp không? Đây là vấn đề mới, chưa có căn cứ xử lý. Cần có hướng dẫn của các cấp, các thông tư liên tịch, quy định rõ chi tiết cụ thể để cơ quan thực thi pháp luật không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI