Học sinh hào hứng
Tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), sau khi kết thúc tiết học lúc 14 giờ, học sinh lớp 7/4 không ra chơi mà nhanh chóng cất tập vở, vui vẻ đi đến thư viện. Vào phòng, tất cả đứng nghiêm chào thầy sau đó tìm 1 quyển sách yêu thích và 1 chỗ ngồi phù hợp. Điều này được thực hiện như 1 thói quen và chẳng khác gì một tiết học vì vẫn có giáo viên hỗ trợ, có sổ đầu bài để theo dõi. Chỉ khác là học sinh được tự do đọc những gì mình thích mà không phải làm bài kiểm tra.
“Sở thích của em là tìm hiểu về lịch sử và sinh học nhưng đôi khi em không có thời gian hoặc không thể tập trung cho việc này. Do đó em rất thích tiết học đọc sách vì em vừa có thêm kiến thức, vừa có thể thư giãn” - Trần Khánh Ngọc - học sinh lớp 7/4 - chia sẻ.
|
Hầu hết học sinh được hỏi đều cho biết các em rất hào hứng với giờ đọc sách. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều đọc sách ở thư viện |
Ông Nguyễn Xuân Đắc - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, tiết đọc sách đã được trường đưa vào thời khóa biểu từ năm 2018. Để học sinh không nhàm chán, trường thường xuyên thay đổi, bổ sung đầu sách của thư viện. Trường để giáo viên lựa chọn, giới thiệu sách cho học sinh hoặc tổ chức cho các em đi đến đường sách, chọn và mua sách cho thư viện bằng nguồn tiền của trường. Ông chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu, trường cũng gặp khó vì thủ thư có thói quen bảo quản sách kỹ, sạch đẹp trong ngăn tủ, khiến học sinh ngại tiếp cận. Từ khi thay bằng kệ sách mở, để sẵn sách trên bàn thì học sinh hứng thú hơn”.
Tại Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12), học sinh đặc biệt yêu thích tiết đọc sách khi được thay đổi từ môi trường lớp học sang không gian thư viện, có thời gian để tự học, tiếp thu những kiến thức mà mình mong muốn. Trường cũng đẩy mạnh giới thiệu sách, tạo văn hóa đọc qua các hoạt động như không gian cà phê sách, chương trình “buffet sách”.
Ở Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), tiết đọc sách cũng được xếp vào thời khóa biểu buổi 2 từ 2 năm nay. Khi mới đưa ra kế hoạch, cả giáo viên và phụ huynh đều không ủng hộ vì nghĩ hoạt động này không thực sự cần thiết. Nhưng dần dà, tiết học ngày càng phát huy tác dụng trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức và hỗ trợ thư giãn cho học sinh. Trường linh động sử dụng thư viện và sách lưu động để phục vụ các lớp. Ở những khung giờ trùng nhau, người phụ trách thư viện sẽ tập hợp sách theo yêu cầu của giáo viên và mang lên lớp. Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường - đánh giá: “Tiết học này thật sự rất cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần của học sinh. Bởi nếu mỗi ngày đều học từ 8-9 tiết nhưng chỉ toàn toán, văn, tiếng Anh… thì rất dễ làm các em chán và mệt mỏi”.
Khó sắp xếp thời gian
Bên cạnh các trường thực hiện tốt, vẫn còn nhiều trường chưa thể đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu hoặc chỉ đưa được vào một số lớp.
Như tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh đã được tiến hành nhiều năm nhưng chỉ thông qua hình thức câu lạc bộ. Nguyên nhân là vì trường gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. “Các trường ở thành phố có nhiều tiết tiếng Anh, tin học nên chiếm thời gian khá nhiều, không còn giờ để thêm tiết vào. Điều gì cũng quan trọng, cũng muốn đưa vào nhưng vẫn phải cân nhắc nhiều thứ” - bà Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng nhà trường - giải thích. Còn tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), tiết đọc sách chỉ được đưa vào thời khóa biểu của một số lớp từ 2 năm trước. Đến năm học này, thư viện được di dời nên không thể tiếp tục.
Với quan điểm xem đọc sách là một kỹ năng cần thiết cho việc học và vào đời của học sinh, bà Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) - đã yêu cầu giáo viên tổ văn chủ động đưa học sinh xuống thư viện hoặc chuyển sách lên lớp để học sinh đọc. Tuy nhiên do không có quy định rõ ràng nên công tác này được thực hiện thiếu bài bản và không triệt để. “Áp lực chương trình nhiều nên giáo viên không còn thời gian cho việc này, dần dần trở nên được thì làm còn không thì thôi. Chủ trương lần này sẽ là bắt buộc các trường phải nâng tầm quan trọng của hoạt động, giáo viên không còn lý do để từ chối” - vị hiệu trưởng nói.
Nhiều năm qua, tiết đọc sách tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) chỉ diễn ra vào những tiết trống hoặc giờ ngoại khóa. Ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường - nhận định: “Việc lập tiết đọc sách là cách làm rất hay. Tuy nhiên, đưa đọc sách vào thời khóa biểu là một quá trình lâu dài, buộc có sự đồng ý của cấp trên chứ không phải có thể tự ý. Nếu sử dụng thư viện thì dễ quá tải nhưng nếu tổ chức trên lớp thì phải có sự đồng bộ. Nội dung sách gì, ai là người hướng dẫn và lập kế hoạch dài hơi trong 37 tuần của năm học. Rào cản đầu tiên là tiết này không nằm trong tiết quy định nên trường chưa biết nên làm gì, dạy gì”.
Do đó, ông kiến nghị cơ quan cấp trên cần có định hướng là đọc sách gì, chủ đề muốn định hướng giáo dục ra sao, đối tượng học sinh như thế nào. Khi có được điều này thì việc thực hiện rất dễ dàng.
Nên lấy ý kiến các trường Bà Trần Thúy An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) - cho biết: “Tôi thấy tiết học này rất hay nhưng theo quy định chung của Bộ GD-ĐT thì không có định mức tiết. Vì vậy, cơ quan quản lý cấp trên nên lấy ý kiến từ các trường, dựa trên tình hình thực tế để đưa ra quyết sách phù hợp. Khi đã quyết tâm thì các trường sẽ có cách triển khai, thúc đẩy sự phối hợp giữa các tổ bộ môn và cán bộ thư viện để làm tốt. Mặt khác, để hoạt động diễn ra lâu dài và hiệu quả, thư viện phải có đủ các bộ sách phù hợp với chương trình học và thị hiếu của học sinh”. |
Trang Thư