Lớp dạy thêm vẫn mọc lên trong trường
Theo phản ánh của một số phụ huynh, dù mới vào năm học, tại nhiều trường phổ thông, trong khoảng thời gian từ 17g30 đến 19g30 vẫn diễn ra hoạt động dạy thêm học thêm, bồi dưỡng văn hóa ngay trong khuôn viên trường. Tại Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), vào các buổi chiều và tối trong tuần, dễ dàng bắt gặp cảnh cả trăm học sinh (HS), học viên tan học ra. Sau giờ học chính khóa, một số phòng học lại tiếp tục sáng đèn để giáo viên mượn dạy thêm cho HS vào buổi tối.
|
Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho giáo viên mượn một vài phòng dạy thêm, và chỉ phải trả chi phí điện, nước - Ảnh: Gia Tuệ |
Cũng trong Q.Bình Thạnh, Trường THPT Gia Định có khoảng 5 lớp dạy thêm vào buổi tối. Học viên có cả HS của trường và HS bên ngoài. Một học viên đang học tại đây xin được giấu tên cho biết: “Lớp buổi tối chủ yếu củng cố kiến thức, luyện giải đề. Tôi nhắm đến Trường đại học Y Dược TP.HCM nên học thêm ở đây một thời gian rồi. Sau khi tan học, tôi ăn qua loa buổi chiều rồi quay vào trường học tiếp buổi tối”.
Dạo trước, khoảng 19g, nhiều HS Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) mới rời lớp, tan trường. Hỏi ra mới biết, sau giờ học chính khóa sáng - chiều, HS ăn vội vàng rồi ở lại học thêm tại trường. Người đứng các lớp dạy thêm này cũng là giáo viên của trường.
Tương tự, tại Trường THPT Hùng Vương (Q.5) cũng có một số lớp dạy thêm vào buổi tối của cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hùng Vương. Phòng ghi danh của đơn vị này được đặt gần cổng trường. Nhiều học viên cho biết có cả giáo viên của Trường THPT Hùng Vương trực tiếp giảng dạy.
Những lớp dạy thêm tại Trường THPT Gia Định thuộc cơ sở dạy thêm học thêm do một cán bộ đã nghỉ hưu của trường quản lý. Trung tâm này được cấp phép hoạt động từ tháng 1/2018. Trao đổi qua điện thoại, vị này cho biết: “Cơ sở mà trung tâm được cấp phép và hoạt động là tại đường D2, dạy các môn toán, lý, hóa, ngữ văn, tiếng Anh, sinh. Sau một thời gian, HS rất đông nên tôi có hỏi thuê khoảng 5 phòng học của trường vào buổi tối.
Tuy nhiên, trường không thể cho thuê mướn nên ban giám hiệu cho mượn tạm, không thu tiền. Phía trung tâm sẽ đóng tiền điện, nước và hỗ trợ quà trực tiếp cho giáo viên, cán bộ nhân viên trường vào ngày lễ, tết như một cách tăng phúc lợi cho giáo viên. Nhưng sau khi biết làm như vậy là không đúng nên sau tối ngày 22/9 sẽ không dạy tại địa điểm của Trường THPT Gia Định nữa”.
Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cũng cho giáo viên mượn một vài phòng dạy thêm, và hiện nay đã dừng.
Hai năm “án binh” chờ hướng dẫn
Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, cho biết: trường có một cơ sở bồi dưỡng văn hóa đang hoạt động, do một cựu giáo viên của trường thành lập và giấy phép đến tháng 2/2021 hết hạn. Trước khi có Nghị định 151, trường cho cơ sở này thuê phòng để dạy thêm ban đêm. Tuy nhiên, sau đó không thể cho thuê được nữa mà chỉ cho mượn một vài phòng, đồng thời trường cũng yêu cầu di dời nhưng do đầu năm xảy ra dịch COVID-19 nên cơ sở chưa tìm được địa điểm phù hợp.
“Trường cho mượn phòng nên không có lợi nhuận, cơ sở này sẽ trả tiền điện, nước khoảng 5 triệu đồng/tháng và thuê các bộ phận phục vụ như bảo vệ, nhân viên vệ sinh làm thêm”, ông Yên nói. Cũng theo ông Yên, trường cũng đã xây dựng và trình đề án theo Nghị định 151.
Cũng nằm trong tình trạng “chờ” là Trường THPT Võ Thị Sáu. Hiện tại, buổi tối, trường đang cho một số giáo viên của trường mượn phòng để dạy và Trường đại học Kinh tế TP.HCM dạy các lớp ngắn hạn trong thời gian chờ Trường THCS Trương Công Định (trường đã yêu cầu chuyển đi từ ngày 23/9) xây sửa.
Được biết, Trường THPT Võ Thị Sáu là một trong những trường xin duyệt đề án theo Nghị định 151 từ đầu nhưng đến giờ vẫn phải chờ. Ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng trường này, cho hay: “Trước đây, trường có giấy phép hoạt động dạy thêm học thêm nhưng sau đó thành phố không cho nên thu hồi giấy phép. Khi có nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công, trường cũng làm hồ sơ xin phép cho đến nay. Thực tế, giáo viên giỏi cũng cần dạy thêm như một cách làm thêm và HS có nhu cầu học luyện thi.
Thầy cô trong trường mượn phòng để dạy thì HS đỡ di chuyển, phụ huynh cũng yên tâm nên trường tạm cho một vài giáo viên mượn lớp. Các thầy cô có trách nhiệm trả tiền điện, nước và một khoản phí nhỏ vào quỹ công đoàn như chi phí khấu hao”.
Một đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho hay, để áp dụng Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các trường đã hoàn thành đề án từ hai năm nay. Hiện sở đã gửi Sở Tài chính thẩm tra hồ sơ, trình UBND TP.HCM phê duyệt.
|
Theo nhiều nhà quản lý, thay vì tận dụng cơ sở vật chất công vào ban đêm để tối đa hóa công suất, tăng phúc lợi cho giáo viên, thì nay các trường phải cho mượn không vì vướng thủ tục là lãng phí.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), thừa nhận: “Hiện nay, trường học, các cơ sở công chưa được phê duyệt theo Nghị định 151 để có thể sử dụng và khai thác tài sản công của đơn vị hiệu quả hơn. Trong thời gian chờ phê duyệt, thành phố nên tạo điều kiện để các trường được sử dụng.
Dạy thêm là dịch vụ hoàn toàn không xấu nếu không bị biến tướng. Có giấy phép, giáo viên giỏi, dạy nơi chốn ổn định, tươm tất, có trường quản lý và chịu trách nhiệm thì phụ huynh càng yên tâm, HS được thụ hưởng dịch vụ tốt. Mặt khác, việc làm này có thể tăng nguồn thu cho trường và cả nguồn thu thuế”.
Thanh Thanh