Vì sao nhiều nước cố tình trì hoãn liều vắc-xin COVID-19 thứ hai?

20/05/2021 - 07:05

PNO - Một số quốc gia trên thế giới đã chọn cách trì hoãn việc tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ hai vì họ muốn sử dụng liều vắc-xin đó tiêm cho những người đang chờ đợi được tiêm chủng, nhờ đó sẽ bảo vệ cho nhiều người hơn.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, khoảng thời gian giữa liều vắc-xin thứ nhất và liều vắc-xin thứ hai sớm nhất là 21 ngày và trễ nhất là 12 tuần. Họ cho biết việc trì hoãn này là hợp lý, do sự xuất hiện của một số biến thể có khả năng lây truyền cao của virus SARS-CoV-2.

Thế nhưng, ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, việc kéo dài khoảng cách giữ hai liều vắc-xin còn mang một ý nghĩa lớn lao khác. Đó là thực hiện được càng nhiều càng tốt việc tiêm chủng liều vắc-xin thứ nhất cho người dân. Họ chọn cách thay vì tiêm đủ hai liều cho một người với khoảng cách gần nhất thì sẽ chọn khoảng cách giới hạn dài nhất cho phép để có thể sử dụng liều vắc-xin này cho người đang chờ đợi được tiêm chủng lần đầu tiên.

Kéo dài khoảng thời gian giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai sẽ giúp nhiều người nhận được liều vắc-xin đầu tiên hơn - Ảnh: AFP
Kéo dài khoảng thời gian giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai sẽ giúp nhiều người nhận được liều vắc-xin đầu tiên hơn - Ảnh: AFP

“Bạn sẽ cứu được rất nhiều mạng sống. Một liều vắc-xin cho người đầu tiên sẽ giúp họ được bảo vệ từ 0 đến 85%, so với việc sử dụng liều đó cho người tiêm liều thứ hai, giúp họ tăng sự bảo vệ lên 85-95%”, tiến sĩ Robert Wachter của Đại học California, nói.

Vào tháng 1/2021, Anh là một trong những nước đầu tiên thực hiện điều này khi mà nhiều người cho đó là một bước đi bất thường. Anh đã trì hoãn liều vắc-xin thứ hai tới 12 tuần để ưu tiên những mũi tiêm đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt. Quyết định này được thực hiện sau sự gia tăng đột biến do biến thể B117 hồi tháng 12 năm ngoái và vào tháng Một năm nay.

Chính sách này đã giúp Anh trở thành “một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới”, với gần 36 triệu người đã tiêm liều đầu tiên và 20 triệu trong số đó đã tiêm liều thứ hai.

Để rồi ngày 17/5, Anh thông báo nới lỏng các hạn chế, cho phép các hoạt động tập trung ăn uống trong nhà, quán bar, nhà hàng. Còn các rạp chiếu phim, bảo tàng và địa điểm thể thao cũng được mở cửa trở lại lần đầu tiên sau nhiều tháng. 

Nối gót Anh, hồi tháng Tư, Đan Mạch đã thông qua việc hoãn tiêm liều hai tới sáu tuần. Cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết, việc tăng khoảng cách giữa các liều có nghĩa là sẽ có nhiều người nhận được liều đầu tiên sớm hơn, mang lại khả năng miễn dịch rộng rãi hơn.

Kế tiếp, Na Uy cũng kéo dài khoảng thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai từ sáu lên 12 tuần cho người lớn dưới 65 tuổi. “Việc tăng khoảng thời gian sẽ cho phép nhiều người khác được tiêm chủng sớm hơn. Điều này sẽ ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng và tử vong, đồng thời giảm mức độ lây nhiễm chung trong xã hội”, Bộ trưởng Y tế Bent Hoeie nói.

Tại Pháp, các nhà chức trách đã trì hoãn đợt tiêm chủng thứ hai từ bốn tuần lên sáu tuần để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. “Nó sẽ cho phép chúng tôi tiêm chủng nhanh hơn mà không làm giảm khả năng bảo vệ”, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nói.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh đã cập nhật hướng dẫn cho phép tối đa 42 ngày giữa các liều vắc-xin để mọi người linh hoạt hơn khi tiêm mũi thứ hai. 

Thậm chí, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về tiêm chủng của Canada hồi tháng Ba đã cho phép các tỉnh gia hạn thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai lên tối đa bốn tháng. Tiến sĩ Bonnie Henry, nhân viên y tế British Columbia, cho biết: “Điều quan trọng mà chúng tôi biết được là những loại vắc-xin này có tác dụng, chúng mang lại mức độ bảo vệ rất cao và khả năng bảo vệ kéo dài trong nhiều tháng”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều đồng thuận với chính sách này do lo ngại rằng sự hiện diện của những người được miễn dịch một phần có thể tạo ra các biến thể nguy hiểm hơn.

“Virus sẽ có thời gian tiến hóa để đáp ứng với các kháng thể, bất kể chúng ta sử dụng vắc-xin như thế nào”, tiến sĩ Paul Bieniasz, nhà nghiên cứu về virus học tại Đại học Rockefeller, cho biết trên tạp chí Scientific American. 

Thảo Nguyễn (theo AP, AFP, Straits Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI