Vì sao nhiều người trẻ né tránh cha mẹ?

30/07/2024 - 06:00

PNO - Ngày nay, nhiều người trưởng thành tìm cách sống xa cha mẹ, né tránh sự quan tâm, thậm chí là cắt đứt liên lạc với cha mẹ với lý do tìm kiếm sự cân bằng, ổn định tinh thần khi những bất đồng với cha mẹ không thể giải quyết.

Nhiều bất đồng giữa cha mẹ và con cái không thể hòa giải đã dẫn đến một bộ phận người trưởng thành  quyết định cắt đứt mối quan hệ với cha mẹ - ẢNH: ANTON WATMAN (Shutterstock)
Nhiều bất đồng giữa cha mẹ và con cái không thể hòa giải đã dẫn đến một bộ phận người trưởng thành quyết định cắt đứt mối quan hệ với cha mẹ - Ảnh: Anton Watman (Shutterstock)

Chấm dứt sự bất đồng

Jordan được nuôi dưỡng trong một gia đình ở bang Bắc Carolina, Mỹ. Cô đã quyết định ngừng nói chuyện với cha mình với lý do “chán ngán lời khuyên của cha là phụ nữ nên nghe theo đàn ông”. 1 năm sau khi cắt đứt liên lạc, cha của Jordan phải nhập viện. Cô đã lên chuyến bay đêm để đến vĩnh biệt người cha khó tính của mình. Giờ đây, cô cảm thấy rất buồn vì mối quan hệ như vậy với cha của mình. Trong cô là những dằn vặt: có thể mình đã làm đúng; nếu có thêm thời gian, cha cô có thể thay đổi hay không…

Với Holly (24 tuổi), mối quan hệ với người mẹ luôn kìm nén cảm xúc, có xu hướng bạo hành diễn ra căng thẳng trong nhiều năm. Cuối cùng, cô đã quyết định “cắt” bà ấy ra khỏi cuộc đời mình. Sau khi lấy giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, Holly nhắn tin cho mẹ: “Con hy vọng mẹ sẽ chọn một con đường khác trong phần tiếp theo của cuộc đời, ưu tiên chữa lành thay vì sự tàn nhẫn và đau khổ. Dù sao thì con cũng sẽ không ở lại để chứng kiến ​​điều đó”. Người mẹ không trả lời và chặn số của cô. Sau quyết định này, Holly không cảm thấy đau buồn mà thanh thản với cảm giác bình yên mà từ lâu cô không có được.

Dường như cuộc sống gia đình của nhiều người trẻ trên thế giới đã có chiều hướng xấu hơn trong những năm gần đây. Họ trở nên lười tìm kiếm bạn đời, né tránh việc sinh con, sự gắn bó của các gia đình cũng không còn như trước. Một số người không liên lạc và từ chối nói chuyện với người thân trong gia đình. Những người khác thậm chí còn thực hiện thủ tục pháp lý để cắt đứt quan hệ với cha mẹ.

Tiến sĩ Joshua Coleman - nhà tâm lý học và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Gia đình đương đại (Mỹ) - cho biết: “Nghiên cứu cho thấy 27% người trẻ trưởng thành ở Mỹ không liên lạc với một số thành viên gia đình. Ngược lại, trong số những người mẹ từ 65 đến 75 tuổi có ít nhất 1 người con trưởng thành còn sống, 11% chọn cắt đứt liên lạc với con mình”.

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Kylie Agllias tại Đại học Newcastle (Úc) cho thấy tình trạng xa lánh người thân trong gia đình ảnh hưởng đến khoảng 1/25 người Úc.

Trân trọng những gì cha mẹ đã làm cho mình

Hầu hết những người quyết định cắt đứt quan hệ với cha mẹ thuộc thế hệ Y (sinh từ 1981-1996) và thế hệ Z (sinh từ 1997-2012). Đây là một xu hướng đáng ngại, đi ngược lại các giá trị truyền thống nhưng lại đang ngày càng phổ biến.

Rin Reczek - giáo sư xã hội học tại Đại học Bang Ohio (Mỹ) - cho biết: “Dường như đã có một số thay đổi về mặt văn hóa xung quanh việc mọi người được phép lựa chọn ai là thành viên cho gia đình của mình. Những người đã nuôi dưỡng bạn không nhất thiết phải ở trong gia đình bạn”. Vào thời kỳ trước khi internet bùng nổ, việc cắt đứt quan hệ với cha mẹ có nghĩa là người con thay đổi số điện thoại và từ chối nhận thư. Giờ thì con cái từ chối tin nhắn, email từ cha mẹ, chặn họ tương tác trên mạng xã hội.

Tiến sĩ Coleman cho rằng: “Cha mẹ ngày nay trở nên căng thẳng hơn, lo lắng, bận tâm hơn nhiều so với trước đây”. Điều này khiến con cái của họ cảm thấy ngột ngạt và muốn tập trung nhiều vào bản thân hơn. Ông chia sẻ: “Tôi từng nghe rất nhiều người con đã trưởng thành nói rằng họ chỉ muốn có những mối quan hệ bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Họ không muốn cha mẹ ở gần với lý do điều đó không tốt cho sức khỏe tinh thần của họ”.

Trả lời về giải pháp cải thiện sự xa cách giữa cha mẹ và con cái, tiến sĩ Coleman nhận định: “Tôi nghĩ rằng một số bậc cha mẹ có thể tiêu cực nhưng điều quan trọng là đứa con trưởng thành phải cho cha mẹ cơ hội để hàn gắn mối quan hệ, họ nên có ý kiến nhưng theo cách mà cha mẹ có thể lắng nghe, phản hồi. Tốt hơn là bắt đầu bằng những gì bạn thích hoặc đánh giá cao về cha mẹ. Hãy trân trọng những gì cha mẹ đã làm tốt nhất cho mình”.

Linh La
(theo Persuasion, The Hill, Mamamia, Cosmopolitan, Your Tango)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI