Vì sao nhiều người trẻ chọn sống chung chứ không kết hôn?

13/02/2023 - 06:51

PNO - Các cặp đôi trẻ tuổi hiện có xu hướng chọn cách sống chung, ngại kết hôn vì lo lắng về những ràng buộc đời sống gia đình, lạm phát và tỉ lệ ly hôn cao… Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý cho biết họ sẽ có nhiều thiệt thòi khi rủi ro xảy ra.

Ngại ràng buộc

Phần lớn thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981-1996) chậm kết hôn so với các thế hệ trước. Theo một nghiên cứu năm 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 56% người thế hệ Y ở Mỹ vẫn chưa kết hôn. Cara Polus - một cô gái thuộc thế hệ này - chia sẻ: “Có rất nhiều nỗi sợ xung quanh hôn nhân, chẳng hạn như rơi vào một mối quan hệ không lành mạnh. Cũng có người chỉ muốn bước vào một cuộc hành trình với ai đó, thay vì cam kết bằng kết hôn”.

Một cuộc khảo sát năm 2022 của Viện Nghiên cứu Gia đình (bang Virginia, Mỹ) cho thấy, địa điểm gặp gỡ phổ biến nhất của thanh niên là qua mạng. Những người sinh từ năm 1997-2012 (gen Z) ưa thích hẹn hò online. Carla Cruz - một sinh viên chuyên ngành sinh học - giải thích, thế hệ của cô ngại ràng buộc cuộc sống và sự phát triển của mạng xã hội khiến việc hẹn hò dễ dàng hơn. Mặt khác, với lạm phát và khó khăn kinh tế bủa vây tâm trí của những người trẻ tuổi, hôn nhân trở thành một bài toán khó. Theo báo cáo năm 2018 của Cục Điều tra dân số Mỹ, những người từ 18-34 tuổi muốn có một sự an toàn trước đám cưới, bao gồm công việc toàn thời gian lương cao và nhà ở.

 

Cơ cấu gia đình ngày nay đang dần thay đổi khi nhiều cặp đôi trẻ chọn cách sống chung mà không kết hôn - ẢNH: GETTY IMAGES
Cơ cấu gia đình ngày nay đang dần thay đổi khi nhiều cặp đôi trẻ chọn cách sống chung mà không kết hôn - Ảnh: Getty Images 

Tại Trung Quốc, số người kết hôn lần đầu giảm xuống còn 11,6 triệu vào năm 2022, cách xa thời điểm cao nhất là 23,9 triệu vào năm 2013. Báo cáo mới từ nhiều tổ chức Trung Quốc cho thấy, hầu hết sinh viên không còn nghĩ kết hôn là điều cần thiết trong cuộc sống. Các chính sách khuyến khích sinh con hầu như cũng không ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình. 

Phụ nữ sẽ thiệt thòi

Tại Iran, Raana và Hamed đã sống với nhau được 4 năm. Cả hai đều đóng góp xây dựng gia đình và chia sẻ một tài khoản tiết kiệm. Họ thậm chí còn đeo nhẫn cưới và giới thiệu bản thân như vợ chồng. Dù vậy, họ không đăng ký kết hôn vì không tin vào hôn nhân. Iran gọi cách sống như Raana và Hamed là "hôn nhân trắng" - một xu hướng mới khiến chính quyền Iran lo lắng.

Không có ước tính đáng tin cậy nào về số đôi sống chung ở Iran, nơi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân bị pháp luật nghiêm cấm. Nhưng nỗi lo của các quan chức, cũng như các báo cáo trên truyền thông cho thấy nhiều người ở các thành phố lớn chọn sống như vợ chồng thay vì kết hôn.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, sống chung như vợ chồng là loại hình gia đình phát triển nhanh nhất ở nước này, với 3,6 triệu đôi chưa kết hôn sống cùng nhau vào năm 2021.

Nhưng nhiều đôi không nhận ra rằng họ không được thừa hưởng đầy đủ quyền lợi như những người đã kết hôn hoặc trong quan hệ đối tác dân sự được luật pháp công nhận. Nếu họ chia tay hoặc 1 trong 2 qua đời, người còn lại sẽ không được thừa kế hoặc hỗ trợ tài chính một cách tự động - ngay cả khi cặp đôi đã ở bên nhau nhiều năm. Các luật sư tin rằng, việc thiếu sự bảo vệ của pháp luật hiện nay khiến phụ nữ, đặc biệt là những người phải hy sinh công việc để chăm sóc con cái, bị thiệt thòi nhiều hơn sau khi gia đình tan vỡ. 

Tại Trung Quốc, vào cuối tháng 1/2023, Ủy ban Y tế tỉnh Tứ Xuyên thông báo cho phép tất cả người dân đăng ký khai sinh, đồng thời loại bỏ các giới hạn về số lượng đăng ký khai sinh cho mỗi phụ huynh. Trước thời điểm đó, ủy ban chỉ cho phép các cặp vợ chồng hợp pháp có tối đa 2 con. Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cho biết, các biện pháp trên nhằm "chuyển trọng tâm của việc đăng ký khai sinh sang mong muốn sinh con và quyền lợi của trẻ nhỏ". 

Linh La 

(theo CSUN, Financial Times, RFERL, SCMP, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI