Vì sao nhiều người than “lương không đủ sống”?

02/01/2025 - 06:39

PNO - Kết quả khảo sát 65.000 người lao động ở 700 doanh nghiệp Việt Nam của Công ty cổ phần Anphabe (chuyên tư vấn các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc) ghi nhận, có tới 74% người cho rằng thu nhập không đủ trang trải các khoản chi tiêu.

Trăm thứ cần chi

Làm nhân viên kế toán cho một công ty nước ngoài có trụ sở ở quận 1, TPHCM nhưng mức lương của chị Ánh Tuyết chỉ 9 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống, sau giờ làm, chị phải miệt mài dạy Anh văn online đến 23g để kiếm thêm khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Để tiết kiệm chi phí, chị Tuyết ở trọ cùng vợ chồng người anh trai. Mỗi tháng, chị phải dành ra 7 triệu đồng (80 triệu đồng/năm) cho chương trình học thạc sĩ, dùng số tiền còn lại chi cho những khoản cần thiết, hiếu hỉ. Chị chi tiêu dè sẻn đến mức không dám xài mỹ phẩm, mua quần áo công sở cũng phải canh tới đợt giảm giá sâu. Tháng nào có nhiều thiệp mời dự tiệc, chị phải hỏi mượn anh trai. Để thoát cảnh túng thiếu, chị quyết định nhảy việc sang một công ty mới với mức lương 11 triệu đồng/tháng và tăng cường tìm kiếm học viên để dạy thêm vào ngày Chủ nhật.

Giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá nhanh so với mức tăng thu nhập khiến đa số người lao động chật vật xoay xở  với cuộc sống (ảnh chụp ở siêu thị Aeon Mall Bình Tân)
Giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá nhanh so với mức tăng thu nhập khiến đa số người lao động chật vật xoay xở với cuộc sống (ảnh chụp ở siêu thị Aeon Mall Bình Tân)

Dù có mức lương 20 triệu đồng/tháng, chị Kim Hân (quận 1, TPHCM) vẫn chi tiêu rất dè sẻn để có thể hiện thực hóa giấc mơ an cư. Giá 1 căn hộ ở xa trung tâm thành phố thấp nhất cũng 2 tỉ đồng. Nếu vay khoản tiền bằng 70% giá căn hộ, chị phải có sẵn 600 triệu đồng. Chị Hân nhẩm tính, mỗi tháng để dành 10 triệu đồng cũng phải mất 5 năm mới đủ. Tiền thuê nhà, tiền điện nước đã ngốn 3,5 triệu đồng/tháng nên chị phải tính toán, chi tiêu trong 6,5 triệu đồng còn lại. Tìm hiểu lãi suất vay mua nhà, chị rùng mình. Với khoản vay 1,4 tỉ đồng, lãi suất 8%/năm và thời hạn 20 năm thì trong 4 năm đầu, chị phải trả tiền gốc lẫn lãi 14-15 triệu đồng/tháng, sau đó mới giảm dần. Với thu nhập hiện tại, khoản này vượt quá khả năng xoay xở của chị.

Giá cả mọi thứ tăng quá nhanh

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM - cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến 74% người lao động cho rằng thu nhập không đủ chi tiêu, nhưng nguyên nhân chủ yếu là giá cả hàng hóa tăng nhanh, tiền thuê nhà, mua nhà quá cao. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động ở Việt Nam hiện nay khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 7%/năm trong khi giá hàng hóa tăng từ 10 - 20%, giá nhà tăng 25%. Nghĩa là, mức tăng lương không theo kịp mức tăng giá hàng hóa và giá nhà.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021 đến nay, đa số doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn nên khó có khả năng cải thiện thu nhập cho người lao động. Ông cho hay, phần lớn DN đề nghị giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 20% lương để tăng khoản tiền thực lãnh cho người lao động. Hiện tại, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 32% lương, gồm DN đóng 17%, người lao động đóng 25%. Mức đóng bảo hiểm xã hội ở Indonesia chỉ là 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM - thu nhập của phần lớn người lao động không đủ chi tiêu là do chi phí sinh hoạt quá nặng, trong khi các chi phí này không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Ở các nước khác, các chi phí này đều được khấu trừ. Như ở Thái Lan, tiền lãi vay mua nhà trả góp, mua bảo hiểm nhân thọ, học phí cho con, tiền làm từ thiện cũng được trừ vào thu nhập chịu thuế. Sau đợt dịch COVID-19, mức thu nhập phải chịu thuế cũng được nâng lên cao để người có thu nhập thấp, trung bình không phải chịu thuế. Ở Úc, bên cạnh khấu trừ nhiều khoản phí, nếu có thu nhập chịu thuế từ 304 triệu đồng trở xuống mỗi năm thì người lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Nên dạy học sinh cách quản lý tài chính cá nhân

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - cho rằng, một lý do khiến người lao động cảm thấy thu nhập không đủ sống là chưa biết cách tích lũy. Một số cuộc khảo sát nước ngoài đã chỉ ra rằng, thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng lo lắng về tiền bạc nhiều hơn thế hệ trước do bị áp lực cạnh tranh với bạn bè quá lớn và chi tiêu bừa bãi. Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đang khuyến khích giới trẻ chi tiêu tiền một cách quá mức cho các dịch vụ ăn uống, đi chơi, du lịch.

Theo ông, có không ít người trẻ Việt Nam không kiểm soát được tài chính, dùng thẻ tín dụng để mua sắm chỉ để bằng bạn bằng bè rồi lâm vào cảnh túng quẫn. Ông nói: “Nhiều bạn trẻ đã đi làm, đang sử dụng thẻ tín dụng nhưng khi được hỏi về cách tính lãi suất đơn, lãi suất kép, vẫn trả lời sai. Lý do là trong chương trình giáo dục, không có bộ môn hay nội dung quản lý tài chính. Do đó, ngoài việc cha mẹ giáo dục con cái về giá trị đồng tiền, nên đưa nội dung giáo dục tài chính cá nhân vào chương trình học tập từ bậc THCS”.

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Đỗ Văn Phước Cách đây 2 ngày

    Bài viết rất hay và rất đúng với thực tế của cuộc sống ngày nay. Nên giáo dục trẻ từ khi còn ở bậc Trung học cơ sở về giá trị của đồng tiền cho cuộc sống thì xã hội mới không bị lạm phát leo thang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI