Vì sao nhiều người có thói quen nhậu xong cắn luôn bạn nhậu?

18/01/2023 - 07:55

PNO - Từng có nhiều trường hợp các quý ông “chén chú chén anh” ngày tết, vui say quá đà, ôm nhau nhảy múa rồi bất ngờ... cắt sứt mũi, tai nhau.

 

Anh N. bị bạn nhậu cắn đứt lìa gần hết phần mũi
Anh N. bị bạn nhậu cắn đứt lìa gần hết phần mũi

Hầu như năm nào Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cũng tiếp nhận vài trường hợp bệnh nhân nam bị cắn sứt mũi, vành tai, thậm chí đứt môi sau các cuộc vui tất niên, hay đi chúc tết.

Gần đây nhất là trường hợp của anh T.M.N. (37 tuổi, ở Bình Dương) bị bạn nhậu cắn đứt lìa cánh mũi trái trong lúc nhậu. Theo đó, chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ đến tết Nguyên đán, nhưng có một đồng nghiệp về quê sớm, anh N. cùng nhóm bạn làm chung công ty quyết định tổ chức tiệc chia tay với đồng nghiệp.

Sau đó, nhóm bạn của anh N. mang loa ra hát karaoke. Lúc này, anh N. nói có việc phải về trước nhưng vài người giữ lại rồi tranh cãi qua lại. Bất ngờ, một người bạn ôm chặt rồi cắn đứt lìa cánh mũi của anh N. khiến máu chảy đầm đìa. Người bạn do quá say đã... nuốt luôn phần mũi rời. 

Ngay lập tức anh N. được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng vết thương quá nặng, bệnh viện chuyển anh đến TPHCM tiếp tục cứu chữa. Do anh bị mất phần mũi, các bác sĩ quyết định cắt lọc, xử lý làm sạch vết thương, sau đó phẫu thuật tái tạo lại cánh mũi cho người bệnh.

Cũng bị cắn đứt cánh mũi như anh N., anh N.V.H. (33 tuổi, ở Bình Phước) đã được bác sĩ tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM phẫu thuật tạo hình chóp và cánh mũi bằng vạt da trán để che vết thương hở tránh nhiễm trùng.

Theo anh H., giữa tháng 11/2023, trong lúc anh và vài người bạn ngồi uống rượu thì 2 người trong nhóm bạn xảy ra mâu thuẫn. Thấy bạn mình đánh nhau, anh H. liền đến can ra. 

“Trong lúc tôi ôm can họ ra thì thấy đau nhói ở mũi. Khi đó tôi cũng chỉ tưởng bị cắn bình thường nhưng khi phát hiện thì gần như cả phần mũi của tôi đã bị đứt lìa” - anh H. nhớ lại.

Hiện tại, tuy anh đã được bác sĩ chuyển vạt da trán để xử lý, nhưng phải mất khoảng 6 tháng nữa vết thương ổn định rồi mới có thể tiếp tục tạo hình mũi cho anh, nhưng tổn thương quá lớn nên khả năng để lại sẹo cao. Anh H. cho biết: “Bây giờ coi như hết tết, tôi rất ngại ra đường nên quyết định năm nay sẽ không đi chúc tết để tránh mọi người cứ nhìn vào mũi của mình”.

Về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết, thông thường vào dịp lễ, tết, các quý ông hay có thói quen cùng nhau uống rượu chúc mừng. Khi đã ngà say, cuộc vui được chuyển sang ca hát, ôm nhau nhảy múa. Lúc này, có thể quá hưng phấn sau một thời gian dài gặp lại, kèm theo đã có men bia, rượu nên nhiều người mất kiểm soát cắn luôn bạn nhậu của mình. Thông thường khi ôm nhau phần mũi, vành tai, thậm chí vùng môi của người này ngang tầm với người kia nên rất dễ bị cắn phải.

Đã từng có trường hợp nam bệnh nhân ở Long An bị một người cháu họ cắt đứt vành tai vì... quá thương chú của mình. Hay trong lúc đi chúc tết, một bệnh nhân (29 tuổi, ở Cần Thơ) được mời ở lại nhà hàng xóm uống ly rượu đầu năm. Sau khi đã “chén chú chén anh”, anh chào mọi người về nhà. Có thể do anh quá dễ mến, chủ nhà hết cầm tay dặn dò đến ôm vai bá cổ, rồi bất ngờ ghì chặt, cắn đứt phần môi trên của khách đến thăm, làm anh phải đi cấp cứu ngay mùng 3 Tết.

“Hầu hết người bị cắn bị đứt lìa mũi, tai hoặc môi đều bị mất phần bị cắn, vết thương dập, nhiễm trùng phải cắt lọc rất mất thẩm mỹ. Đa số người bệnh sẽ được xử lý tái tạo lại các bộ phận bị mất hoặc chấp nhận sống với khiếm khuyết, sẹo xấu suốt đời” - bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ khuyến cáo, mọi người khi sử dụng rượu, bia phải có chừng mực, tránh quá say vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa dẫn đến những tình huống như trên khiến cuộc vui thành giận rất đáng tiếc. Chưa kể đến uống quá nhiều bia, rượu dễ dẫn đến các tình huống bi hài, tranh cãi, đánh nhau khiến cả mình và mọi người không thể tận hưởng một cái tết vui tươi, trọn vẹn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI