Vì sao nhiều chính phủ đắn đo trước COVID-19?

06/04/2020 - 15:08

PNO - Nhà hoạt động cánh tả nổi tiếng, Giáo sư danh dự Noam Chomsky từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) nói rằng, đại dịch COVID-19 cho thấy sự yếu kém cố hữu của việc thúc đẩy lợi nhuận và khả năng đối mặt với khủng hoảng toàn cầu.

Đối với nhiều nhà phê bình lâu đời về chủ nghĩa tư bản toàn cầu, COVID-19 là một ví dụ mới rõ ràng về cách hệ thống kinh tế thịnh hành của thế giới không còn phục vụ lợi ích chung. Trong số đó có nhà trí thức 92 tuổi, Noam Chomsky; ông đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc khủng hoảng trong hai cuộc phỏng vấn gần đây.

Giáo sư Noam Chomsky
Giáo sư Noam Chomsky

Trả lời phỏng vấn vào cuối tháng Ba với trang tin tức El Mostrador của Chile, ông Chomsky chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng đang làm lộ ra mặt tối của ngành công nghiệp dược phẩm nói riêng, và hệ thống chủ nghĩa tân tự do ở nhiều nơi trên thế giới. Giáo sư nhận định: "Giống như biến đổi khí hậu, đại dịch là một trường hợp thất bại lớn khác của thị trường. Đối với các công ty dược phẩm tư nhân, các tín hiệu thị trường rất rõ ràng: đừng lãng phí tài nguyên chuẩn bị cho đại dịch trước thời hạn".

Chomsky - một nhà hoạt động xã hội trọn đời và là giáo sư ngôn ngữ học nổi tiếng, lập luận rằng chính phủ Mỹ có thể can thiệp để ngăn chặn khủng hoảng như cách Hàn Quốc thực hiện, nhưng nó sẽ "mâu thuẫn với hệ tư tưởng phi chính thống tập trung vào vị thế của quyền lực tư nhân tập trung”. Vai trò của chính phủ là trợ cấp và cung cấp quyền sáng chế - nhưng không can thiệp vào quyền đặc ân và sự giàu có của các doanh nghiệp.

Trò chuyện với ông Srecko Horvat - nhà hoạt động chính trị người Croatia - trong hội thảo của Phong trào Dân chủ ở châu Âu 2025 hôm 28/3, ông Chomsky nói rằng đại dịch hiện nay chỉ là một trong nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra đối với nhân loại, bao gồm biến đổi khí hậu, đe dọa chiến tranh hạt nhân và di cư.

Giáo sư Chomsky nhận xét: "Các ổ dịch virus corona có thể đem đến những hậu quả đáng sợ, nhưng thế giới sẽ phục hồi. Còn những vấn đề khác thì không. Nếu không tìm được cách giải quyết chúng, chúng ta sẽ thất bại hoàn toàn". Ông cho rằng thật “trớ trêu" khi Cuba - quốc gia hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây trong nhiều thập niên - lại đang gửi đội ngũ bác sĩ đến giúp các nước châu Âu chống lại dịch bệnh: "Với tôi, điều này gây sốc đến mức bạn không biết cách mô tả nó. Đức không thể giúp Hy Lạp, nhưng Cuba có thể giúp các nước châu Âu. Giống như khi bạn nhìn thấy hàng ngàn người chết ở Địa Trung Hải, trên đường chạy trốn khỏi các quốc gia bị lực lượng châu Âu tàn phá trong nhiều thế kỷ, bạn không biết nên dùng từ nào".

Nhà hoạt động sinh năm 1928 khẳng định hy vọng duy nhất là sự tham gia chung mang tính dân chủ hơn: "Nếu chúng ta giao số phận của mình cho những kẻ cứng đầu đi ngược lại lợi ích xã hội, chúng ta sẽ thất bại. Một cộng đồng quốc tế nắm rõ thông tin, biết cách cùng tham gia, sử dụng sức mạnh công chúng để tự kiểm soát số phận là điều cần thiết. Nếu không, chúng ta sẽ diệt vong". 

Ngọc Hạ (theo World Crunch)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI