Cảnh báo của bác sĩ về hiện tượng test nhanh thì âm tính, nhưng cuối cùng lại mắc COVID-19

06/08/2020 - 10:05

PNO - Test nhanh âm tính nên người mắc COVID-19 sau đó đi đến 4 bệnh viện. Theo các bác sĩ, đây chính là “khoảng trống chết người".

Xét nghiệm nhanh tại Đà Nẵng
Xét nghiệm nhanh cho người dân tại Đà Nẵng

Sáng 6/8, Bộ Y tế công bố thêm 4 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có bệnh nhân 714 tại Hà Nội. Nam bệnh nhân này 42 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, làm nhân viên điều hành của một công ty xe bus. 

Bệnh nhân thứ 714 đi du lịch Đà Nẵng từ ngày 14-17/7. Anh bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ, viêm họng, tự uống thuốc tại nhà vào ngày 19/7. Tuy nhiên, ngày 31/7, anh làm test nhanh tại trung tâm y tế phường có kết quả âm tính với IgM, IgG (chỉ số trong xét nghiệm huyết thanh học).

Sau khi nhận kết quả âm tính qua test nhanh, từ ngày 3/8, anh đã đi tới 4 bệnh viện để thăm khám gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công An (Trung Văn, Nam Từ Liêm), Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Đến ngày 4/8, anh được tư vấn chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở (Hà Nội) để khám, điều trị và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 5/8.

Như vậy, dù đã có kết quả test nhanh âm tính nhưng bệnh nhân 714 vẫn mắc COVID-19 khi xét nghiệm khẳng định lại bằng kỹ thuật PCR. 

Liên quan tới vấn đề này, các chuyên gia lý giải, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể IgM/IgG xảy ra âm tính "giả" hoặc dương tính "giả" là điều dễ hiểu. Xét nghiệm nhanh chưa đủ khẳng định nhiễm virus gây COVID-19 hay không.

Cụ thể, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nếu người bệnh mới mắc COVID-19, cơ thể chưa sinh ra kháng thể hoặc cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu. Do đó, khi xét nghiệm nhanh ở thời điểm này có thể không tìm thấy kháng thể. Trong khi xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR thì lấy mẫu bệnh phẩm từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy và độ đặc hiệu sẽ cao hơn.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) nhận định, không phải người nhiễm virus SARS-CoV-2 nào cũng sinh ra kháng thể, và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm virus.

“Nhiều nghiên cứu về COVID-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người mới có kháng thể sau 2 tuần; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể” - bác sĩ Khiêm dẫn dụ. 

Bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cảnh tỉnh: Trong xét nghiệm nhanh, quãng thời gian mới mắc bệnh, cơ thể chưa sản sinh ra kháng thể chính là “khoảng trống chết người". 

Do đó, các chuyên gia khuyên người dân không nên chủ quan khi đã nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Các đối tượng này cần tiếp tục cách ly 14 ngày nếu trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với những người mắc bệnh, từ đó, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

H.Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI