Vì sao nhà tái định cư khang trang nhưng không ai vào ở?

30/05/2024 - 06:10

PNO - Từ đường Lưu Đình Lễ đi vào khu tái định cư ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, 2 bên đường là những căn chung cư cao tầng bỏ hoang. Đây chỉ là một trong hàng chục khu tái định cư ở TPHCM được xây bề thế nhưng không có hoặc chỉ lác đác vài hộ dọn vào ở.

Trong 1 khu chung cư, 5/7 tòa nhà hoang phế

Khu tái định cư (TĐC) ở phường Bình Khánh có diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn nhà TĐC cho các hộ bị di dời để làm khu đô thị mới Thủ Thiêm. Được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay, hàng ngàn căn hộ nơi đây vẫn chưa có người ở.

Từ đường Lưu Đình Lễ đi vào, có một số tuyến đường cắt ngang để rẽ vào các tòa nhà, nhưng các đường này đều bị rào chắn 2 đầu bằng những tấm lưới thép cao gần 2m, bên trong luôn có lực lượng bảo vệ.

Một phần khu tái định cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức nhìn từ trên cao - ẢNH: VŨ QUYỀN
Một phần khu tái định cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức nhìn từ trên cao - ẢNH: VŨ QUYỀN

Từ ngoài nhìn vào, các tòa chung cư ở đây đã có dấu hiệu xuống cấp, tường có nhiều vết nứt và bám đầy rêu, mốc, gạch vỉa hè bong tróc, vỡ vụn, cỏ mọc um tùm xen lẫn lá cây, rác thải.

Cửa các căn hộ đều bị phủ một lớp bụi dày xám xịt, một số cửa còn sót lại bảng hiệu đề “khu vực tiếp nhận bệnh nhân” từ thời dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Nhìn xuyên qua cửa kính, có căn hộ còn chất đầy những thùng chứa hồ sơ bệnh án, nệm, giường nằm.

Công viên Bình Khánh thuộc khu TĐC này cũng trong cảnh nhếch nhác: cây xanh không được cắt tỉa, cành lá um tùm, một số cây chết khô. Không có người ở nên rất hiếm xe qua lại trên những con đường nhựa rộng từ 4-6 làn chạy qua khu này. Có chỗ, lòng đường bị biến thành chỗ đậu xe, nghỉ trưa của những người chạy xe ôm công nghệ, taxi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những tòa nhà (block) ở khu TĐC này, chỉ tòa R7 có người sinh sống và tòa R6 đối diện có vài cửa hàng mở cửa, còn các tòa R1, R2, R3, R4, R5 vẫn im lìm, không có bóng dáng cư dân.

Tương tự, khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có diện tích 30,9ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư với tổng cộng 1.939 căn hộ, đã xây xong từ năm 2011 với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay, cư dân vẫn thưa thớt, nhiều block bỏ hoang.

Các tòa nhà này bắt đầu xuống cấp, tường bên ngoài ẩm mốc, nứt nẻ, tróc sơn. Bên trong khu TĐC, nhiều bức tường bị xịt sơn vẽ bậy, nền chung cư đầy rác thải. Đây là khu TĐC cho các hộ diện giải tỏa của dự án cải tạo kênh Tham Lương và một số dự án chỉnh trang đô thị khác.

Anh Trương Quang Huy - ở phường Tam Bình, TP Thủ Đức, làm việc trong lĩnh vực bất động sản - nói, cảm thấy xót xa khi nhìn những tòa nhà bề thế bị bỏ hoang bởi TPHCM đang có hàng trăm ngàn hộ không có chỗ ở, phải sống chen chúc trong những căn phòng trọ chỉ trên dưới 10m2

Theo anh, tình trạng hàng ngàn căn hộ TĐC bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội, gây mất mỹ quan do công trình xuống cấp mà còn có nguy cơ thành nơi dung dưỡng, phát sinh tệ nạn xã hội.

Đường vào các tòa nhà trong khu tái định cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức bị rào chắn, bên trong có bảo vệ túc trực
Đường vào các tòa nhà trong khu tái định cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức bị rào chắn, bên trong có bảo vệ túc trực

Nhà thấm dột, cách xa trung tâm

Điều lạ là trong khi khu TĐC trên đường Lưu Đình Lễ vắng vẻ, đìu hiu thì gần đó, chung cư thương mại New City Thủ Thiêm - ở nút giao đường Lưu Đình Lễ và Mai Chí Thọ - lại đông đúc cư dân, cảnh sinh hoạt và buôn bán rất nhộn nhịp. Vì sao các khu TĐC vắng người ở?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hòa - cư dân tòa nhà R7, khu TĐC phường Bình Khánh, TP Thủ Đức từ năm 2015 - cho hay, nhà ông ở Thủ Thiêm bị giải tỏa nên chuyển vào đây. Tiền đền bù giải tỏa không đủ để mua căn hộ TĐC nên ông phải trả góp; trả được 1-2 năm đầu thì hết tiền nên ngưng.

Do người trong gia đình đều khuyết tật nên hộ ông được tạo điều kiện để bán quán nước ngay lối vào của tòa nhà. Ông cho hay, khoảng 70% căn hộ trong tòa nhà R7 đã có người ở, trong đó có khoảng 30% là dân TĐC, còn lại là người thuê. Những tòa còn lại từng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, nay vẫn chưa có người sinh sống.

Ông cho hay, căn hộ TĐC rộng rãi, đẹp nhưng trong quá trình ở thì bị nứt gạch. Do đã hết thời hạn bảo trì nên gia đình ông phải tự bỏ tiền ra trám tường. Thêm nữa, các tấm kính cường lực cũng chi chít vết nứt.

“Tôi báo cho ban quản trị, ban quản lý, họ đến chụp hình, đo đạc tùm lum nhưng đến nay vẫn chưa sửa chữa”. Theo ông, nhiều người không muốn dời vào khu TĐC là do tiền bồi thường ít, không đủ để mua căn hộ. Thêm nữa, người ở nơi bị giải tỏa từng ở nhà trệt, làm nghề tự do nên không quen và không thích hợp ở căn hộ chung cư cao tầng.

Anh Lư Quốc Hưng - sống trong khu TĐC ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh 13 năm qua - cho hay, chung cư bị lún, tường bị nứt, đa số căn hộ bị thấm dột, nước từ tầng trên rỉ xuống làm tường bị nấm mốc, thiết bị hư hỏng nên cư dân rất ngán ngẩm.

Ngoài ra, khu TĐC này nằm quá xa trung tâm huyện, thành phố, không thuận tiện đi lại, khó kiếm việc làm nên nhiều người không muốn ở. Do vậy, ban đầu, cư dân ở đây chủ yếu thuộc diện TĐC do có nhà bị giải tỏa nhưng sau một thời gian, họ bán hoặc cho thuê căn hộ để chuyển đi nơi khác ở.

“Nếu anh có tiền, mua được căn nhà bên ngoài thì anh không ở đây đâu. Dột vầy nè, rồi kiếm việc, đi làm cũng khó nữa” - anh nói.

Ông Đinh Thiên Tân - Trưởng phòng Quản lý vận hành, Sở Xây dựng TPHCM - thông tin, TPHCM đang có 8.948 căn hộ TĐC thuộc sở hữu nhà nước chưa có người ở, thuộc 85 chung cư, cụm chung cư được xây ở TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tình trạng căn hộ TĐC bị bỏ hoang là khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, thậm chí không chỉ vài căn mà toàn bộ tòa nhà bị bỏ hoang phế. Chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM, có khoảng 13.000 căn hộ TĐC không có người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng mỗi năm để bảo trì, bảo dưỡng.

Cũng theo VARS, từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở - đặc biệt là phân khúc căn hộ - sụt giảm nghiêm trọng, số dự án bất động sản được phê duyệt ngày càng khan hiếm, số đang triển khai lại gặp các vướng mắc pháp lý và tài chính. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Do đó, việc có hàng chục ngàn căn hộ “để không” là bất hợp lý.

Cỏ mọc tràn lan trên vỉa hè khu tái định cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức
Cỏ mọc tràn lan trên vỉa hè khu tái định cư 38,4ha ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức

VARS nhận định, nhiều khu TĐC không có người ở là do chúng được xây ở vị trí xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng, gây khó khăn cho cư dân trong việc di chuyển, sinh hoạt; chất lượng xây dựng của một số tòa nhà TĐC cũng “có vấn đề”, như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý, thi công không đạt chuẩn; nhiều khu TĐC thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, hệ thống giao thông, làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.

Ngoài ra, mức đền bù cho nhà, đất bị giải tỏa chưa thỏa đáng, chính sách TĐC theo Luật Đất đai hiện hành chưa hợp lý khiến nhiều người không muốn chuyển đến ở hoặc không đủ tiền để mua.

Vũ Quyền

Sẽ bán đấu giá căn hộ và nền đất tái định cư

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho hay, UBND TPHCM đã có chủ trương bán đấu giá hơn 4.927 căn hộ và 42 nền đất TĐC, chủ yếu thuộc khu TĐC ở phường Bình Khánh, TP Thủ Đức (3.790 căn) và KTĐC ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (gần 1.000 căn).

Thủ tục tổ chức đấu giá sẽ được hoàn tất trong năm 2024. UBND TPHCM cũng sẽ dành ra khoảng 5.400 căn hộ và nền đất để TĐC cho các hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư công.

Bán đấu giá, dùng tiền làm khu tái định cư phù hợp hơn

Tôi cho rằng, gần 9.000 căn hộ TĐC đang bị bỏ hoang một phần là do xây kém chất lượng, đang xuống cấp trầm trọng do đã xây cách đây trên 10 năm rồi. Do đó, nên cho phép bán đấu giá để chủ đầu tư mới vào thiết kế, xây căn hộ thương mại và cơ quan nhà nước lấy khoản tiền đấu giá đó làm các khu TĐC ở những nơi phù hợp. Nếu giữ lại các tòa nhà TĐC này và trùng tu thì chi phí rất cao bởi phải thẩm định giá, thẩm định kết cấu hạ tầng với thủ tục phức tạp, kéo dài mà độ an toàn lại khó bảo đảm.
Ông NGUYỄN QUỐC BẢO - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM

Nam Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI