Sự già hoá dân số ở TP.HCM đang là đề tài "nóng" trong những ngày gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tâm lý tôn thờ chủ nghĩa độc thân của giới trẻ thành thị trong cuộc sống hiện đại.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam lý giải, sự bất mãn với hôn nhân và tình yêu không chỉ là “đặc sản” của các quốc gia phát triển đang già hóa dân số mà ảnh hưởng tới giới trẻ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Những áp lực trong cuộc sống hiện đại khiến nhiều thanh niên tin rằng cuộc sống độc thân mang lại nhiều lợi ích hơn.
Thực tế, không chỉ các đôi vợ chồng trẻ e dè với việc sinh con vì điều kiện kinh tế, vì thời gian và sự nghiệp, thì những bạn trẻ độc thân cũng cảm thấy áp lực khi nghĩ đến việc kết hôn và trở thành "phụ huynh". Thậm chí, họ khẳng định cuộc sống độc thân giúp họ thư giãn và hạnh phúc.
Chị Trần Kim Linh - 27 tuổi, nhân viên tư vấn du học tại TP.HCM: Tôi rất hài lòng với cuộc sống độc thân của mình. Công việc tư vấn mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp tôi làm được những việc mà mình yêu thích, như: du lịch, mua sắm, phụ tiền sinh hoạt phí cho ba mẹ. Không bận bịu chồng, con nên tôi có thể dành nhiều thời gian cho bản thân mình hơn, khi mệt mỏi tôi đi ăn uống cùng ba mẹ, bạn bè hoặc ngủ một giấc thật sảng khoái, không gặp một chút áp lực gì.
|
Sở thích của Kim Linh là du lịch và ăn những món ngon khắp mọi nơi |
Nếu nghĩ về tổ ấm tương lai, tôi cũng chỉ thích vợ chồng nhàn hạ uống trà với nhau mỗi sáng, rảnh rỗi thì trồng rau, đi du lịch. Có con thì càng vui, nhưng không có con cũng không phải vấn đề gì lớn. Cuộc đời là cả một chặng đường dài mà theo tôi, mỗi người phải bước đi và tạo niềm vui cho chính mình chứ đừng quá trông chờ ai khác mang niềm vui đến. Vì vậy, tôi không đặt ra mục tiêu chồng, con nào cụ thể cả. Sống vui, sống khoẻ với những người thân đang ở bên mình mới là điều quan trọng nhất với tôi lúc này.
Anh Đặng Như Bách - sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM: Tôi sống với ba từ nhỏ, vì mẹ đã ra đi sau khi ba mẹ chia tay. Không hẳn là quá đau buồn hay tủi thân, nhưng tôi lại cảm thấy hôn nhân mong manh dễ vỡ quá. Tôi cũng từng yêu, nhưng khi nghĩ đến hôn nhân tôi lại lo sợ, tôi sợ những áp lực cơm áo gạo tiền sẽ khiến gia đình không còn hạnh phúc, tôi sợ sinh con xong lại không mang lại hạnh phúc cho con mình...
|
Như Bách (bìa trái) có một nhóm bạn thân cũng "tôn thờ chủ nghĩa độc thân" |
Vì vậy, tôi muốn mình tập trung lo cho sự nghiệp, có thể sau khi ổn định về mặt tài chính thì tôi sẽ suy nghĩ tiếp đến việc kết hôn và sinh con. Mà có lẽ sẽ mất nhiều năm, vì mưu sinh ở đất thành thị này đâu có đơn giản!
Tôi cũng không cảm thấy cô đơn hay buồn chán gì khi sống một mình ở thành phố (ba tôi sống ở Cần Thơ). Công việc lập trình đã tiêu tốn mất nhiều thời gian của tôi, có khi tôi phải làm đến 1-2 giờ sáng. Khi rảnh rỗi, tôi thích chơi game cùng nhóm bạn hoặc cà phê tán gẫu, đi đá bóng... Không đủ thời gian để mình thư giản luôn chứ đâu còn thời gian đề buồn (cười).
Chị Phạm Thị Mai Hồng - 31 tuổi, nhân viên nhà nước, sinh sống tại quận Tân Bình - TP.HCM: Công việc của tôi đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều và tập trung cao độ, tôi rất thường rơi vào trạng thái căng thẳng do việc quá tải. Cách để tôi cân bằng lại cuộc sống của mình là đi du lịch và hát karaoke với hội bạn thân.
Tôi quan niệm rằng, bình yên và hạnh phúc chính là luôn hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy mình không phải là người đảm đang, giỏi giang trong việc chăm sóc nhà cửa nên thực sự tôi khá e dè trong việc lập gia đình và sinh con. Mỗi người có một sở trường và cách sống khác nhau, có lẽ, tôi phù hợp với cuộc sống độc thân vui tính hơn là bà nội trợ trong một ngôi nhà đông con.
|
Tôi còn rất nhiều điều muốn tự mình làm, thay vì phải kè kè bên cạnh một người khác |
Có vài người bạn hỏi tôi "về già có sợ cô đơn không"? Tôi cũng từng suy nghĩ, cũng sợ, nhưng cuộc sống thay đổi không ai lường trước được nên tôi cũng không quá quan trọng chuyện "ngày mai". Điều quan trọng là bây giờ tôi thấy rất thoải mái khi tự mình làm chủ cuộc sống của mình".
Khác với thập niên trước, khi nhiều gia đình cho rằng "nhà đông thì vui", thế hệ trẻ ngày nay lại hướng đến "tự do là hạnh phúc". Đi du lịch, trải nghiệm những miền đất mới, theo đuổi những lĩnh vực mới mà mình yêu thích... mới là cuộc sống mà các bạn trẻ mong muốn có được.
Mặt khác, một số vấn đề xã hội khác như tỉ lệ ly hôn tăng cao, việc làm thì cung thừa cầu thiếu... đã tác động không nhỏ đến sự già hoá dân số. Họ sợ không giữ được hạnh phúc gia đình làm ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái sau này, hoặc nhưng bạn trẻ mới ra trường cho rằng nỗi lo về tài chính sẽ càng trở thành gánh nặng trong tương lai gần nếu thêm một miệng ăn...
Hoa Lan
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong 18 tới 20 năm nữa, Việt Nam sẽ thật sự bước vào giai đoạn già hóa dân số.
|
Ths Mai Thị Kim Khánh |
Vấn đề này đưa đến cho những nhà quản lý xã hội 2 khía cạnh cần xem xét, một mặt nó mang lại sự kiểm soát cho chính phủ về các vấn đề xã hội như môi trường, lương thực thực phẩm, việc làm, dịch vụ, điều tiết dân số, phân bổ trợ cấp xã hội đến các nhóm xã hội yếu thế…, mặt khác nó làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần phải lưu ý:
Về mặt xã hội: Thu nhập hưu trí và chăm sóc y tế của người cao tuổi phần lớn được tài trợ bằng thuế của nhóm lao động trẻ tuổi. Vậy khi tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến số người trong độ tuổi lao động giảm đi và hệ quả sẽ là tiền thuế thu được ít hơn để chi trả các khoản thanh toán an sinh xã hội, trong đó có chăm sóc y tế miễn phí cho người cao tuổi, lương hưu. Trong khi những người già thì lại cần nguồn nhân lực và chi phí cho chăm sóc y tế nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tư cho giáo dục và các nguồn vốn con người khác bị thu hẹp.
Về lĩnh vực khoa học: khả năng sinh sản thấp làm giảm tốc độ đổi mới khoa học và các sáng kiến khác vì những đổi mới chủ yếu đến từ những người trẻ. Các cá nhân trẻ tuổi nói chung có khả năng thích nghi cao hơn, đó là lý do tại sao các ngành công nghiệp mới phát triển để đáp ứng cho nhu cầu của họ.
Về mặt kinh tế: Nhiều người về hưu không làm việc trong khi nhiều thanh thiếu niên làm việc với thu nhập thấp có thể gây ảnh hưởng quyết liệt tới nền kinh tế của chúng ta. Điều này đã dẫn tới những động thái không được thoải mái cho người dân như mở rộng tuổi nghỉ hưu hoặc các sáng kiến về kết hợp các quỹ Đầu tư tiền hưu trí tại nơi làm việc cho công nhân trẻ tuổi… Kết hợp với những nhân tố kinh tế xã hội khác, việc lực lượng lao động sẽ bị thu hẹp bởi hàng triệu người, nguy cơ sẽ dẫn đến sự thay đổi sản lượng kinh tế và dẫn đến mức sống thấp hơn.
Mai Thị Kim Khánh
(Ths. Xã Hội Học, Giảng viên Xã Hội Học trường ĐHKHXH&NV)