Vì sao người trẻ dám từ bỏ mạng xã hội?

16/11/2017 - 14:00

PNO - Không phải đứa trẻ vị thành niên nào cũng dán mắt vào màn hình điện thoại suốt ngày. Nhà báo người Anh - Anna Maxted - đã ghi nhận ý kiến của các bạn trẻ thích sống thực hơn là mạng xã hội.

Molly Montgomery Johnson, 15 tuổi: “Không mạng xã hội, em sáng tạo hơn”

Em từng có điện thoại thông minh. Mỗi khi điện thoại rung, em luôn lo có chuyện gì xảy ra. Em khó chịu với điều đó nên đã xóa tài khoản mạng xã hội, sau đó em thoải mái hơn nhiều. Em cảm thấy lạc lõng, cô đơn khi lên mạng. Trên đó chỉ toàn là những người ngồi một mình trước màn hình và giao tiếp với những người khác giống họ.

Những người em muốn giao tiếp là những người ở ngay bên cạnh em, như bạn thân, bố mẹ hoặc em trai của em. Họ luôn biết em ở đâu khi họ cần em. Nếu muốn nói chuyện với em, họ chỉ cần gõ cửa phòng. Những người lên mạng thường xuyên đang thiếu những thứ mà em có.

Vi sao nguoi tre dam tu bo mang xa hoi?
 

Đôi khi em cảm thấy rất khó chịu khi đang nói chuyện với ai mà bỗng nhiên họ có tin nhắn. Khi ấy, họ không còn là họ nữa. Những ký hiệu tình cảm thì vui, nhưng ta sẽ không biết thật sự mọi người nghĩ gì về ta. Ngoài đời thật, ta nhận biết qua cử chỉ trên nét mặt và cơ thể, đó là mới là mối quan hệ thật sự.

Em làm rất nhiều việc em yêu thích mỗi khi rảnh rỗi. Em chơi đàn piano từ khi em sáu tuổi. Em thích nhạc jazz và soul. Em thích may vá, tập yoga, xem phim. Em thích trở thành nhà thiết kế thời trang giống mẹ em. Em tự may quần áo cho mình. Không tham gia mạng xã hội, em có khả năng sáng tạo hơn.

Các bạn em thường bảo không lên mạng xã hội giống như sống trong rừng. Có thể em không theo kịp các bạn trong một số thứ, nhưng em vẫn có thể truy cập internet, xem ti vi. Em chỉ không bị tiếng điện thoại liên tục quấy rầy mà thôi.

Jonah Blain, 15 tuổi: “Bố bị bệnh nên em trân trọng quan hệ ngoài đời”

Khi em 11 tuổi, bố bị chẩn đoán có khối u trong não và em thấy mình phải trân trọng những gì mình đang có. Em dành nhiều thời gian hơn với bố. Em cảm thấy sự quan trọng của việc gắn kết với thế giới xung quanh, dành thời gian cho mọi người, làm những việc mình thích.

Sử dụng thời gian quá nhiều trên mạng sẽ không cho phép ta làm những việc kể trên. Khi em bắt đầu có smartphone cách đây bốn năm, em thấy mình quá lệ thuộc vào nó. Thiết bị điện tử đã len lỏi vào cuộc sống của mọi người quá nhiều và em cố tránh điều đó. Em tắt chức năng báo có tin nhắn trên mạng xã hội. Khi em cảm thấy mình quá phụ thuộc vào điện thoại, em tắt nó luôn và đi đọc sách.

Vi sao nguoi tre dam tu bo mang xa hoi?
 

Điện thoại là một công cụ chứ không phải là lối sống. Nó không thể và không nên chiếm hết cả ngày của ta. Em thích giao du với bạn bè, chơi nhạc với tụi nó hoặc chơi đá banh, tham gia hướng đạo sinh. Em cũng có một tài khoản Instagram, nhưng khoảng ba hay bốn tháng em mới đăng hình một lần.

Em không thấy mình thiệt thòi gì cả, vì những gì em không đăng trên mạng, em vẫn có thể giao tiếp ở ngoài đời thực. Thay vì che giấu những điều kém cỏi của mình và liên tục khoe mẽ trên mạng, hãy yêu quý bản thân mình, em nghĩ vậy.

Jimmy Hughes, 17 tuổi: “Nhiều người đã bỏ lỡ nhiều thứ hay ho”

Em để quên chiếc iPhone trên xe buýt nên mẹ mua cho em chiếc Nokia “cục gạch” để xài đỡ. Thật tình, vài ngày đầu không có iPhone, em thấy rất khó chịu. Em cứ đưa tay vào túi để kiểm tra điện thoại theo thói quen. Giờ thì hết rồi và em cảm thấy dễ chịu hơn nhiều khi không bị lệ thuộc vào điện thoại. Sau vài ngày sử dụng chiếc Nokia, em thấy mình có sự gắn kết với những việc thật và con người ngoài đời nhiều hơn.

Em cũng thấy tiếc và nhớ những lời trêu đùa khi còn nhắn tin trong nhóm, nhưng đồng thời em có nhiều thời gian hơn để chơi trượt ván và gặp gỡ bạn bè. Em cũng có thể chơi game trên laptop, nhưng em không còn bị nghiện như hồi còn sử dụng iPhone. Đó là một cảm giác tự do, thoải mái.

Dolly Hughes, 14 tuổi: “Thật bực mình vì mẹ suốt ngày online”

Em thấy mạng xã hội có thể làm tình bạn trở nên phức tạp. Em cũng có tài khoản Instagram, nhưng vì em không có smartphone nên em ít đăng hình. Em không cảm thấy mình thua thiệt gì khi không lên mạng. Em có bạn thân. Em có thể nói chuyện với các bạn bất cứ lúc nào sau giờ học hoặc cuối tuần.

Vi sao nguoi tre dam tu bo mang xa hoi?
 

Em thích dành thời gian chơi với chị và hai em trai hơn và dù có Facebook, em ít sử dụng nó. Em thích gặp bạn bè vào cuối tuần hơn. Mạng xã hội thật chán. Cuộc sống bên ngoài thú vị hơn nhiều. Em từng có smartphone, nhưng em đã để đâu mất. Bây giờ em chỉ dùng một cái điện thoại cũ.

Em thấy bực mình khi mẹ em dành khá nhiều thời gian trên Instagram. Mỗi khi mẹ vào mạng mà em muốn hỏi mẹ điều gì đó thì mẹ trở nên xa cách và không tập trung. Khi đang cùng mẹ nấu cơm chẳng hạn, mà mẹ dính vào một cuộc nói chuyện với ai đó qua tin nhắn thì rất khó để tiếp tục trò chuyện cùng mẹ.

Nathalie de Leuw, 14 tuổi: “Chỉ số trầm cảm của bạn bè em rất cao”

Em đang sử dụng chiếc Nokia 105 chỉ để gọi điện và gửi tin nhắn. Bố mẹ muốn em bỏ điện thoại cục gạch vì smatphone giúp em gọi taxi nhanh hơn. Hầu hết bạn bè em đều có điện thoại thông minh và họ cũng thuyết phục em dùng nó. Em luôn tự hỏi, nếu có, thì một ngày em sẽ có bao nhiêu “like”, sẽ nhận được bao nhiêu tin nhắn. Nghĩ vậy thôi là em đã thấy mệt, nên không có smartphone sẽ tốt hơn cho sức khỏe tâm thần của em.

Chỉ số lo lắng và trầm cảm trong độ tuổi của em đang rất cao, chủ yếu là do mạng xã hội gây ra. Nhiều bạn gái bằng tuổi em chụp ảnh tự sướng lộ ngực. Em biết các bạn không phải là người như thế, nhưng các bạn bị áp lực phải làm giống mọi người để thu hút sự chú ý của các đối tượng mà bạn thích.

Em có tài khoản Instagram, nhưng rất ít khi sử dụng. Khi em đang nói chuyện với ai mà họ cứ nhìn vào màn hình, em cảm thấy bị bỏ rơi. Điều này còn tệ hơn là việc kém cư xử. Khi em nói chuyện và cười to với bạn bè, em nghĩ: “Đây mới là ý nghĩa của cuộc sống”. 

Phan Quỳnh Dao (theo Times)

Hội thảo chuyên đề Thương và thưởng do Câu lạc bộ Sống cùng tự kỷ (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) tổ chức sẽ diễn ra lúc 8g30, ngày 26/11, tại Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM (59B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) nhằm giúp phụ huynh trò chuyện với con cái, nâng đỡ tinh thần cho con, hiểu khả năng cũng như nhận biết khó khăn của con, cung cấp kỹ năng chơi chung để các trẻ hỗ trợ, bảo vệ nhau.

Nhắn tin cho chị Ngân - 091 370 2235 (hạn chót ngày 22/11) để đăng ký tham dự.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI